Chưa đáp ứng nhu cầu
Trao đổi với Nhadautu.vn bên lề Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2023 – Sourcing Fair Supporting Industries 2023 (SFS 2023), đại diện Công Ty TNHH Sharp Manufacturing Vietnam cho biết, hiện về lĩnh vực đồ điện gia dụng Sharp đã sản xuất trực tiếp tại Việt Nam với 2 sản phẩm là máy lọc không khí và máy hút bụi cầm tay. Hiện Sharp đang đẩy mạnh tìm kiếm các doanh nghiệp cung ứng linh kiện, thiết bị phục vụ sản xuất.
Trao đổi với phóng viên Nhadautu.vn, bà Lê Thị Mỹ Loan, Trưởng phòng kỹ thuật Sharp Việt Nam cho biết, hiện có nhiều linh kiện, thiết bị mà Việt Nam chưa thể cung ứng cho Sharp nên thương hiệu này dù có nhà máy tại Việt Nam cũng buộc phải nhập từ Trung Quốc, Thái Lan.
Theo đó, Sharp đang hướng đến tìm nhà cung cấp sản phẩm ép nhựa cũng như tất cả linh kiện để lắp ráp lại thành máy lọc không khí. Với áp lực về giá thành, thời gian giao hàng, đơn vị này mong muốn tìm nhà cung ứng vừa có thể ép nhựa vừa có thể làm khuôn nhằm cạnh tranh về giá và cạnh tranh thị trường quốc tế.
Đại diện Sharp cho biết thêm, về sản phẩm thì hiện tại thương hiệu này đang phụ thuộc nguồn cung ứng vào Trung Quốc, Thái Lan với các thiết bị như mô-tơ, mạch điện các linh kiện liên quan dây điện. Tuy nhiên theo bà Loan, thời gian qua các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu cung ứng kể cả linh kiện như dây điện.
“Có nhiều mặt hàng linh kiện hiện nay chưa tìm được nhà cung ứng tại Việt Nam như dây điện, bạc nhựa có in công nghệ logo thương hiệu…nên phải đặt hàng từ phía Trung Quốc. Chính điều này khiến Sharp muốn đẩy mạnh tìm kiếm các nhà cung ứng của Việt Nam để thay đổi và rút ngắn vấn đề về thời gian, chi phí”, bà Lê Thị Mỹ Loan cho hay.
Sharp cũng đề ra 3 tiêu chí lựa chọn nhà cung ứng là chất lượng, giá thành và thời gian giao hàng nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện nay theo đánh giá của chính đơn vị này thì nhiều đơn hàng tại Việt Nam lại có tiến độ khá chậm.
“Bên cạnh yếu thế về chất lượng thì hiện Việt Nam có nhiều sản phẩm linh kiện không làm kịp tiến độ theo đơn đặt hàng của Sharp. Ví dụ một khuôn ép làm tại Thái, Trung Quốc chỉ mất 40 ngày thì về Việt Nam lại phải tốn tới 60 ngày”, đại diện Sharp nói về bất lợi của các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu tại Việt Nam.
Hiện tại Sharp Việt Nam đang sử dụng tỷ lệ nội địa 50% và 50% còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan. Dự định đến cuối năm 2024 sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam lên 90% (tính trên giá thành). Nếu việc tăng tỷ lệ nội địa lên 60% sẽ giúp tiết kiệm từ 3-6% chi phí nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp.
Bên cạnh Sharp thì hiện nay còn rất nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước đang có nhu cầu tìm kiếm nhà cung ứng nguyên vật liệu phụ trợ từ Việt Nam như: Samsung, Nidec, Nextern, Fujikura Fiber Optics…
Chính tại hội nghị SFS 2023 đã có tới hơn 300 cuộc kết nối trực tiếp 1-1 giữa hàng chục tập đoàn Mỹ, Nhật, Hàn với đại diện 130 nhà máy sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam để tìm kiếm nhà cung cấp cho hơn 350 chi tiết linh kiện trong nước thuộc các ngành nghề: điện, điện tử, cơ khí chế tạo, Cơ khí chính xác, 3D trên chất liệu carbon, Robot và tự động hóa nhà máy, thiết bị truyền tự động, tự động hóa công nghiệp…
Còn nhiều dư địa
Theo các chuyên gia đầu ngành, việc chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp cộng với nhu cầu tìm kiếm nhà cung ứng ngày càng cao vừa là thách thức cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu trong nước bởi thị phần này còn dư địa rất lớn.
Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương TP.HCM, qua nhiều cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp nước ngoài cho biết rằng dù tình hình có diễn biến khó khăn nhưng các thương hiệu lớn vẫn mong muốn tìm kiếm các doanh nghiệp cung cấp tiềm năng tại Việt Nam để cung ứng dự phòng cho việc tăng trưởng trở lại của bất kỳ lĩnh vực sản xuất nào trong thời gian tới.
“Những sự kiện kết nối như SFS được Sở Công Thương TP.HCM tổ chức hàng năm để các bên có cơ hội gặp nhau tạo niềm tin và cùng học hỏi cách để xây dựng chuỗi cung ứng và làm sao bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị trước để các đoàn quốc tế bất cứ lúc nào cũng có thể tham quan và đánh giá để đặt hàng. Các doanh nghiệp FDI kiến nghị doanh nghiệp trong nước nên kết nối lại nhằm liên kết các công đoạn sản xuất với nhau”, bà Oanh nói.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), với sự hỗ trợ về cơ chế chính sách, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã ghi nhận những kết quả tích cực khi Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ông Phú nhấn mạnh, mặc dù còn nhiều thách thức nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã cải thiện sản xuất, quy trình đóng gói, giao hàng nhanh chóng gia tăng sức cạnh tranh đáp ứng tiêu chí của bên mua hàng.