Ngày nay, nhắc đến nước Nhật, người ta sẽ nghĩ ngay đến lòng trung thực đáng kính nể và điều ấy khiến tất cả các sản phẩm của Nhật Bản khi đi ra toàn cầu đều nhận được sự tin cậy.
LTS: Chủ tịch Trung Nguyên Legend – Đặng Lê Nguyên Vũ trong “Thư ngỏ” mở đầu sách “Khuyến học” viết rằng: Nhật Bản có vị trí địa lý không thuận lợi (khan hiếm tài nguyên, nhiều thiên tai, thảm họa), diện tích không lớn, dân số không đông, nhưng nhờ có nền dân khí tốt đã trở nên hùng cường.
Tác giả Đào Trinh Nhất, trong sách “Nhật Bản duy tân 30 năm”, ca ngợi: “Thử mở hết lịch sử nhân loại ra mà coi, đông tây kim cổ, có dân tộc nào rong ruổi 30 năm mà theo kịp người ta trên con đường văn minh người ta đã đi cả 3, 4 thế kỷ không? Ai cũng phải nói rằng không… Xưa nay chỉ duy nhất có một mình Nhật Bản làm được vậy mà thôi.”
Với người Việt hiện nay, khi nhắc tới tính cách Nhật, ý chí Nhật, công nghệ Nhật… đa số chúng ta đều ghi nhận họ là một dân tộc rất đáng để nể phục, học hỏi nhiều điều.
Vậy “nền dân khí” mà Đặng Lê Nguyên Vũ nói đến đã bắt nguồn từ đâu, gồm có những gì? Cuốn sách “Khuyến học” ra đời cách đây 150 năm của Fukuzawa Yukichi chính là điểm khởi đầu đó. Nó đã thôi thúc cả dân tộc Nhật Bản tự nhận thức lại chính mình mạnh gì, yếu gì, và đặc biệt là cần tôi luyện những phẩm chất gì, để đưa đất nước trở nên hùng cường.
Điều vĩ đại của cuốn sách là ở chỗ, sau gần 2 thế kỷ, hầu hết những giá trị tư tưởng mà Fukuzawa Yukichi nêu ra cho người Nhật vẫn còn nguyên giá trị và vượt khỏi phạm vi nước Nhật. Đó chính là lý do vì sao Đặng Lê Nguyên Vũ đã vô cùng trân trọng, xếp đây là một trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời đem tặng hàng triệu thanh niên Việt Nam, với tâm nguyện rằng nó sẽ giúp giới trẻ Việt tự rèn luyện để tự cường, từ tư tưởng đến hành động.
Đồng hành với Hành trình Từ Trái Tim, loạt bài viết dưới đây sẽ tiết lộ NHỮNG BÍ MẬT VỀ NỀN DÂN KHÍ NHẬT BẢN mà Fukuzawa Yukichi đã truyền tải trong “Khuyến học”. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả loạt bài viết chắt lọc từ cuốn sách được xem là “kho báu” vô cùng quý giá của nước Nhật.
Bí mật thứ bảy
LÒNG TRUNG THỰC
Nhật Bản hiện tại là quốc gia có số lượng máy bán hàng tự động lớn nhất thế giới. Có hơn 5,5 triệu chiếc, tương đương với 1 máy phục vụ 23 người, mật độ cao nhất trên thế giới (theo CNN, năm 2017). Điều đặc biệt là dù trong máy có hàng chục nghìn yên và nằm ở các con ngõ vắng vẻ, nhưng chưa bao giờ người ta phải lo lắng về việc liệu nó có bị phá hoại hay trộm cắp hay không.
Trong một báo cáo của cảnh sát Metropolitan Tokyo năm 2016 cho biết, số tiền mặt kỷ lục 3,76 tỉ yên (tương đương 42 triệu USD hay 1000 tỉ VNĐ) bị thất lạc được đưa đến cảnh sát và 3/4 số tiền này đã được trả lại cho chủ nhân của nó. Hình thức cửa hàng không người bán, quầy rau tự phục vụ cũng rất thịnh hành tại Nhật Bản.
