Theo số liệu được báo cáo đưa ra, tổng lượng tiêu thụ vàng tại Việt Nam trong thời gian từ đầu tháng 4 đến hết tháng 6/2023 giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 12,7 tấn từ mức 14 tấn của quý 2/2022.
Trong đó, nhu cầu vàng miếng giảm 5%, còn 9,1 tấn từ mức 9,6 tấn của quý 2/2022. Hu cầu vàng trang sức giảm 18%, còn 3,7 tấn từ mức 4,5 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Nhận định về thị trường vàng Việt Nam trong quý 2, ông Shaokai Fan – Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc phụ trách mảng ngân hàng trung ương toàn cầu của WGC, nói: “Cũng giống như các thị trường khác trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam đã giảm trong quý 2 vừa rồi. Tình trạng suy giảm kinh tế Việt Nam trong hai quý liên tiếp đã tác động đến tâm lý thị trường và nhu cầu tiêu thụ trang sức. Nhu cầu mua vàng miếng cũng bị hạn chế do tính thanh khoản thấp, cộng thêm chịu tác động từ sự suy thoái của thị trường chứng khoán và bất động sản”.
Trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu vàng tiếp tục được nâng đỡ bởi lực mua của các ngân hàng trung ương, bên cạnh nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư tài chính và sự ổn định của nhu cầu trang sức.
Theo WGC, nhu cầu vàng không bao gồm thị trường OTC đã giảm 2% so với cùng kỳ 2022, còn 921 tấn trong quý 2. Tuy nhiên tổng nhu cầu bao gồm thị trường OTC tăng 7% so với cùng kỳ, cho thấy thị trường vàng vẫn ổn định trên toàn cầu.
Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương trong quý 2 giảm còn 103 tấn, chủ yếu do hoạt động bán ròng tại Thổ Nhĩ Kỳ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương đã mua ròng khối lượng vàng kỷ lục là 387 tấn trong nửa đầu năm, và nhu cầu vàng hàng quý của nhóm này vẫn có chiều hướng tích cực trong dài hạn. Đây được xem là một chỉ báo cho thấy hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương vẫn sẽ duy trì mạnh mẽ trong thời gian còn lại của năm nay.
Ở mảng đầu tư vàng, nhu cầu vàng thỏi và xu vàng tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 277 tấn trong quý 2/2023. Con số này nâng tổng mức đầu tư vàng trên toàn cầu lên đến 582 tấn trong nửa đầu năm 2023, nhờ vào sự tăng trưởng ở các thị trường trọng điểm bao gồm Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, việc rút vốn ra khỏi các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng ghi nhận con số 21 tấn vàng trong quý 2, ít hơn đáng kể so với mức 47 tấn vàng bị rút trong cùng quý năm 2022. Tính trong 6 tháng đầu năm, giới đầu tư đã rút 50 tấn vàng khỏi các quỹ ETF vàng trên toàn cầu.
Tình hình tiêu thụ trang sức vẫn ổn định ngay cả khi giá vàng tăng cao, mang lại mức tăng 3% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái và nâng tổng mức tiêu thụ vàng trang sức đạt 951 tấn trong nửa đầu năm 2023. Nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc phục hồi và hoạt động mua hàng mạnh mẽ của người tiêu dùng ở Thổ Nhĩ Kỳ là những nhân tố chủ chốt phía sau sự tăng trưởng này.
Cũng theo WGC, tổng nguồn cung vàng toàn cầu trong quý 2 tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 1.255 tấn. Sản lượng khai thác vàng toàn cầu trong nửa đầu năm ước tính đạt mức kỷ lục 1.781 tấn.
Bà Louise Street, nhà phân tích cấp cao của WGC, nhận định: “Nhu cầu vàng đạt mức kỷ lục của ngân hàng trung ương đã là nhân tố chi phối thị trường vàng trong năm vừa qua. Mặc dù tốc độ mua ròng đã chậm lại trong quý 2, xu hướng mua vàng của các ngân hàng trung ương đã thể hiện tầm quan trọng của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và điều kiện kinh tế đầy thách thức đang diễn ra trên toàn thế giới”.
Đánh giá tình hình nửa cuối năm 2023, bà Street cho rằng suy thoái kinh tế nếu xảy ra có thể mang đến cơ hội tăng giá cho vàng, từ đó củng cố thêm vị thế của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn. “Trong tình huống này, nhu cầu từ các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ giá vàng, giúp bù đắp cho sự sụt giảm trong nhu cầu mua sắm trang sức và thiết bị công nghệ của người tiêu dùng”, nhà phân tích nói.