Dốc tiền mở nhà hàng Việt Nam, hoàn thành tâm nguyện của con gái
Không dưới 1 lần trong suốt 6 năm qua, bố mẹ của Nhật Linh (cô bé người Việt bị sát hại tại Nhật Bản) nghĩ đến việc dắt díu cả gia đình về Việt Nam. Rồi họ lại quyết định ở lại, gắn bó với xứ sở hoa anh đào, nơi họ đã sống hơn chục năm qua, vì oan khuất của Linh, vì hành trình đi tìm công lý cho con thôi thúc, vì bọn trẻ gọi nơi đây là nhà, là nơi có ngôi nhà mà họ chắt chiu, nỗ lực rất nhiều mới có được.
Trước khi bị kẻ thủ ác Yasumasa Shibuya, sát hại tại Chiba năm 2017, bé Nhật Linh từng tiết lộ, ước mơ của con khi lớn lên là “trở thành cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản”, là “nấu món Việt Nam cho những người bạn Nhật Bản ăn”. Ước mơ đó của Nhật Linh không thể thực hiện, khi con mãi mãi là cô bé 9 tuổi, học lớp 3.
Nhà hàng Hào Nguyên của bố mẹ Nhật Linh mở để nối dài tâm nguyện của con
Nhưng với anh Lê Anh Hào và chị Nguyễn Thị Nguyên, bố mẹ của Nhật Linh, câu nói trẻ thơ ấy đã thôi thúc họ tiếp nối tâm nguyện của con gái.
Bố mẹ Nhật Linh vừa mở một nhà hàng Việt Nam ở Nhật Bản. Cả gia đình cũng rời bỏ thành phố Chiba để đến sống tại phố núi Nihonmatsu, Fukushima, vùng đất du lịch của Nhật.
Những món ăn Việt Nam tại nhà hàng đều do chị Nguyên “đạo diễn” chính
Nhà hàng có tên Hào Nguyên, bán gần 20 món ăn Việt Nam như xôi gà, cháo lòng, bún đậu, phở bò, phở gà, bún thịt nướng, bún nem rán, bánh mì pate, cafe, sinh tố… Tất cả các món đều do chị Nguyên làm “đạo diễn” chính. Ngoài phục vụ các món ăn Việt Nam, trong nhà hàng còn có quầy đồ thủ công mỹ nghệ Việt Nam và gia vị Việt Nam.
Các món ăn được chế biến theo khẩu vị và gia vị thuần Việt
Bún măng và phở bò Việt trên đất Nhật
Bánh mì cũng là một món bán chạy trong thực đơn nhà hàng
Chị Nguyên chia sẻ, đây là một thử thách lớn với anh chị, vì anh chị đã dồn tất cả vốn liếng bao năm tích cóp, tất cả niềm tin và hy vọng đặt cả vào đây. “Mong là sẽ thành công cho dù trước mắt khó khăn đang chồng chất khó khăn. Kể ra vợ chồng mình cũng liều lĩnh, vì phải vay tiền để đầu tư rất nhiều. Ngoài nhà hàng, vợ chồng mình còn có 25 phòng nghỉ ryokan kiểu Nhật truyền thống và tắm onsen thiên nhiên nữa.
Gia đình cũng kinh doanh thêm phòng nghỉ ryokan kiểu Nhật truyền thống
Khoảnh khắc đứng trước “gã khổng lồ” với mặt sàn 980m2 x 8 tầng, mình vẫn chưa dám nghĩ nó thuộc sở hữu của mình. Tiền thuế sở hữu tài sản bất động sản hàng năm phải trả ở Nhật và số tiền tu sửa lại cũng là một áp lực rất lớn, nhưng vợ chồng mình nghĩ, cứ chăm chỉ cần cù hết mình thôi, 70% là do mình, thành công hay không còn phụ thuộc vào 30% may mắn nữa”.
Quầy đồ thổ cẩm bán khá chạy
Chị tiết lộ, lý do cả gia đình chuyển đến Fukushima sinh sống là để tiện quản lý kinh doanh. Bất động sản ở Chiba, anh chị bán đi một căn kề bên, còn ngôi nhà cũ khi xưa, gia đình vẫn giữ lại làm kỷ niệm để lấy chỗ đi về.
