Trong hành trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ, không thể phủ nhận sự giáo dục từ phụ huynh tác động rất lớn đến việc hình thành tính cách của con. Tuy nhiên, dạy con thế nào mới đúng là bài toán “đau đầu” của nhiều gia đình.
GS Roy Baumeister (Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý) và cựu nhà báo John Tierney (tờ New York Times) đã có chung kết luận: Khi nuôi dạy con cái, cha mẹ tránh được những phương pháp giáo dục sai cách còn quan trọng hơn việc cố dạy đứa trẻ trở thành một thiên tài.
Cũng theo các vị chuyên gia tâm lý này, cho dù phụ huynh bỏ ra bao nhiêu tiền bạc và công sức cũng không quan trọng bằng việc tránh được 8 “cạm bẫy” giáo dục này.
1. Bao bọc quá mức tước đi cơ hội trưởng thành của trẻ
Một bà mẹ dắt cậu con trai 3 tuổi xuống sân chung cư chơi. Cậu bé nhìn thấy ốc sên trong đất sau cơn mưa, đang định nhặt lên thì bị mẹ mắng: “Không được chạm vào! Thứ đó bẩn lắm”. Sau đó, người mẹ liền kéo cậu con nhóc về thẳng nhà.
Hành động của người mẹ là không sai, nhưng sự quan tâm thái quá lại vô tình khiến con mất đi cơ hội khám phá thế giới.
Nghiên cứu tâm lý cho thấy: 3 tuổi là giai đoạn một đứa trẻ bắt đầu có tính tò mò, muốn khám phá thế giới xung quanh. Những cơ hội được học hỏi và vui chơi bên ngoài sẽ giúp trẻ rèn luyện năng lực tự tin, trưởng thành và sự nhạy bén trước nguy hiểm. Những yếu tố này đều rất quan trọng trong quá trình trưởng thành sau này của con, do đó cha mẹ không nên cấm cản con tự mình phát triển bản thân.
2. Cho trẻ tiếp xúc sớm với điện thoại ảnh hưởng xấu đến cả thể chất và tinh thần
Nhiều bậc cha mẹ thường cho con chơi điện thoại để đỡ phải trông, có nhiều thời gian làm việc khác. Điều này về lâu dài có thể gây hại cho con. Trước đó ở Trung Quốc, một cậu bé 5 tuổi đã bị mắt lé sau thời gian dài vùi đầu vào thiết bị điện tử.
Trên thực tế, cha mẹ cần hiểu rằng, trẻ ở độ tuổi 3-6 chưa có khả năng tự kiểm soát. Do đó, một khi đã tiếp xúc với điện thoại di động, con dễ bị nghiện, nặng hơn là ảnh hưởng đến thị lực và giảm khả năng tập trung. Không dừng lại ở đó, một tác hại khác là trẻ có xu hướng tự thu mình trong thế giới điện thoại, dẫn đến hình thành tính cách khép kín, không muốn giao tiếp với cha mẹ.
Lời khuyên dành cho cha mẹ là nên đồng hành và kiểm soát con khi cần thiết. Ví dụ phụ huynh có thể kết hợp vừa đọc sách, vừa cho con chơi điện thoại hoặc rủ con làm đồ thủ công… để hạn chế thời gian tiếp xúc với thiết bị điện tử.
