Sáng 28/11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, đồng thời định hướng kế hoạch năm 2025. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), năm 2024, lĩnh vực thông tin điện tử ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ với 80 trang thông tin điện tử tổng hợp và 40 mạng xã hội trong nước được cấp phép mới.
Báo cáo cũng chỉ ra tổng số tài khoản mạng xã hội của người Việt hiện đạt khoảng 313 triệu, bao gồm 110 triệu tài khoản trên các nền tảng trong nước và 203 triệu tài khoản trên các mạng xã hội nước ngoài.
Một điểm nhấn đáng chú ý là sự tăng trưởng mạnh mẽ của mạng xã hội Zalo. Tính đến 30/6/2024, Zalo ghi nhận 76,5 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, vượt qua các nền tảng xuyên biên giới như Facebook (72 triệu), TikTok (67 triệu) và YouTube (63 triệu).
Tính đến 30/6/2024, Zalo ghi nhận 76,5 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Ảnh minh họa
>> Các ông lớn công nghệ Facebook, TikTok, Apple… nộp hơn 8.600 tỷ đồng tiền thuế
Zalo, nền tảng nhắn tin và mạng xã hội do VNG phát triển, lần đầu ra mắt vào tháng 8/2012 dưới dạng phiên bản thử nghiệm. Chỉ sau 4 tháng, Zalo chính thức được giới thiệu đến người dùng. Đến tháng 1/2014, VNG công bố Zalo đã đạt mốc 7 triệu người dùng, vươn lên vị trí thứ hai tại thị trường Việt Nam, chỉ sau Viber.
Theo báo cáo quý III/2024 của VNG, ứng dụng Zalo ghi nhận 77,6 triệu người dùng hoạt động hàng tháng (MAU), tăng 3% so với cùng kỳ và gần 1,97 tỷ tin nhắn được gửi đi mỗi ngày, tăng trưởng cả về người dùng lẫn doanh thu từ các dịch vụ giá trị gia tăng. Các dịch vụ như Zalo AI và thanh toán qua Zalopay cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.
Zalo không chỉ là nền tảng giao tiếp mà còn đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động xã hội. Trong đợt bão Yagi, Zalo hỗ trợ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai gửi hơn 143 triệu tin nhắn cảnh báo. Tính năng Zalo SOS giúp hàng triệu người dân cập nhật trạng thái an toàn, với 151.000 lượt hỗ trợ và 87.000 liên hệ khẩn cấp chỉ trong 10 ngày.
Ngoài ra, hơn 16.000 tài khoản Zalo Official Account của các cơ quan nhà nước đã được triển khai, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến.
Việc Zalo vượt mặt các mạng xã hội lớn từ nước ngoài không chỉ phản ánh xu hướng người dùng Việt Nam ủng hộ các nền tảng nội địa mà còn khẳng định sự thân thiện và tiện ích mà nền tảng này mang lại. Tuy nhiên, đại diện Bộ TT&TT cũng cho biết, xét về mức độ ảnh hưởng và sức lan tỏa của nội dung, các nền tảng xuyên biên giới vẫn chiếm ưu thế lớn hơn.
>> Doanh thu thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể chạm mốc 49,9 tỷ USD vào năm 2028
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/zalo-vuot-mat-facebook-youtube-va-tiktok-tai-viet-nam-ve-so-luong-nguoi-dung-180801.html