Trong cuộc điện thoại gần nhất, má tôi kể chuyện ở quê, ông Tư hàng xóm vừa mất, đơn độc, không có người thân bên cạnh.
Ông bà Tư là một trong những cặp vợ chồng làm rẫy giỏi nhất xóm. Từ hai bàn tay trắng, ông bà dựng được nhà, nuôi hai người con khôn lớn. Rồi các con lấy chồng, sinh con, sống cách ông bà “cả chục giờ chạy xe”.
Trái với thời trẻ “giỏi nhất xóm”, ông bà Tư tuổi già có nhiều bệnh nền, sức khỏe kém nên việc tự chăm sóc bản thân gặp nhiều khó khăn. Ông bà có chút tiền để dành, con cháu thỉnh thoảng biếu thêm nhưng cả hai “không dám ăn mà để dành mua thuốc”. Hôm ông mất, bà đang nằm viện điều trị tiểu đường biến chứng.
Ông bà Tư là điển hình cho những người già “bốn không” đang ngày càng nhiều ở Việt Nam: không lương hưu (do không tham gia hoặc chủ động rời bỏ bảo hiểm xã hội), không trợ cấp xã hội (vì chưa đủ 80 tuổi hoặc các điều kiện theo quy định), không có người chăm sóc và không có sức khỏe.
Để dễ hình dung, ta có các con số:
Vào năm 2022, trong báo cáo 10 năm thực hiện chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 15, Việt Nam có khoảng 9,6 triệu người không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào.
Theo một số báo cáo của các cơ quan nghiên cứu dân số, gia đình vào năm 2021, Việt Nam có hơn 4,3 triệu người cao tuổi sống một mình hoặc ở cùng người dưới 15 tuổi cần được hỗ trợ chăm sóc.
Nếu giai đoạn 1992-1993, tỷ lệ người cao tuổi sống cùng con là gần 80% thì đến năm 2017 chỉ còn trên 28%. Trong nhóm sống cùng con cháu trong các gia đình mở rộng, cứ 2,2 người cao tuổi, có một người không hạnh phúc.
Mặc dù tuổi thọ của người Việt có tăng, chất lượng sống người già còn thấp do bệnh tật. Với tuổi thọ bình quân trên 73, nam giới có 8 năm sống với bệnh tật và nữ giới là 11 năm. Trung bình, cứ một người cao tuổi Việt Nam mắc 3-5 bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính phải điều trị kéo dài, thậm chí suốt đời.
Đây là thực trạng người cao tuổi khi Việt Nam đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và dự báo thời kỳ này sẽ kết thúc vào năm 2039. Đến 2050, Việt Nam sẽ trở thành “nước siêu già” với tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 18%, tức cứ sáu người thì có một người trên 65 tuổi.
Việt Nam còn 14 năm trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và 25 năm để đến với thời điểm “siêu già”. Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ có một xã hội già hóa thế nào?
Sự thay đổi quan trọng cần nói đến đầu tiên là Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực vào 1/7/2025. Những người bắt đầu tham gia bảo hiểm từ thời điểm này sẽ không được phép rút một lần mà ở lại hệ thống để hưởng lương hưu. Nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được mở rộng.
Cùng với đó, số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu cũng giảm xuống còn 15 năm. Tuổi hưởng trợ cấp xã hội giảm xuống 75… Người hết tuổi lao động nhưng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng thay vì rút một lần.
Những quy định này kỳ vọng sẽ giảm bớt người già “không lương hưu”, “không trợ cấp”.
Vậy “không sức khỏe” và “không người thân” sẽ ra sao khi tỷ suất sinh của Việt Nam liên tục giảm. Hiện, con số này là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử trong khi mức sinh thay thế lý tưởng phải là 2,1.
Tôi có người bạn tên Hương, tuổi ngoài 35, cả vợ lẫn chồng đều là những người giữ vị trí cao ở nơi làm việc, lương cao so với thu nhập trung bình. Hồi đầu năm, Hương quyết định bán hết đất đai, cầm cố tài sản tích góp để mở viện dưỡng lão. Trước sự ái ngại của chúng tôi, Hương trả lời: “Tôi chuẩn bị cho chính tôi sau này”.
