Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, tinh gọn bộ máy cần thiết lập cơ chế giám sát độc lập, có lộ trình phù hợp, tránh thực hiện một cách ồ ạt và thiếu chuẩn bị.
Cả hệ thống chính trị đang tập trung xây dựng và hoàn thiện phương án tinh gọn bộ máy, hướng tới mục tiêu hoạt động hiệu lực, hiệu quả. VnExpress phỏng vấn TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, về chủ trương này.
– Trong bối cảnh hiện nay với những thách thức và cơ hội mới, ông đánh giá như thế nào về tính cấp thiết của việc tinh gọn bộ máy?
– Việc tinh gọn bộ máy trong thời điểm hiện nay không chỉ là yêu cầu mà còn là nhiệm vụ cấp bách đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Một bộ máy hành chính cồng kềnh làm lãng phí nguồn lực, làm giảm hiệu quả hoạt động, tiêu tốn phần lớn ngân sách nhà nước (70%). Trong bối cảnh nguồn lực quốc gia có hạn, việc tiết kiệm và tối ưu hóa các nguồn lực này là điều cần thiết để đầu tư cho phát triển kinh tế và cải thiện an sinh xã hội.
Hơn nữa, việc tinh gọn bộ máy là bước đi chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu quả sẽ tạo ra môi trường chính sách minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Điều này sẽ kích thích đầu tư, đổi mới sáng tạo và giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.
Đồng thời, nhu cầu tinh gọn bộ máy cũng phản ánh yêu cầu cải cách thể chế mà xã hội đang đặt ra. Người dân ngày càng mong muốn một chính quyền năng động, hiệu quả, có khả năng đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt các nhu cầu và kỳ vọng của họ.
Cuối cùng, quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc tinh gọn bộ máy là rất rõ ràng. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần khẳng định rằng việc này không chỉ nhằm tiết kiệm nguồn lực mà còn để nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý, đáp ứng những thách thức của thời đại mới.
– Việt Nam từng nhiều lần sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị để phù hợp với bối cảnh lịch sử từng giai đoạn. Bài học rút ra cho lần sắp xếp này là gì?
– Giai đoạn sau năm 1975, việc hợp nhất bộ máy chính quyền giữa hai miền Nam – Bắc được thực hiện nhằm xây dựng một chính quyền thống nhất. Tuy nhiên, bộ máy trong giai đoạn này nhanh chóng trở nên cồng kềnh và thiếu hiệu quả, bộc lộ nhiều điểm yếu như quan liêu và kém linh hoạt, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế bao cấp.
Thời kỳ Đổi mới từ 1986 chứng kiến nhiều cải cách hành chính với mục tiêu tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối và biên chế. Các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể được sắp xếp lại để nâng cao hiệu quả hoạt động. Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ, nhưng quá trình cải cách vẫn chưa triệt để, bộ máy vẫn còn cồng kềnh với chức năng nhiệm vụ chưa rõ ràng, dẫn đến lãng phí và giảm hiệu suất.
Từ năm 2015 đến nay, việc tinh gọn đầu mối trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể được ưu tiên, với các sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã và giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập. Nguyên tắc chính là đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp trong thực hiện cải cách. Mặc dù đạt được một số kết quả, nhưng vẫn tồn tại tình trạng thiếu đồng bộ và tâm lý ngại thay đổi.
Để đảm bảo thành công và tính bền vững của lần sắp xếp bộ máy hiện nay, cần rút ra những bài học quý báu từ lịch sử. Thứ nhất, cần tránh “hình thức hóa cải cách”. Các cải cách trước đây thường chỉ giảm đầu mối mà không giải quyết tận gốc vấn đề chức năng chồng chéo và cơ chế vận hành kém hiệu quả. Việc tái cấu trúc chức năng và cải thiện chất lượng hoạt động cần được nhấn mạnh.
Thứ hai, sự minh bạch và đồng thuận là yếu tố then chốt. Việc sắp xếp bộ máy cần dựa trên cơ sở minh bạch và đạt được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và xã hội. Những thay đổi lớn cần được giải thích rõ ràng để cán bộ, công chức và người dân hiểu và ủng hộ.
Thứ ba, ưu tiên con người và chất lượng. Bộ máy chỉ thực sự hiệu quả khi có đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Kinh nghiệm cho thấy, cắt giảm biên chế mà không nâng cao chất lượng nhân sự sẽ dẫn đến trì trệ. Do đó, cải cách cần gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng và sàng lọc cán bộ.
Thứ tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ là điều cần thiết. Chuyển đổi số là bài học lớn từ các quốc gia tiên tiến; Việt Nam cần tận dụng công nghệ để giảm thủ tục hành chính, số hóa dữ liệu và tự động hóa quy trình, từ đó xây dựng bộ máy nhỏ nhưng vận hành hiệu quả.