“Khi biết tin gia đình mình chuyển đi và mở rộng kinh doanh, có người nói là nhờ tiền đền bù thiệt hại của kẻ sát hại Nhật Linh. Nhưng thật ra vụ kiện về dân sự vẫn chưa thể kết thúc. Gia đình vẫn đang theo kiện, ngôi nhà của bị cáo vẫn chưa phát mãi được.
Nhà mình vẫn chưa nhận được đồng xu nào gọi là tiền bồi thường phát mãi nhà của bị cáo mà còn đang phải mất thêm tiền phí để người ta phát lệnh phong tỏa tài sản. Dù vậy, gia đình vẫn quyết tâm kiện đến cùng”, chị Nguyên khẳng định.
Bài trí trong nhà hàng có nhiều chi tiết rất Việt Nam
Cuộc sống mới ở “nơi vượt qua nỗi đau”
Ngoài việc là một trong những địa điểm du lịch thu hút tại Nhật Bản, Fukushima cũng có ý nghĩa riêng với bố mẹ bé Nhật Linh, khi họ chọn địa điểm để bắt đầu hành trình mới. Nơi đây từng hứng chịu nhiều đau thương khi xảy ra thảm họa hạt nhân, nhưng hiện tại, vùng đất này đã được “chữa lành”, phục hồi từ thiên nhiên đến kinh tế.
Hoa trong vườn nhà mới của anh Hào, chị Nguyên tại Fukushima
Mẹ Nhật Linh cho hay, người Việt sống ở đây khá đông và thân thiện. Fukushima hiện tại cũng thu hút khách du lịch với thời tiết ôn hòa, không khí dễ chịu, nhà cửa rộng rãi và có vườn. Nơi đây được gia đình kỳ vọng phù hợp để vượt qua nỗi đau và phát triển kinh doanh.
Mỗi ngày, chị Nguyên dậy sớm ra vườn ngắt hoa vào cắm, hút bụi, thay khăn trải bàn, lau chùi nhà cửa rồi chuẩn bị cho việc kinh doanh. Nhà hàng và khu nghỉ ngơi rất gần suối nước nóng nên ngày nào cũng được tắm onsen thiên nhiên.
Không khí tại Fukushima khá trong lành
Bé Tú, em trai của Nhật Linh đã có thêm 2 em nhỏ nữa. Khi theo bố mẹ rời tỉnh Chiba lên núi ở, cậu bé khóc sướt mướt vì phải xa bạn bè, xa thầy cô, xa ngôi nhà cũ nhiều kỷ niệm. Nhưng ở Fukushima, trường lớp khang trang, thầy cô cũng thân thiện và nhiệt tình nên chị Nguyên mong các con sẽ hòa nhập tốt, gia đình có một bước ngoặt mới suôn sẻ.
Bé Tú rất ra dáng làm anh. Bố mẹ bận việc, cậu bé đi học về, tự giác học bài rồi trông nom các em, biết mở lò nướng bánh làm đồ ăn vặt cho các em. 3 em bé được bố mẹ cho về Việt Nam nghỉ hè và thuê giáo viên dạy kèm nên đều nói được tiếng Việt. Bé Tú còn biết đọc, biết viết tiếng Việt.
3 em bé đang thích nghi tốt với cuộc sống ở phố núi
“Còn với Nhật Linh, con vẫn luôn là nguồn sống, nguồn động lực vô bờ để bố mẹ cố gắng mọi thứ. Mất con là nỗi đau đớn lớn nhất cuộc đời mình rồi, mình nghĩ không có khó khăn nào quật ngã được mình nữa. Vì yêu con, nhớ con nên vợ chồng mình sẽ không bỏ cuộc, không để nghịch cảnh quật ngã. Những ký ức về Nhật Linh luôn luôn trong tâm trí, dù gia đình có sống ở đâu đi nữa”, chị Nguyên nghẹn ngào xúc động.