Hương có người ông ngoài 80 tuổi ở cùng gia đình. Ông thường xuyên ốm phải đi viện, nhưng lần nào được ra, ông cũng đòi ở lại. Một lần vào thăm, Hương thấy ông nói cười vui vẻ với các cụ cùng phòng, kể về ngày xưa đi chiến đấu ở các mặt trận. Sáng sớm, các cụ rủ nhau đi ăn sáng…
Hương nhận ra ông muốn ở viện để “điều trị chứng cô đơn”. Nhiều năm qua, cuộc trò chuyện giữa các thành viên trong gia đình Hương với ông chỉ là “ông ăn cơm chưa” mỗi khi gặp ông ngồi ở phòng khách.
“Con cháu không bất hiếu nhưng chúng nó sẽ không thể kề cận bên mình, giống như cách tôi đối với ông”, Hương nói. Do đó, một nơi với sự chăm sóc chu đáo về sức khỏe, tinh thần, những cuộc chuyện trò là điều cần thiết cho tuổi già. Một xã hội già hóa sẽ có nhiều hình thái chăm sóc người nhà và viện dưỡng lão là một mô hình quan trọng cần được tính đến.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, khó khăn lớn nhất không hẳn là tiền mà chính là thủ tục, mô hình, sự nhìn nhận của xã hội, nguồn nhân lực, đào tạo điều dưỡng chăm sóc sức khỏe người già…
“Chúng ta đang rất bị động và dường như chưa có sự chuẩn bị gì”, Hương nói.
Với cá nhân tôi, khi tìm hiểu về xã hội già hóa, trong các kinh nghiệm để ứng phó, tôi đặc biệt chú ý đến Chương trình 8020 (Eighty-Twenty) của Nhật Bản được khởi xướng từ 35 năm trước bởi Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cùng Hiệp hội Nha khoa Nhật Bản. Mục tiêu của chương trình là người dân đến 80 tuổi vẫn còn giữ được ít nhất 20 chiếc răng tự nhiên.
Chương trình này xuất phát từ thực tế là trước năm 1989, người cao tuổi Nhật gần như mất hết răng tự nhiên, gây khó khăn trong ăn uống, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, dinh dưỡng, sức khỏe tổng thể.
Chương trình sau đó được luật hóa và cùng hàng loạt chính sách hỗ trợ của nhà nước đã thay đổi thói quen chăm sóc răng cũng như sức khỏe bản thân của người Nhật. Kết quả, năm 1990, chỉ khoảng 7% người trên 80 tuổi đạt mục tiêu này thì đến năm 2020, con số này đã tăng lên khoảng 51%. Điều này góp phần đáng kể vào nâng cao sức khỏe người già Nhật Bản, giảm bớt chi phí y tế, người già tự chăm sóc bản thân và có sức để tiếp tục tham gia vào thị trường lao động với các công việc phù hợp…
Việt Nam luôn được nhắc đến với cụm từ “già trước khi giàu”, tức chúng ta sẽ bước vào thời kỳ già hóa nhưng chưa tích lũy đủ nhiều để có nguồn lực chăm sóc cho người già. Cùng với đó, nguồn lao động giảm mạnh, đất nước không có nhiều người làm việc để tạo ra của cải nuôi cả xã hội.
Trong mọi vấn đề, nếu có sự chuẩn bị tốt từ xa, từ sớm kết quả đạt được sẽ luôn tốt hơn là đợi “nước đến chân mới nhảy”. Với một đất nước người già “bốn không” chiếm số lượng lớn như Việt Nam, Nhà nước không chỉ cần thay đổi về chính sách mà cần có chiến lực để tạo ra sự thay đổi ý thức của người dân để cùng phó với một xã hội già hóa đang ở rất gần.
Lê Tuyết
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguoi-gia-bon-khong-4828463.html