“Khi loài vật lên ngôi” không thực sự là một cuốn sách về con sa giông, dù tác giả miêu tả vô cùng tỉ mỉ, cặn kẽ và thấu hiểu về loài vật lưỡng thê này.
Đây thực chất là một cuốn tiểu thuyết khôn ngoan, dí dỏm về bản chất man rợ của con người, và sa giông chỉ là một công cụ để biểu đạt cái ẩn dụ sâu sa ấy.
Thuyền trưởng người Hà Lan, Đại úy Van Toch, trong một cuộc đi săn tìm ngọc trai, đã phát hiện ra những con sa giông khổng lồ, chỉ có thể được tìm thấy trên một hòn đảo gần Sumatra. Những người bản địa gọi chúng là “tapa”, hoặc “quỷ biển”.
Những con sa giông muốn ăn hàu nhưng chúng không thể tách vỏ được. Van Toch muốn ngọc trai nhưng rất khó khăn trong việc lặn sâu để bắt được hàu. Ngoài ra các loài động vật ăn thịt lớn như cá mập luôn là mối đe dọa với sa giông. Và chính từ đó, Van Toch đã nghĩ ra một phi vụ làm ăn, có thể xem là mấu chốt của mọi vấn đề.
Vị thuyền trưởng bắt đầu cung cấp cho những con sa giông dao để chúng có thể tách hàu, và đâm cá mập. Hơn nữa, kế hoạch nhân rộng sa giông sang những vùng khác cũng bắt đầu được lan rộng.
Thuyền trưởng Van Toch tìm thấy một người đầu tư tài chính, và bắt đầu từ đó những con sa giông được rao bán trên thế giới. Sa giông không chỉ thu gom ngọc trai và san hô, chúng con được thuê để làm tất cả những công việc dưới nước như xây đập, thủy điện, đê điều, kéo dài đường bờ biển…
Khi Van Toch chết, công ty mang tên Salamander Syndicate đã được thành lập, và bắt đầu khai thác sa giông giống như một lực lượng lao động giá rẻ. Hàng tỷ con sa giông đã lan rộng đến tất cả các bờ biển và các quốc gia. Cuối cùng, con người và sa giông đã đi đến xung đột, để tranh giành địa bàn, tranh giành sự sống, và quyền lực.
Karel Capek chính xác là một bậc thầy của thể loại hài hước đen. Ông đã biến tất cả mọi thứ âm mưu xấu xa thành một câu chuyện mang lại niềm vui thú vị.
Ông chế giễu cách thủy thủ nguyền rủa sa giông, châm biếm sự thông minh, chợ đen, các doanh nhân, chủ nghĩa tư bản, Ki Tô giáo, nhà sưu tập, rượu, xu hướng và lý thuyết trong giáo dục, khai thác, một nhất thời, thời trang, chú thích, thói tham lam, đạo đức giả, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa Phát xít, những người cố gắng để tiếp tục chương trình nghị sự của của chính họ.
Ông chế giễu ô nhiễm, phân biệt chủng tộc, tôn giáo, thói tự cao tự đại, ngụy biện, chiến tranh, những người giàu có, những câu lạc bộ phụ nữ, và đặc biệt là khoa học, những nghiên cứu, hội nghị, khám phá tranh luận dài dòng về loài sa giông…. đã khiến câu chuyện trở thành một bức tranh châm biến lý thú, vạch trần đầy đủ bộ mặt của xã hội, với một thứ văn chương sâu cay, hài hước, và thông minh.
Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 1936, “khi nó vẫn còn có thể cười vào Adolph Hitler”. Trong cuốn sách có nhiều đoạn thú vị về nước Đức. Ví dụ chi tiết người Đức quyết định rằng con sa giông của họ là cấp trên, nhạt màu, đi bộ nhiều hơn xây dựng, và có những đặc tính vượt trội hơn hẳn sa giông ở nơi khác. Với thái độ khinh bỉ, họ mô tả những con sa giông Địa Trung Hải thoái hóa, còi cọc cả về thể chất và đạo đức, xem chúng là các con sa giông man rợ nhiệt đới, và hoàn toàn là loài sa giông cấp dưới.
