Khi tả về cha tôi, mọi người thường vẽ nên hình ảnh một lão nông xuề xòa, chỉ có trong gia đình tôi mới biết rằng ông đã dạy dỗ những đứa con gái của mình hết sức tỉ mỉ.
Dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư – con gái nhà văn Nguyên Hồng – đã miêu tả lại cha mình là một người yêu thương con hết mực trong ghi chép được in trong cuốn sách Cha và con – Tình cha con của những người nổi tiếng (NXB Trẻ, 2018).
Được sự đồng ý của NXB Trẻ, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách. Bài viết giữ nguyên danh xưng của dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư (xưng tôi).
Từ khi còn bé lắm, còn ở nhà với cha mẹ, các anh và các em, tôi đã nghe mẹ tôi nói: “Các bác (bạn văn, cùng đi kháng chiến với cha tôi), vẫn bảo: Nguyên Hồng chỉ có hai niềm đam mê, đó là mê viết và mê con”.
Hồi nhỏ, lời nhận xét ấy với tôi cũng chỉ như nhiều câu chuyện khác về cha tôi. Chúng tôi hồn nhiên sống bên sự viết lách cần cù, bền bỉ của cha và trong tình thương yêu, chăm sóc, lo lắng hàng ngày của ông mà coi đó như một sự đương nhiên. Đương nhiên như mặt trời thức dậy mỗi sớm mai vậy.
Gia đình nhà văn Nguyên Hồng.
Riêng điều này thì tôi phát hiện ra ngay từ hồi học cấp 2, đó là cha tôi là một con người đầy mâu thuẫn. Thường thì ông dịu dàng như một người mẹ, giọng nói của ông ấm và ngọt, chúng tôi vẫn bảo giống như giọng của cha cố khi giảng đạo. Nhưng nếu như đúng lúc ông cần một cuốn sách nào đó mà chúng tôi đã đánh mất hoặc đang cho ai mượn thì ông gầm lên như một con hổ. Có một lần như vậy, tôi lỉnh ra sau bếp đứng một mình và thầm nghĩ: “Thế mà hôm nọ viết thư về bảo nhớ và thương các con lắm!”.
Tôi thấy khi tả về cha tôi, mọi người thường vẽ nên hình ảnh một lão nông xuề xòa, nhưng chỉ có trong gia đình tôi mới biết rằng lão nông ấy đã dạy dỗ những đứa con gái của mình hết sức tỉ mỉ. Trong bữa ăn, ông dạy chúng tôi phải gắp rau như thế nào, chấm nhẹ vào bát nước chấm rồi đưa bát cơm hứng lấy, sau đó để miếng rau vào bát cơm rồi mới và vào miệng chứ không được đưa miếng rau từ bát nước chấm thẳng lên miệng. Khi chúng tôi lớn hơn, ông dạy cách cuốn nem, phải cuốn vừa tay, cái nem nhỏ thôi, nhiều lá, ít nhân thì khi ăn mới có độ giòn. Tôi còn nhớ có lần sau bữa ăn, tôi đưa khăn cho ông và nói “Thày lau mồm đi ạ”, ông sửa lại ngay “Con phải nói là lau miệng”. Thế đấy. Chúng tôi được cha rèn cho từng lời ăn tiếng nói.
[…]
Anh em chúng tôi chẳng thể nào quên được mỗi lần cha tôi chuẩn bị đi Hà Nội, nào cặp bản thảo, nào túi quần áo, nào thức ăn đã được buộc gọn ghẽ trên chiếc xe đạp Liên Xô (cũng là nhuận bút của cuốn Bỉ Vỏ được dịch sang tiếng Nga), ông gọi chúng tôi lại, đưa cho đứa lớn nhất khoảng hai, ba hoặc năm hào gì đấy toàn bằng tiền xu để chúng tôi ở nhà mua quà. Quà hồi ấy chỉ là những cây mía tím chặt ngay trên ruộng nhà cụ Chương Long ở đầu xóm, hay là những quả sấu chín vàng nhà bà Lành mà chúng tôi phải tự trèo lên cây hái.
Sau này chúng tôi mới biết rằng, sau khi bứng cả gia đình từ Hà Nội về lại ấp Cầu Đen, bỏ tem phiếu, bỏ việc bán sách của mẹ tôi ở hiệu sách nhân dân Tràng Tiền, bỏ mọi tiện nghi cho việc học hành của các con để cả nhà bắt đầu một cuộc sống của những người nông dân, nhiều khi cha tôi cũng xót xa lắm. Có vẻ như ông tận dụng mọi cơ hội để “đền bù” cho chúng tôi. Mùa hè nào ông cũng cho chúng tôi “về Hà Nội chơi”. Anh Sơn tôi yêu âm nhạc, ông cho anh đi học nhạc, học đàn violin, đàn mandolin.
Thỉng thoảng, chắc là những khi có nhuận bút, ông đưa chúng tôi đi ăn phở. Với chúng tôi hồi ấy, đó còn hơn cả sơn hào hải vị. Thậm chí ông còn cho chúng tôi vào cả nhà hàng Phú Gia bên Bờ Hồ! Anh Sơn tôi kể có một lần ông đưa hai anh đến Phú Gia, nhưng ông chỉ gọi hai bát phở cho hai anh, còn ông thì ngồi nhìn các con ăn! Khi anh Sơn tôi kể lại chuyện này, thì hóa ra đứa nào cũng đã từng được bố đưa đến đây ăn phở, ăn bún. Không chỉ cho đi ăn, ông còn dẫn chúng tôi đi chơi vườn Bách Thảo, chỉ cho chúng tôi Bảo tàng Lịch sử, Văn Miếu, cổng Hoàng thành Thăng Long…
Một người cha chăm chút cho con đến như vậy sẽ như thế nào khi tiễn con đi bộ đội, đi vào cuộc chiến tranh đang trong thời kỳ khốc liệt nhất ấy? Tôi còn nhớ lần anh trai thứ hai của tôi là Nguyễn Vũ Giang lên đường nhập ngũ, tôi được theo ông đến buổi tiễn quân ấy. Ông đã đọc bài thơ Tiễn chân con và khóc. Rất nhiều người có mặt hôm đó đã khóc. Còn tôi, mãi về sau, khi làm mẹ, đã ngộ ra nhiều điều, tôi mới khóc khi đọc bài thơ này.
Con chúng ta năm xưa võng ru
Mụ dạy cười mơ rồi nức nở
Chim hót, nắng bừng cũng giật mình bỡ ngỡ
Vú mẹ đêm này ấp ủ thịt măng tơ
Con chúng ta làng xóm đặt tên
Với mưa nắng sao trăng
Với hoa thơm quả chín
Với khoai sắn ruộng đồng
Với thú rừng cá biển
Với những chuyện thần kỳ với tên tuổi cha ông
Con chúng ta lớn lên
Tướt lẫy
mọc răng
tênh tênh
rồi chập chững
Lên ba
lên sáu
rồi mười sáu trăng tròn
Hôm nay đây mười tám thanh xuân…
Trích sách ” Cha và con – Tình cha con của những người nổi tiếng” (NXB Trẻ)