3. Dạy con không theo quy tắc, trẻ khó uốn nắn về sau
Một đứa trẻ không được dạy theo quy tắc giống như cây non không được uốn nắn và cắt tỉa, rất dễ mọc sai và phát triển lệch. Theo GS Lý Mai Cẩn (Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc), nếu phụ huynh không đặt ra những quy tắc đúng cho con trước 6 tuổi, trẻ sẽ dễ mất kiểm soát sau này.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng phụ huynh nên uốn nắn con cái bằng các quy tắc càng sớm càng tốt. Ví dụ bạn hãy dạy con những nguyên tắc an toàn như không được chạm vào ổ điện, không chơi dưới lòng đường, không mở cửa cho người lạ… Ngoài ra, cha mẹ cũng dạy con một số kỹ năng trong giao tiếp như cách nói chuyện khôn khéo và lễ phép với người lớn tuổi, yêu cầu con không tùy tiện dùng đồ của người khác…
4. Tước đoạt niềm hạnh phúc tuổi thơ của con bằng áp lực học hành
Từng có bộ phim tài liệu của Trung Quốc ghi lại những dòng tâm sự của cô nhóc 7 tuổi gây xôn xao mạng xã hội một thời gian dài. Theo đó, dù còn nhỏ tuổi nhưng cô bé đã phải học phụ đạo rất nhiều môn như thanh nhạc, khiêu vũ, luyện tiếng Tây Ban Nha… Dù vất vả đến đâu, bé gái cũng vẫn cố gắng học hành vì bị ám ảnh bởi một câu nói của mẹ: “Con phải học thêm càng nhiều càng tốt, nhất định không để thua ở vạch xuất phát”.
Không chỉ riêng cô nhóc này mà ngày nay, nhiều trẻ em đang dần mất đi tuổi thơ do bị cha mẹ ép học ngày học đêm, tuổi thơ ngập tràn trong đống bài tập và buổi kiểm tra phụ đạo. Điều này có tốt cho sự phát triển về thể chất và tinh thần của các em không? Câu trả lời chắc chắn là không.
Theo trang tin Sohu, ngày nay trẻ nhỏ có xu hướng bị trầm cảm rất sớm vì chịu áp lực phải “chạy đua” để thành công ngay. Điều này vô tình tước đi quyền được hồn nhiên, sống đúng lứa tuổi của cô nhóc, cậu nhóc.
“Để giành chiến thắng ở vạch xuất phát, trẻ nhỏ giờ đây phải chịu áp lực rất lớn. Nhưng nếu gánh áp lực quá lực, hậu quả cho tương lai của đứa trẻ sau này sẽ rất khó lường”, một bác sĩ tâm lý từng nhận định trên Sohu.
Kể ra những trường hợp này mới thấy, cha mẹ cần thẳng thắn nhìn nhận: Áp lực học hành có thể gây tổn thương con cái như thế nào. Phụ huynh cũng đừng quên rằng: Chỉ khi các con có tuổi thơ hạnh phúc, được sống trong môi trường thoải mái thì chúng mới có thể hình thành tích cách tốt, có tâm lý ổn định đối diện với bất kỳ khó khăn trong tương lai.
5. Không biết dạy con tránh xa tình bạn độc hại
Trong bộ phim The World of Us (Thế Giới Của Chúng Ta) công chiếu vào năm 2016 của Hàn Quốc, nhân vật chính là Seon Yi – một cô nhóc có biểu hiện bị trầm cảm khi mới là học sinh Tiểu học. Cha của Seon Yi được miêu tả là một người không hiểu tâm lý con cái. Ông thường xuyên thắc mắc Seon Yi cũng chỉ đi học, rồi đọc sách, vui chơi với bạn bè như bao đứa trẻ khác, cớ sao cô nhóc lúc nào trông cũng ủ rũ, buồn chán đến thế?
Thế nhưng, ông không biết rằng, con gái ông ngày ngày bị bắt nạt bởi bạn bè cùng lớp. Cô nhóc thường xuyên bị bạn đánh, trêu chọc không thương tiếc, thậm chí còn từng bị thương ở mặt.
Từ câu chuyện của Seon Yi, có thể thấy khi những đứa trẻ lên 7-8 tuổi, mối quan hệ bạn bè có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển tâm lý của con sau này. Bấy giờ, trẻ cần được dạy cách hòa đồng để kết thân bạn bè, trở nên vui vẻ và biết rõ giá trị bản thân. Song hành với đó, con cũng cần được dạy cách tránh xa các mối quan hệ độc hại, biết bảo vệ bản thân khi chưa đủ nhận thức ai tốt – ai xấu.
