Chúng ta đang thấy nhiều ý tưởng đột phá đến từ Israel hơn là thung lũng Silicon… và điều này không thay đổi bất chấp những thoái trào kinh tế. Đây là lời các tác giả cuốn “Quốc gia khởi nghiệp”, Dan Senor và Saul Singer trích từ một ủy viên ban chấp hành British Telecom. Nhưng họ cũng có thể rất dễ dàng lấy được câu tương tự từ một ủy viên ban chấp hành tại Intel nơi mà năm ngoái đã mở một nhà máy trị giá 3.5 tỉ USD ở Kiryat Gat chuyên sản xuất chip điện tử 45-nanometer, cách Tel Aviv một giờ về phía nam. Hoặc trích từ Warren Buffett, người chỉ trong 2006 đã trả 4 tỉ USD cho bốn phần năm cổ phần của một hãng Israel sản xuất dao tiện cho xe hơi và máy bay. Hay trích lại từ John Chambers, giám đốc điều hành Cisco, người đã mua chín doanh nghiệp mới từ Israel, hoặc của Steve Balmer, người gọi Microsoft là “một công ty Mỹ hoặc một công ty Israel đều được”, vì những chuyên viên người Israel trong Microsoft có vai trò rất lớn. “Google, Cisco, Microsoft, Intel, eBay…” một trong những ủy viên eBay nói, “Bí mật được giữ gìn cẩn thận nhất là, chúng ta sống chết phụ thuộc vào công việc của người Israel.”
Israel là quốc gia công nghệ của thế giới. Phí tổn nghiên cứu và phát triển của công dân chiếm 4.5% tổng sản phẩm nội địa – bằng nửa mức của Mỹ, Đức hay Nam Hàn – và đầu tư mạo hiểm bình quân đầu người thì gấp 2,5 lần mức của Mỹ, 6 lần của Vương quốc Anh. Thậm chí khi không tính đến các yếu tố khác, Israel chỉ có Mỹ – quốc gia có dân số đông hơn 40 lần – là đối thủ.
Như Senor và Singer đã viết: “Israel – một đất nước với chỉ 7.1 triệu người – đã thu hút gần 2 tỉ USD vốn đầu tư mạo hiểm (năm 2008), tương đương những gì mà 61 triệu công dân Vương quốc Anh cộng với 145 triệu người ở Pháp và Đức nhận được.” Đầu năm 2009, 63 công ty Israel có mặt trên Nasdaq, nhiều hơn bất kì nước ngoài nào. Trong số các hãng đó là Teva Pharmaceuticals, hãng thuốc gốc lớn nhất thế giới với giá trị vốn hóa thị trường 48 tỉ USD và Check Point Software Technologies với giá trị vốn hóa thị trường 7 tỉ USD.
Động lực kinh tế đó diễn ra bất chấp chiến tranh, xung đột nội địa và thù địch từ các quốc gia khác. Trong vòng sáu năm kể từ khi bong bóng kinh tế tan vỡ năm 2000, Israel trải qua một trong những thời kì khủng bố tấn công bạo liệt nhất, trải qua chiến tranh Li-băng thứ hai; kể cả thế, như tác giả nhận xét, “tỉ lệ trong vốn đầu tư mạo hiểm quốc tế không hề giảm mà tăng gấp đôi, từ 15% lên 31%.”
Một câu hỏi lớn mà “Quốc gia khởi nghiệp” nêu ra là: Tại sao là Israel và không phải nơi khác? Các tác giả – ông Senor, chuyên viên chính sách đối ngoại dưới chính quyền George W.Bush hiện đang giám sát một quỹ đầu tư, và ông Singer, nhà bình luận báo Jerusalem Post – sử dụng lập luận của chủ nghĩa ngoại lệ trong đạo đức và tôn giáo. Loại bỏ “sự đoàn kết Do Thái” hay thậm chí tài năng cá nhân, không cho đó là nguyên nhân chính dẫn đến thành công về công nghệ cao của Israel. (George Gilder, tác giả cuốn sách về vấn đề tương tự gần đây “The Israel Test” không đồng ý: “Những thiên tài Do Thái ngày nay tập trung ở Israel”).
