Trong suy nghĩ thông thường của các bà nội trợ, các sản phẩm thịt bán trong siêu thị có ưu điểm nguồn gốc rõ ràng, điều kiện bảo quản tốt giúp cho chất lượng thịt được đảm bảo, tuy nhiên giá sẽ “chát” hơn so với các chợ truyền thống.
Thấu hiểu tâm lý này, trong năm 2023, tích hợp cùng hệ sinh thái của Masan, Masan MEATLife đã hợp tác với WinCommerce trong “Chương trình hội viên WIN”, tại các siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+ để triển khai chương trình hội viên WIN trên toàn quốc.
Thịt MEATDeli chỉ cao hơn 5% so với chợ truyền thống
Với chương trình này, Masan MEATLife thực hiện ưu đãi lên đến 20% xuyên suốt năm 2023 cho hội viên với các sản phẩm thịt heo mát, thịt gà mát MEATDeli.
Bởi mức ưu đãi lớn chưa từng có, chương trình hội viên WIN đã giúp thu hẹp khoảng cách về giá của thịt mát với thịt được bày bán tại chợ truyền thống, khuyến khích khách hàng sử dụng thịt mát thường xuyên hơn. Báo cáo mới đây của Masan Group tiết lộ, Masan MEATLife đã thu hẹp khoảng cách giá với chợ truyền thống từ mức 11% trong quý 1/2023 xuống còn 5% trong quý 2/2023.
Theo Masan, điều này sẽ góp phần chuyển đổi khách hàng từ kênh thương mại truyền thống sang hiện đại và gia tăng khả năng tiếp cận của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thịt mát.
Được biết, chương trình hội viên WIN đã đạt 6 triệu thành viên đăng ký, trong đó có 2,4 triệu thành viên tích cực mỗi tháng, với tần suất đến cửa hàng 3 lần/tháng. Số lượng đơn hàng, và doanh số bán hàng của Masan MEATLife tăng lần lượt là 48% và 35% nhờ vào chiến lược quảng bá thương hiệu kết hợp cùng chương trình hội viên WIN. Doanh thu hàng ngày của các sản phẩm Masan MEATLife trong chuỗi siêu thị/cửa hàng WinCommerce đã tăng 30% lên 1,55 triệu đồng vào tháng 6 năm 2023.
Theo MEATLife, hiện thị trường thịt heo và gà có giá trị hơn 15 tỉ USD là mảng lớn nhất trong ngành F&B. Với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân liên tục được cải thiện khiến nhu cầu tiêu thụ thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc tại Việt Nam tăng cao. Tuy nhiên, đây là thị trường chưa được chuẩn hóa khi hơn 90% sản phẩm thịt heo trên thị trường không có thương hiệu. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc.
Nỗ lực của Masan MEATLife nhằm đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm thịt chất lượng với mức giá hợp lý nhất, chia sẻ những áp lực trong chi tiêu gia đình với các bà nội trợ trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Cùng với chiến lược về giá, Công ty này còn đa dạng hóa sản phẩm thịt. Cùng với các sản phẩm thịt heo – thịt gà sạch MEATDeli; Gà tươi 3F vốn đã được nhiều người tiêu dùng biết tới và lựa chọn, Masan MEATLife còn lấn sân vào thị trường gà ta truyền thống đầy tiềm năng thông qua việc tung sản phẩm Gà Ngon LaChanh.
Bên cạnh việc kinh doanh thịt mát, năm 2022, Masan MEATLife đã đẩy mạnh thịt chế biến với CTCP Masan Jinju – công ty kinh doanh thịt chế biến với các sản phẩm xúc xích, chả bì que,…
Masan MEATLife tiếp tục tăng tốc
Trong quý 2/2023, doanh thu của Masan MEATLife đạt 1.703 tỷ đồng tăng 68,7% so với cùng kỳ và lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 3.303 tỷ đồng, tăng 70,2% so với cùng kỳ.
Trên cơ sở so sánh tương đương (bao gồm đóng góp của mảng thịt chế biến trong năm 2022), doanh thu của Masan MEATLife tăng 22,2% trong nửa đầu năm 2023 nhờ doanh số cao hơn trên tất cả các phân khúc sản phẩm.
Đối với riêng mảng thịt chế biến, doanh thu tăng 45,5% lên 1.108 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023 do sản lượng tăng mạnh.
Về kế hoạch cho giai đoạn sắp tới, Masan MEATLife cho biết sẽ tăng doanh số hàng ngày trong mạng lưới WinCommerce từ mức 1,55 triệu lên 2 triệu đồng bằng chiến lược giá linh động. Theo đó, Masan MEATLife sẽ tăng cường tích hợp vào mạng lưới của WinCommerce để phân phối đúng loại sản phẩm đến đúng cửa hàng phù hợp. Ngoài ra, Masan MEATLife sẽ nâng cao hình ảnh thương hiệu MEATDeli tại các cửa hàng WinCommerce thông qua việc triển khai gian hàng Góc Thịt.
Masan MEATLife đặt mục tiêu cải thiện giá trị thịt lợn với tỷ lệ sử dụng thịt lợn cao hơn, và cho ra nhiều cải tiến cho sản phẩm thịt chế biến. Để tối ưu chi phí, Masan MEATLife sẽ điều chỉnh chi phí thức ăn chăn nuôi và thay đổi quy mô trang trại gà phù hợp với nhu cầu thị trường.
Theo đơn vị này, chuỗi giá trị thịt toàn cầu đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức. Với các hiệp định tự do thương mại sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, thị trường Việt Nam sẽ có nhiều đối thủ nước ngoài tham gia thị trường, và sự cạnh tranh sẽ trở nên rất khốc liệt. Tuy nhiên, vẫn sẽ có cơ hội cho các công ty trong nước như Masan MEATLife để chuyển đổi thị trường do nhu cầu thịt tươi/thịt mát luôn cao hơn thịt đông lạnh nhập khẩu.