Tôi có 12 cô chú, 6 cậu dì, 5 anh em, và 2 người con. Những con số này phần nào phản ánh những thay đổi trong xã hội suốt một thế kỷ qua về vấn đề sinh đẻ.
Hơn 16 năm trước, khi đứa con thứ hai của tôi ra đời, mẹ cháu được ông chủ tại Anh Quốc trả 90% mức lương trong sáu tuần đầu và hưởng lương cơ bản trong 33 tuần tiếp theo khi nghỉ sinh. Con tôi lên ba tuổi, cháu được đi nhà trẻ miễn phí 15 giờ mỗi tuần. 4,5 tuổi, cháu bắt đầu học lớp vỡ lòng cả ngày.
Hiện nay ở Anh người chồng cũng được phép nghỉ sản (parental leave) không lương lên đến 18 tuần (nếu muốn) để chăm sóc vợ con.
Ngoài lý do kinh tế, các chính sách này được Chính phủ Anh thiết kế nhằm tạo điều kiện để cha mẹ quay lại công việc sớm nhất sau thời gian nghỉ sinh. Nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng các biện pháp hỗ trợ kinh tế khác nhau. Trước đây, Bỉ từng có chính sách cấp nhà cho các gia đình sinh con, hiện nay đã ngừng áp dụng đã lâu. Hàn Quốc và Nhật Bản giảm giờ làm để khuyến khích người dân hẹn hò và lập gia đình.
Tuy có nhiều chính sách khuyến khích về kinh tế, tỷ lệ sinh ở nhiều quốc gia vẫn giảm đều theo thời gian. Hiện nay, tỷ lệ sinh trên 1.000 dân của Hàn Quốc chỉ là 6,7, Nhật Bản là 6, và Anh là 11,2. Theo xu thế chung, tại Việt Nam tỷ lệ sinh giảm nhanh trong vòng 10 năm qua, từ 17,2 năm 2014 xuống 14,9/1.000 người dân năm 2024.
Bài học rút ra là các chính sách khuyến khích chú trọng về kinh tế hiện nay là chưa đủ. Để thành công, cần một cách tiếp cận mới.
Hiện nay, tỷ lệ sinh thấp không chỉ do khó khăn về kinh tế mà còn do thay đổi quan niệm. Nhiều thanh niên nam nữ mong muốn nâng cao trình độ học vấn, thành công trong công việc, độc lập tài chính hoặc tự do cá nhân. Một số khác ưu tiên quản lý thời gian hiệu quả, sức khỏe tinh thần, cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Có người chú trọng sống ảo, xây dựng hình ảnh cá nhân, chưa vội buộc mình vào các trách nhiệm. Chính vì vậy, việc lập gia đình muộn hoặc bớt sinh con đã trở thành bình thường mới.
Ngày xưa, quan niệm “trời sinh voi, sinh cỏ” hay “làm cha mẹ là thiên chức cao quý nhất” rất phổ biến. Những lời chúc “con cháu đầy nhà” hay “con đàn cháu đống” từng là mong muốn của nhiều thế hệ trước. Việc làm người phải hoàn thành sứ mệnh có con nối dõi, thừa tự.
Những quan niệm trên không còn phù hợp, nhưng chúng lý giải tại sao tỷ lệ sinh trong quá khứ cao, mặc dù điều kiện kinh tế không thuận lợi. Tôi nhắc lại quá khứ để nhấn mạnh một quy luật: hành động của con người luôn bị chi phối bởi “thông tin đầu vào”. Để tăng tỷ lệ sinh, ngoài các chính sách khuyến khích và hỗ trợ kinh tế, một trong những việc quan trọng nhất là thay đổi “thông tin đầu vào”.
Hệ thống giáo dục, truyền thông, phim ảnh, nghệ thuật cần khơi gợi niềm tự hào của việc làm cha mẹ. Lập gia đình không phải là sự hy sinh sự nghiệp hay đánh đổi, làm cha mẹ không phải gánh nặng mà là một niềm vui, làm cho ý nghĩa cuộc sống thêm đủ đầy. Đồng thời, truyền thông chính sách cần bớt nhấn mạnh vào yếu tố tài chính mà chú trọng hơn các giá trị gia đình. Sự thành công có thể đến từ xã hội, nhưng cũng có thể xuất phát từ gia đình, thể hiện qua việc xây dựng hạnh phúc và nuôi dạy con cái nên người.
Truyền thông, và cả hệ thống pháp luật, vì vậy cần chú trọng đề cao vai trò của người nội trợ, xây dựng hình ảnh những người đàn ông/ phụ nữ thấu hiểu, tham gia vào việc nhà, chăm sóc con cái, đặc biệt trong giai đoạn hậu sinh, giúp giảm áp lực tinh thần cho người bạn đời.
Việc sinh con, chăm sóc gia đình cần được xem như một công việc thực thụ, chuyên nghiệp. Và theo nguyên tắc, nếu đã là một công việc thực thụ thì phải có lương. Một số quốc gia như Nhật Bản áp dụng chính sách trả lương, lương hưu, và bảo hiểm y tế cho người vợ/ chồng làm nội trợ. Các quốc gia như Đức, Pháp, Argentina, Brazil, và Thụy Điển cũng có chính sách tương tự về lương hưu và bảo hiểm y tế. Người nội trợ còn được hưởng quyền tiếp cận giáo dục và đào tạo, với các chương trình dạy nghề nếu họ muốn quay lại làm việc.
Quyền lợi của người nội trợ được bảo vệ khi ly hôn. Tại Anh, người không trực tiếp nuôi con phải trả tiền cấp dưỡng nuôi con (child maintenance) hàng tháng theo số con và tỷ lệ với tổng thu nhập cho người trực tiếp nuôi con. Tài sản cũng thường được chia đều bất kể ai có thu nhập chính. Việt Nam cũng có các quy định tương tự.
Quyền lợi cần đi đôi với trách nhiệm. Trong tương lai, việc làm chồng/ vợ, làm cha/ mẹ có thể được đào tạo qua các chương trình quốc gia.
Cuối cùng, “an cư” là một trong những trở ngại lớn nhất ngăn cản các bạn trẻ lập gia đình. Quốc hội cần phân bổ ngân sách đều và hợp lý hơn, không chỉ đầu tư vào cơ sở hạ tầng mà còn vào các chính sách an dân, như xây dựng nhà ở xã hội hoặc cho thuê giá rẻ ưu tiên cho các cặp vợ chồng có từ hai con trở lên. Điều này sẽ thêm động lực sinh con thứ hai.
Rõ ràng, ngoài lý do kinh tế, truyền thông, hệ thống pháp luật và an sinh xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức và hành vi. Đây là chìa khóa để giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp và xây dựng một xã hội bền vững.
Bùi Mẫn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/luoi-sinh-ngai-nuoi-con-4827627.html