Quốc gia khởi nghiệp
Thay vào đó, ông Senor và Singer chỉ ra một “tập hợp kinh điển những gì giáo sư Harvard Michael Porter đề cao và thung lũng Silicon biểu hiện”. Những đại học nghiên cứu gần nhau, nhiều hãng lớn và doanh nghiệp khởi nghiệp, nhân tài dồi dào đến từ khắp thế giới, hệ sinh thái vốn đầu tư mạo hiểm, quân sự, gây quỹ nghiên cứu và phát triển của chính phủ. Hơn nữa hai tác giả cho rằng, Israel có một truyền thống kinh doanh mạo hiểm gói gọn chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa quân bình (thiên hướng tổ chức theo cơ cấu phẳng), và sự nuôi dưỡng.
Truyền thống này từ đâu mà ra? Quân sự Israel là chính. “Bạn nhận được hướng dẫn ít nhất có thể từ cấp trên”, ông Senor và Singer viết, “để tùy cơ ứng biến, kể cả điều này có nghĩa là phá luật. Nếu bạn là sĩ quan cấp úy, bạn gọi cấp cao hơn bằng tên riêng, nếu thấy họ làm sai thì bạn được quyền nói.” Những người nổi bật từ trường trung học được tuyển vào đơn vị quân đội đặc chủng và huấn luyện rất kỹ, nhấn mạnh vào đào tạo công nghệ. Khi họ hoàn tất, mọi thứ cần để bắt đầu khởi nghiệp là “chỉ cần một cú điện thoại…Gần như tất cả mọi người có thể tìm được ai đó họ cần liên lạc để bắt đầu”. Israel có vẻ là một nước mà người người biết nhau.
Israel cũng là một nước có nghĩa vụ quân sự bắt buộc trước khi học đại học. Với các nước muốn học theo mô hình khởi nghiệp thành công của Israel, ông Senor và Singer khuyên nên áp dụng mô hình nghĩa vụ bắt buộc, quân sự hoặc thứ khác, nhằm “thu được kĩ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết nhiệm vụ và kinh nghiệm giống người Israel.” Bí quyết là kết hợp bài học của Lực lượng phòng vệ Israel (hoặc một lực lượng không phòng vệ nào đó) với chủ nghĩa cá nhân gần như bất khả chiến bại, cùng với một sự tự lực của một quốc gia tự lực cánh sinh để tồn tại.
Các tác giả không quan tâm lắm đến các chính sách kinh tế. Trong tình hình bị trói buộc và thống trị bởi hệ thống ngân hàng nhà nước, Israel trải qua một “thập kỷ đau thương” từ những năm 1970 đến giữa những năm 1980. Ông Senor và Singer ca ngợi những đổi mới (VD: bỏ cấm trình diễn để quyên tiền), khởi đầu bởi Benjamin Netanyahu, hiện giờ là Thủ tướng Israel, hồi ông còn đứng đầu Bộ Tài chính.
Điểm mạnh lớn nhất của “Quốc gia khởi nghiệp” không nằm ở phần phân tích mà ở những giai thoại. Có những câu chuyện sống động về các tấm gương khởi nghiệp, chẳng hạn như Shai Agassi, con trai một người Iraq nhập cư đến Israel với công nghệ xe chạy bằng điện, hiện đang làm “Xe 2.0”. Hoặc Gavirel Iddan, người khởi đầu với vai trò một kĩ sư tên lửa, với camera dạng thuốc viên có thể khám phá bên trong cơ thể người, người đã thành lập Given Imaging năm 2001, “công ty đầu tiên cổ phần hóa trên phố Wall sau vụ tấn công 9/11”. Cuối cùng thì, rất khó để hiểu được tại sao Israel nhỏ bé của những người nhập cư khổ sở sau chiến tranh lại trở thành cường quốc công nghệ. Cuốn sách thú vị này có thể góp phần soi sáng bí mật đó.
Tác giả, James K. Glassman là Giám đốc điều hành Viện George W.Bush, một phần của Trung tâm Bush tại Dallas, bao gồm một thư viện và một bảo tàng.
Trạm đọc (Read Station) dịch