Tập truyện tranh “Tàn lửa” của tác giả Việt khắc họa cuộc chiến giành quyền thừa kế, những tai nạn bí ẩn xảy ra tại hòn đảo hư cấu.
Tàn lửa vốn là đồ án truyện tranh 40 trang, được tác giả Lilywiu, tên thật là Lê Lợi Thư Đình, phát triển thành series dài kỳ, dự kiến gồm bảy tập. Tập một ra mắt tháng 3/2024, tái bản sau hai tháng, tập hai được giới thiệu hôm 5/1.
Bộ truyện lấy bối cảnh Việt Nam năm 1930, theo tác giả Lilywiu: “Đây là giai đoạn chuyển giao văn hóa giữa truyền thống và tân thời, không chỉ có những thay đổi về trang phục, kiến trúc mà còn về tư tưởng, tư duy con người, nên có nhiều điều để viết”.
Tác phẩm kể về tình cảm gia đình, niềm tin và hư vinh, xoay quanh bốn người con nhà họ Chu tại hòn đảo hư cấu Ngọc Nãi và cuộc chiến giành quyền thừa kế điện thờ, khiến họ trở thành quân cờ cho tham vọng của người lớn.
Cậu con trai cả Minh Châu bị trục xuất khỏi đảo vì biến cố ngày xưa. Linh Thoại – con trai thứ – có tính cách thẳng thắn, đào hoa, phóng khoáng. Chị ba Minh Hồng am hiểu việc nuôi, huấn luyện nhện. Thiên Mai là con gái út, yêu thích điện ảnh và vừa trở về từ Pháp, may mắn tránh được vụ nổ thuyền đã cướp mất người cậu cô yêu quý.
Ở tập một, Thiên Mai về đảo và liên tục phải đối diện nỗi đau mất người thân, mối thâm thù gia tộc. Từ đây, từng lát cắt của câu chuyện được lật mở: bi kịch về tình cảm gia đình, sự thù hận giữa các gia tộc lớn trên đảo, lòng tham, những mối quan hệ mờ ám trong quá khứ.
Trong tập tiếp theo, cậu cả Minh Châu, người thừa tự nhà họ Chu trở về sau nhiều năm bị trục xuất, kéo theo hàng loạt hiện tượng bất thường trong gia đình: chim lợn kêu váng, nước giếng nhuộm máu, bức tượng Thần Bà đổ lệ, đám tang giáo chủ. Tập hai có kết thúc dang dở, gợi sự tò mò với độc giả.
Tập truyện kể đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Minh Châu vốn được nuôi dạy để trở thành gia chủ kế tiếp, anh chịu sự kiểm soát của cha mẹ, gánh trên vai trọng trách lớn. Tuy nhiên, với niềm yêu thích hội họa, cậu cả quyết tâm rời đảo đến Sài Gòn. Tại đây anh gặp gỡ và đem lòng yêu ca sĩ Hương Lan, tình yêu với nàng khiến anh trưởng thành hơn: “Ôi phút giây kinh diễm nhất, trần tục nhất. Oi bức hơn cả cái nóng chợ đêm là tình yêu lần đầu bừng cháy trong lồng ngực”.
Tác giả cho biết: “Tình yêu của nhân vật Minh Châu trong tập hai là sự choáng ngợp đầu đời khi vừa thoát khỏi hòn đảo mà anh coi như nhà tù giam giữ mình. Anh đã gặp được đúng người, đúng thời điểm, đúng gu. Tôi đặt bản thân vào cậu thiếu niên để kể câu chuyện”.
Lilywiu gửi gắm thông điệp về niềm tin, khát vọng tự do, đấu tranh vì lý tưởng sống. Minh Châu ước mơ làm họa sĩ và quyết tâm theo đuổi đam mê, anh nghĩ: “Ta không muốn làm pho tượng đẹp để các người trưng bày. Anh không muốn bị người ta định đoạt”.
Tàn lửa sử dụng cách kể gãy gọn, nét vẽ chi tiết, tỉ mỉ. Tác giả Lilywiu đưa vào tác phẩm những yếu tố mang bản sắc dân tộc như kiến trúc nhà cổ, trang phục, câu thoại thuần Việt. Cô nói: “Việt Nam có bề dày văn hóa, lịch sử. Tôi mong có thể truyền cảm hứng để các bạn trẻ quan tâm đến những giá trị truyền thống”. Tác giả trẻ cho rằng khi đưa những yếu tố này vào sáng tác, cần chọn lọc chi tiết cho phù hợp. “Nếu cứ lan man, truyện sẽ như show diễn chứ không phải dùng văn hóa để tạo nên câu chuyện. Phải xác định được thẩm mỹ văn hóa mình muốn lồng ghép”, cô cho biết.
Tác phẩm được bạn đọc Việt đón nhận nhờ lan tỏa giá trị truyền thống. Độc giả Thúy Hằng, 24 tuổi, Hà Nội cho biết: “Cách xây dựng nhân vật trong truyện có chiều sâu, nhân vật đều có tính cách, sự phát triển riêng, có liên kết văn hóa và chất liệu dân gian”.
Họa sĩ truyện tranh Đỗ Quang Dũng, bút danh Mèo Mốc, dành lời khen cho tác phẩm: “Lilywiu tiết chế trong sáng tác, những chi tiết được đưa vào truyện khá duyên dáng, vừa đủ. Tôi bất ngờ về sự tỉ mỉ trong việc xây dựng tuyến nhân vật. Các nhân vật trong Tàn lửa đều có cuộc sống với những bí mật. Cô đã khéo léo tạo nên sự tương tác tự nhiên giữa họ, khiến người đọc bị cuốn theo câu chuyện”.
Những năm gần đây, sáng tác truyện tranh thuần Việt trở thành xu hướng, có sự góp mặt của nhiều cây bút trẻ và được độc giả đón nhận. Trước Tàn lửa, đã có những tác phẩm mang hình ảnh, văn hóa, ngôn ngữ đời sống người Việt xưa: Long Thần Tướng (2014) kể về chiến thắng của nhà Trần trước quân Nguyên Mông với các nhân vật hư cấu, Đất rồng (2011) làm mới truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh, Cánh hoa trôi giữa hoàng triều (2019) của họa sĩ Tuyết Tuyết khai thác câu chuyện về cuộc đời nữ hoàng duy nhất ở Việt Nam Lý Chiêu Hoàng, Mùa hè bất tận (2021) tái hiện không gian trường lớp và gia đình gần gũi với cây phượng, áo dài trắng.
Lilywiu 26 tuổi, theo học ngành Minh họa trường Đại học Khoa học ứng dụng Hamburg, Đức. Truyện ngắn Innocent Rabbit của nữ tác giả từng đoạt giải Standard Award tại Vietnam Manga Festival năm 2024.
Châu Anh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tan-lua-truyen-tranh-viet-khai-thac-bi-kich-gia-dinh-4836406.html