Mới thấy, lòng trung thực là đức tính đặc biệt, tuyệt vời như thế nào của người dân Nhật Bản!
Nhưng vốn quý dân tộc đó đã từng suýt mất đi. Đã có thời, người Nhật đầy rẫy thói hư tật xấu. Để chấn chỉnh chí khí dân tộc, Fukuzawa Yukichi đã có nhiều chia sẻ làm thức tỉnh quốc gia Nhật Bản thông qua “Khuyến học”.
Mối quan hệ giữa tính trung thực và sự tín nhiệm xã hội
Quan điểm của Yukichi là xã hội vận hành nhờ sự tín nhiệm. Cá nhân nếu không được mọi người đặt lòng tin, không được trọng dụng thì khó mà làm nên trò trống gì. Cơ quan nhà nước, các đoàn thể cũng như vậy.
Ví như, thống đốc ngân hàng điều hành khối lượng tiền lớn theo sự ủy thác của người gửi. Bộ trưởng, tỉnh trưởng được giao trọng trách đảm bảo lợi ích trong cuộc sống và danh dự của người dân. Do họ được mọi người tín nhiệm nên mới có thể hoàn tất được những công việc lớn như vậy trong cuộc sống.
Muốn có sự tín nhiệm và duy trì nó, phải có lòng trung thực.
Ông lấy ví dụ, sản phẩm hàng hóa của các Tổ hợp bách hóa Mitsukoshi hay Daimaru giá cả luôn niêm yết rõ ràng, chất lượng bảo đảm, được người tiêu dùng tín nhiệm. Cho nên các cửa hàng của Mitsukoshi, Daimaru rất phát đạt.
Lòng trung thực đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của cá nhân và của cả đất nước. Cá nhân trung thực sẽ nhận được nhiều cơ hội to lớn, quốc gia trung thực sẽ được thế giới nể vì. Đúng như Yukichi từng nói: “Vận hội sẽ mở ở những nơi phát huy được chí khí của mình”.
Tại sao lại nói như vây? Yukichi phân tích dựa trên một ví dụ rất thuyết phục. Đó là nếu cho người có tài sản trị giá một nghìn yên vay đúng số tiền một nghìn yên thì đó là điều dĩ nhiên. Nó hoàn toàn không liên quan gì tới việc tin tưởng hay tín nhiệm. Nhưng nếu có người tài sản chỉ đáng giá một nghìn yên, nhưng lại có thể điều hành một khối lượng tiền lên tới hàng triệu triệu yên thì đó chính là sự tín nhiệm.
Chính điều ấy khiến một doanh nhân còn nghèo hơn cả những người ăn mày vì không một đồng xu dính túi (tính tổng thu, tổng chi của doanh nghiệp thì thu nhập của người này là ở mức âm). Vậy mà nhờ có được lòng tin của xã hội, anh ta vẫn luôn được tin nhiệm, được tạo cơ hội phát triển.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương TS Võ Trí Thành nhận xét về những cuốn sách được trao tặng trong Hành trình Từ Trái Tim, trong đó có Khuyến học.
Trong quan điểm của Yukichi, con người, không phải cứ chỉ cần có năng lực và cũng không phải do có tài sản lớn là có được sự tín nhiệm. Sự tín nhiệm là kết quả của cả quá trình tích tụ dần dần bởi tài năng, trí tuệ và quan trọng nhất là bởi sự chính trực, lòng thành thật của người đó.
Trong xã hội rộng lớn này, thật giả, thiện ác lẫn lộn. Có nhiều người gian dối, chủ đích đánh bóng tên tuổi, quảng cáo tâng bốc khả năng bản thân, giá trị sản phẩm của mình hòng trục lợi. Cũng có trường hợp tín nhiệm lầm người, tài đã không có mà đức cũng không nốt. Lại còn những trường hợp thế này nữa, đó là những người sống ẩn dật, trốn tránh xã hội, hễ mở miệng ra là nói không màng tới danh tới lợi nhưng chẳng qua là do bất bình danh lợi mới đi lánh đời đó thôi.