Khi loài vật lên ngôi hài hước, châm biếm, bất ngờ, súc tích. Với cách giới thiệu nhân vật mới, phong cách tự sự mở, trong hầu hết các chương, chỉ với một không khí châm biếm.
Câu chuyện sa giông cũng có thể được xem là một câu chuyện ngụ ngôn cho những kinh nghiệm của nhiều dân tộc bị áp bức và những nạn nhân của chủ nghĩa thực dân, luôn bị yếu thế, nhưng cũng luôn có ý thức nỗ lực để được văn minh, để trở thành thành viên của xã hội da trắng châu Âu, chiếm đoạt các nghi lễ văn hóa, và tất nhiên là chế độ nô lệ.
Đây là một cuốn sách, trong đó có đám đông, và cần được đọc bởi đám đông.
Không có nhân vật chính trong Khi loài vật lên ngôi, thay vào đó câu chuyện được trình bày như một bài học lịch sử lâu dài mang tính giải trí. Người kể chuyện trích từ bài báo khoa học, các cuộc phỏng vấn, và những bài báo được sưu tập bởi ông Povondra.
Povondra là một nhân vật khá xuyên suốt, và thú vị trong cuốn sách. Ban đầu ông cảm thấy rất tự hào rằng mình là một người có tác động to lớn quan trọng đến sự phát triển của lịch sử văn minh loài người, nhưng rồi đến cuối đời, lại chết trong nỗi ám ảnh tội lỗi về sự xuất hiện của sa giông tại dòng sông nơi quê hương mình.
Capek tự hỏi mình: “Này anh, anh không thấy hối tiếc cho loài người hay sao?”
Ông tự đáp:” Lạy Chúa, hãy để tôi yên! Tôi biết làm sao bây giờ?”
“Tôi nói cho anh biết: ngay cả lúc này, khi một phần năm châu Âu đã chìm dưới nước, anh có biết ai vẫn ngày đêm làm việc như điên cuồng trong các phòng thí nghiệm để cố sáng chế ra những máy móc và vật liệu phá hủy cho hiệu quả hơn không? Anh có biết ai vẫn cho sa giông vay tiền, ai đang tài trợ cho sự tận diệt thế giới này, cho trận Tân Đại Hồng Thủy hay không?”
Capek hẳn có tiếc, nhưng đó là tiến trình phát triển tự nhiên của loài người. Các ông nhà văn chẳng bao giờ có thể can thiệp vào điều đó. Đây không phải là suy đoán về những gì trong tương lai, mà là tấm gương phản chiếu cái đang tồn tại và chúng ta đang sống chung với nó.
Khi loài vật lên ngôi dành được rất nhiều lời khen ngợi của những tác giả nổi tiếng. Nhà văn Milan Kundera từng nói “Khi loài vật lên ngôi sẽ không bao giờ rơi vào quên lãng… Čapek có lẽ là nhà văn châu Âu đầu tiên có những tác phẩm hình dung trước được viễn cảnh khủng khiếp của thế giới toàn trị.”
Cuốn sách này còn là cảm hứng cho vô số tác phẩm lừng danh được xuất bản sau, có thể liệt kê ra như: 1984 hay Trại súc vật của George Orwell; hay The Sirens of Titan, Harrison Bergeron của Kurt Vonnegut… và ngay cả ý tưởng sinh sản đơn tính của khủng long trong Công viên kỷ Jurassic…
Čapek được đề cử giải Nobel Văn học bảy lần, nhưng ông không bao giờ giành chiến thắng. Tuy nhiên, một số giải thưởng lại mang tên ông, như giải Karel Čapek, được trao tặng hàng năm bởi Czech PEN Club cho tác phẩm văn học góp phần củng cố và duy trì các giá trị dân chủ và nhân văn trong xã hội. Ông cũng là một nhân vật chủ chốt trong việc tạo ra các PEN Club Tiệp Khắc là một phần của Văn Bút Quốc tế.
Trạm Đọc
Theo Zing