6. Đánh đập con sẽ phá hủy tâm hồn đứa trẻ
Xuất hiện trên Super Parenting Teacher (một chương trình truyền hình thực tế ghi lại cách cha mẹ Trung Quốc dạy con) một cậu bé 12 tuổi tên Long Wei đã rơi vào căng thẳng khi thường xuyên bị cha mẹ “tác động vật lý”.
Không chỉ bị phụ huynh ép học bài mỗi ngày, mỗi lần Long Wei làm bài chậm hay bị điểm kém, cậu nhóc đều nhận về những trận đòn roi, lời quát mắng thậm tệ từ bậc sinh thành. Dưới sự kiềm cặp sát sao của mẹ, thành tích của Long Wei chẳng những không được cải thiện mà còn gặp nhiều vấn đề tâm lý. Long Wei từng thú nhận, đầu óc cậu nhóc sẽ trở nên trống rỗng, đổ mồ hôi tay mỗi khi làm bài tập mà có mẹ ngồi cạnh bên.
Từ trường hợp của Long Wei có thể thấy, nhiều đứa trẻ đánh mất niềm vui trong cuộc sống, không có động lực học tập vì phương pháp giáo dục sai cách của cha mẹ. Nếu không được uốn nắng kịp thời, con sẽ dễ hình thành tâm lý nội loạn, suy nghĩ tiêu cực khi trưởng thành.
Cũng vì thế, trong quá trình trưởng thành của con, cha mẹ rất cần dành sự kiên nhẫn và tình yêu thương cho đứa trẻ. Quan trọng hơn cả, đừng dùng bạo lực để nói chuyện với con, nếu bạn không muốn tâm hồn chúng bị tổn thương mãi mãi.
7. Không dạy con tránh xa văn hóa độc hại trên Internet
Sự phát triển của Internet đem lại cả mặt tích cực lẫn tiêu cực cho người dùng. Thực tế, Internet có thể biến thành “con dao hai lưỡi” khi ngày nay, thông tin độc hại ngày càng lan truyền dễ dàng trên không gian mạng. Hiện nay đã có rất nhiều trường hợp đứa trẻ bị biến đổi tính cách thành người xấu vì không được cha mẹ định hướng tiếp cận đúng với mạng xã hội.
Do đó, ngay từ khi con còn nhỏ, bạn nên dạy trẻ phân biệt đâu là tin tốt – tin rác. Từ đó, trẻ có thể tránh xa các nội dung độc hại, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển sau này.
8. Đối đầu gay gắt với con cái chỉ làm tổn thưởng cả hai
Mới đây, mạng xã hội Trung Quốc xôn xao trước trường hợp một bé gái 13 tuổi (tỉnh Quảng Châu) lén uống thuốc trừ sâu, phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch chỉ sau một lần bị cha mắng. Được biết, trước đó cô bé đã trốn học nên bị giáo viên nhắc nhở về gia đình. Sau khi nhận được tin, người cha không kiềm chế được cảm xúc, lập tức lao về nhà tát con. Tuy nhiên, ông không ngờ rằng, chính hành động này của mình đã đẩy con vào bi kịch.
Trên thực tế, trẻ ở độ tuổi vị thành niên sẽ trải qua những thay đổi lớn trong cả nhận thức lẫn tính cách. Việc cha mẹ phản ứng tiêu cực với con cái chỉ khiến chúng càng chống cự quyết liệt, thậm chí có suy nghĩ tiêu cực, gây nguy hiểm tính mạng.
Thay vào đó, cha mẹ nên đồng hành và học cách kết bạn, chấp nhận những cảm xúc nhạy cảm của con trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, phụ huynh nên thay đổi tư duy từ “người quản lý” sang “người hướng dẫn” con, nhờ đó mà đưa ra được lời khuyên thay vì áp đặt con cái bằng quyết định của mình.
Nguồn: Sohu