Theo thông tin từ Anova Feed, giá heo hơi ngày 3/8 dao động ổn định quanh mức 59.400 đồng/kg. Trong đó, giá cao nhất nước 62.000 đồng/kg ghi nhận duy nhất tại Thái Bình, các tỉnh còn lại chênh lệch 1-4 giá tùy loại heo.
Với mức giá này, giá heo hiện đã hồi phục được 30% so với mức đáy thiết lập hồi cuối tháng 3/2023. Giá heo hồi phục đồng nghĩa doanh nghiệp chăn nuôi bắt đầu có lãi mỏng trở lại.
Trước đó, trong nửa đầu năm, giá heo bất lợi khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp chăn nuôi heo trên sàn vẫn chưa hồi phục đáng kể.
Doanh thu mảng nông nghiệp (bao gồm chăn nuôi) trong quý 2/2023 của Tập đoàn Hoà Phát (HPG) vẫn giảm so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 64 tỷ – giảm hơn 41%. Dù vậy, con số này đã cải thiện đáng kể so với quý đầu năm.
Mặc dù doanh thu giảm nhưng điểm tích cực là Hòa Phát đã có lại trở lại 54 tỷ đồng, sau 2 quý thua lỗ trước đó. Mức lợi nhuận này tương đương giai đoạn 2018-2019 và thấp hơn khá nhiều so với thời kỳ đỉnh cao 2020 và đầu 2021.
Hồi quý 1/2023, mảng nông nghiệp của HPG lỗ lớn nhất kể từ khi bắt đầu hoạt động với 117 tỷ đồng, cũng là quý lỗ thứ 2 liên tiếp. Hiện, bên cạnh chăn nuôi heo, HPG còn đang cung cấp trứng gà sạch vào các siêu thị.
Ở diễn biến khác, doanh thu Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) tăng mạnh song chủ yếu nhờ mảng bất động sản. Cụ thể, doanh thu thuần DBC quý 2 đạt 3.473 tỷ đồng, tăng 17% chủ yếu nhờ ghi nhận doanh thu dự án chung cư cao cấp Packview tại Tp.ắc Ninh. Lũy kế từ đầu năm tới nay, doanh thu từ kinh doanh bất động sản, hoạt động xây dựng của DBC tăng đột biến 6 lần lên 754 tỷ đồng.
Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh chính là chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi ghi nhận sự sụt giảm 12%.
Như vậy, sau 2 quý lỗ lớn, mảng bất động sản lần nữa giúp chỉ số DBC thăng hoa.
CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) trong 6 tháng đầu năm đã ghi nhận doanh thu nông sản giảm 21%, doanh thu chăn nuôi giảm 5% và lần đầu phát sinh doanh thu bán bất động sản đầu tư với gần 24 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tổng doanh thu vẫn giảm 17% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Về hoạt động tài chính, doanh thu tăng đột biến nhờ khoản lãi chuyển nhượng hơn 14 tỷ đồng. Công ty cũng tăng mạnh lãi tiền gửi và cho vay lên hơn 8 tỷ (cùng kỳ chỉ vào khoảng 512 triệu đồng). Dù vậy, chi phí lãi vay tăng đột biến lên gần 68 tỷ do dư nợ vay tăng (trong đó khoảng chuyển đổi từ trái phiếu sang chiếm hơn 450,5 tỷ đồng).
Kết quả, lãi sau thuế Công ty đạt 16 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2023, giảm đến 88% so với nửa đầu năm ngoái.
BAF cho biết trong kỳ Công ty đã cắt giảm hoạt động kinh doanh thương mại nông sản theo lộ trình để tập trung nguồn lực vào hoạt động chăn nuôi chuỗi khép kín. Về mảng heo, giá heo từ đầu năm đến nay duy trì ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước, và đã có dấu hiệu hồi phục từ cuối quý 2/2023. Trong khi, sản lượng heo bán ra của BAF chưa tăng tương ứng với quy mô đàn, các trang trại mới chưa được đưa vào vận hành năm nay.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) đạt 1.450 tỷ đồng doanh thu hợp nhất quý 2/2023 – tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu mảng chăn nuôi heo đạt khoảng 444 tỷ – tăng 71% so với cùng kỳ.
HAGL đã có lãi gộp trở lại ở mảng chăn nuôi heo với 55 tỷ đồng, mảng cây ăn trái đóng góp 135 tỷ đồng. Dù vậy, HAGL vẫn lỗ thuần 163 tỷ đồng.
Công ty của bầu Đức thoát lỗ nhờ ghi nhận lợi nhuận khác (ghi nhận giao dịch mua rẻ một công ty tại Lào) hơn 247 tỷ đồng. HAGL báo lãi ròng 113 tỷ đồng – giảm 59% so với quý 2/2022 (quý này năm ngoái HAGL có ghi nhận hoàn nhập dự phòng với 992 tỷ đồng).
Với Masan MeatLife (MML), quý 2 năm nay doanh thu Công ty cao hơn trên tất cả các phân khúc sản phẩm. Luỹ kế 6 tháng, doanh thu MML tăng hơn 70% lên hơn 5.200 tỷ đồng. Trong đó, mảng heo trang trại đóng góp 500 tỷ doanh thu (tăng hơn 31% so với cùng kỳ), doanh thu thịt thương hiệu tăng lên 860 tỷ và doanh thu thịt chế biến tăng đáng kể lên 1.108 tỷ đồng.
Về thị trường heo, giá heo ổn định sau thông tin từ Chính phủ về việc kiểm soát nguồn heo nhập lậu. Nửa tháng trở lại đây, lượng hàng tiêu thụ có xu hướng tăng khi nhu cầu của người dân tích cực trở lại. Tuy nhiên, giá heo hơi trong nước bất ngờ chững lại, thậm chí có dấu hiệu “xì hơi”. Tìm hiểu, doanh nghiệp nhận thấy nguồn hàng từ các nước đổ về qua đường tiểu ngạch đang làm tăng mạnh nguồn cung.
Tại miền Bắc, nguồn heo hơi tiểu ngạch từ Trung Quốc về có giá khoảng 47.000 – 50.000 đồng/kg và từ Thái Lan về qua cửa khẩu Quảng Bình, Quảng Trị có giá 50.000 – 55.000 đồng/kg, đang tạo nên sự khó kiểm soát. Ở khu vực phía Nam, heo Thái Lan cũng đổ về qua cửa khẩu Long An thay thế cho heo Campuchia với giá khoảng 55.000 đồng/kg, số lượng lên tới cả nghìn con mỗi ngày. Điều này khiến không ít doanh nghiệp, người chăn nuôi như chúng tôi lo ngại. Trong mấy ngày gần đây giá heo hơi bán trên thị trường đã giảm từ 6.000 – 8.000 đồng/kg.
Trong khi, hơn 2 năm qua giá heo hơi giảm sâu đã khiến người dân lỗ nặng, bỏ chuồng, trại. Giá heo hơi vừa tăng trở lại là cơ hội để người chăn nuôi tái đàn, hồi phục kinh tế. Tuy nhiên, chỉ được thời gian ngắn, thị trường đã bị nhiễu loạn bởi heo hơi nhập khẩu khiến người chăn nuôi hết sức lo lắng. Do đó, để duy trì mức giá tốt cho người chăn nuôi, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt hoạt động nhập lậu heo từ biên giới, nhất là từ khu vực biên giới với Trung Quốc, Campuchia.