Cho nên người Nhật Bản trên con đường phát triển phải xây dựng sự tín nhiệm xã hội. Nếu ai cũng nơm nớp nỗi lo không biết tin ai, tin vào cái gì, luôn phải để phòng, dùng thủ đoạn tráo trở thì đến bao giờ đất nước mới tiến bộ!
Lên án lối sống xảo trá, gian dối
Đề cao lòng trung thực, trong quan hệ giao tiếp giữa người với người, Yukichi chủ trương gột bỏ hình thức và chú trọng vào sự thành thực, thật lòng. Trong cuộc sống, không có quan hệ nào thân thiết như quan hệ vợ chồng con cái. Có lẽ mối quan hệ đó được duy trì bằng sự bộc trực không che đậy, bằng tấm lòng trung thực. Chỉ khi nào gột bỏ che đậy bề ngoài, hình thức bộc trực mới có được sự gắn kết bền vững với người khác. Người đời thường chê những người hời hợt, những người không có ý tứ, những người nhạt nhẽo… cũng là cách đề cao thái độ sống trung thực.
Những quầy rau không người bán ở Nhật Bản.
Tặng 5 cuốn sách Nghĩ giàu làm giàu, Không bao giờ thất bại tất cả là thử thách, Quốc gia khởi nghiệp, Khuyến học, Đắc nhân tâm, Đặng Lê Nguyên Vũ muốn truyền cho các bạn trẻ đang sống và hưởng nền độc lập, tự do mà cha ông dùng xương máu đổi lại phải biết nuôi khát vọng vươn lên, cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước – PGS.TS Trần Hữu Đức.
Trong việc duy trì sự tín nhiệm, con người cần tránh việc “nói một đằng làm một nẻo” hay “nói như rồng leo, làm như mèo mửa”. Vì vậy, lý thuyết và thực hành cần phải là một, phải ăn khớp với nhau không được sai lệch dù chỉ một ly, một tý. Phải trọng lời hứa, thành thật với người khác về năng lực, điều kiện của chính mình. Từ đó, cơ sở để nhận ra người trung thực cũng chính là việc người đó có trọng lời hứa hay không và chỉ nên tin khi nhìn thấy kết quả.
Trong cuộc sống vật chất, muốn có lòng trung thực thì phải biết tích lũy tiền bạc, chi tiêu chừng mực, sống đúng với địa vị, khả năng của mình. Người mà làm ra bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, luôn chi vượt thu, cố chăm chút đời sống hào nhoáng bên ngoài là người không đáng tin, không có tính trung thực.
Người không biết kiềm chế dục vọng dễ sinh ra thói xấu như ghen ghét, lường gạt, giả dối… Tất cả đều là những thói mà người ta thường gọi là lừa đảo bịp bợm. Nhiều người đổ lỗi cho lối sống thiếu thành thực là vì hoàn cảnh nghèo khó, song Yukichi kịch liệt phản bác. Ông cho rằng, con người dù có nghèo khổ đến đâu đi nữa, khi đã hiểu được mình nghèo khổ, hèn kém và nguyên nhân là tại mình thì sẽ không bao giờ họ mang thói đố kỵ bừa bãi đối với người khác.
Theo Yukichi, nguồn gốc của sự dối trá, thiếu trung thực chính là lòng tham. Một dân tộc không thể được thế giới nể vì, tôn trọng nếu như dân tộc đó luôn gian manh, xảo trá, lọc lừa. Để giải quyết vấn đề này, cần nhìn tận gốc nguyên nhân vấn đề và thay đổi nó.
Nội dung loạt bài NHỮNG BÍ MẬT VỀ NỀN DÂN KHÍ NHẬT BẢN được rút ra từ sách “Khuyến học” của các tác giả Fukuzawa Yukichi, cùng nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để hun đúc nền dân khí quốc gia, khát vọng cùng xây dựng đất nước hùng cường.
Theo Soha