Cuối cùng, giám sát và đánh giá liên tục là rất quan trọng. Nhiều cải cách trong quá khứ không được giám sát thường xuyên, dẫn đến tình trạng “đâu lại vào đấy”. Lần này, cần thiết lập cơ chế giám sát độc lập và đánh giá định kỳ để đảm bảo các mục tiêu cải cách được thực hiện hiệu quả.
– Để đạt được mục tiêu xây dựng một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo ông, những nguyên tắc nào cần tuân thủ trong quá trình sắp xếp?
– Tôi cho rằng bộ máy phải được tổ chức để thực hiện chức năng quản lý nhà nước một cách hiệu quả, giảm thiểu tình trạng chồng chéo nhiệm vụ giữa các cơ quan. Điều này giúp tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao khả năng phản ứng trước các yêu cầu của xã hội.
Các cơ quan, tổ chức phải hoạt động minh bạch, gắn trách nhiệm cụ thể với từng cá nhân và đơn vị. Minh bạch trong hoạt động giúp tăng cường niềm tin của người dân, đồng thời tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” – tức là không ai chịu trách nhiệm cho những sai sót.
Bộ máy cần hướng tới phục vụ người dân, giảm bớt thủ tục hành chính phức tạp và tăng cường tính phục vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền. Quá trình sắp xếp phải đảm bảo tính ổn định, không làm ảnh hưởng lớn đến sự vận hành của bộ máy chính trị và các dịch vụ công. Sự ổn định là yếu tố then chốt để duy trì tin tưởng và an tâm trong lòng dân.
Ngoài ra, sắp xếp bộ máy cần đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất và toàn diện của Đảng, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị. Điều này đảm bảo rằng mọi quyết định đều phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng.
Tinh gọn không chỉ là giảm số lượng đơn vị hay biên chế mà còn là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy, phù hợp với nguyên tắc phân cấp và phân quyền. Nâng cao năng lực giúp các đơn vị hoạt động hiệu quả hơn trong bối cảnh nguồn lực có hạn.
Ngoài ra, cần tạo môi trường khuyến khích đổi mới, ứng dụng công nghệ số và thực hành các phương thức quản trị hiện đại. Sự đổi mới là cần thiết để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao từ người dân và xã hội.
Cuối cùng, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật mà còn mang ý nghĩa chính trị và chiến lược sâu sắc. Thành công trong nhiệm vụ này sẽ là nền tảng giúp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, tạo ra một hệ thống chính trị vững mạnh, phục vụ tốt nhất cho người dân.
– Sau sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư rất lớn. Ông đề xuất giải pháp gì?
– Tôi cho rằng cần tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, công chức và người dân hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của việc tinh gọn bộ máy, từ đó tạo ra sự đồng thuận trong xã hội. Bên cạnh đó, việc áp dụng phương pháp “quản lý thay đổi” (thực hiện chuyển đổi hiệu quả, giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng thành công) cũng cần thiết nhằm giảm thiểu tâm lý ngại thay đổi và bảo thủ trong nội bộ hệ thống. Điều này có thể được thực hiện thông qua các chương trình đào tạo, tổ chức đối thoại trực tiếp và cung cấp hỗ trợ thực tế cho những người bị ảnh hưởng.
Chúng ta cần tránh thực hiện các biện pháp sắp xếp một cách ồ ạt và thiếu chuẩn bị. Việc này cần phải có lộ trình phù hợp, bảo đảm rằng mỗi giai đoạn đều có thời gian đủ để đánh giá và điều chỉnh kịp thời.
Thiết lập các cơ chế giám sát liên tục cũng là một yếu tố quan trọng để phát hiện và khắc phục các vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng các chính sách có thể được linh hoạt điều chỉnh khi có bất cập xảy ra. Tinh gọn hệ thống chính trị hiện nay không chỉ là một bước đi lớn mà còn chứa đựng nhiều thách thức. Để đảm bảo thành công và tính hiệu quả lâu dài, cần xây dựng các cơ chế và chính sách dựa trên những nguyên tắc khoa học, công bằng và thực tiễn.
Cải cách lần này không chỉ đơn thuần là “giảm đầu mối”, mà còn phải hướng tới việc nâng cao năng lực quản trị quốc gia, đáp ứng kỳ vọng của người dân và yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới. Bằng cách thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, đánh giá năng lực, đào tạo lại cho cán bộ đến việc thiết lập cơ chế hỗ trợ và giám sát, chúng ta có thể thực hiện thành công quá trình tinh gọn bộ máy mà vẫn bảo đảm an sinh xã hội cho những người bị ảnh hưởng, góp phần xây dựng một hệ thống chính trị vững mạnh và hiệu quả.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ts-nguyen-si-dung-can-tranh-sap-xep-bo-may-o-at-4824783.html