Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Tráng A Dương cho biết thời gian gần đây, có thực trạng thách thức các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế. Đó là nhà đầu tư, phòng khám đa khoa tư nhân sau khi bị xử lý vi phạm hành chính, phạt bổ sung, tạm đình chỉ hoạt động từ 3-4 tháng và tuyên bố giải thể phòng khám.
Nhưng ngay sau đó một công ty mới lại được thành lập và xin phép đầu tư mở lại một phòng khám khác với đội ngũ nhân viên quản lý và nhân viên y tế đã được hành nghề của phòng khám trước đó, thậm chí hoạt động ở ngay tại địa điểm đó với tên gọi hoàn toàn khác và mới. “Đề nghị Bộ trưởng Y tế nêu giải pháp xử lý dứt điểm”, ông nói.
Bộ trưởng Y tế cho biết theo quy định Luật Khám bệnh chữa bệnh, mỗi cơ sở được cấp một giấy phép hoạt động và phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực. Trong đó nhân lực bắt buộc phải đáp ứng đủ số lượng làm toàn thời gian, người hành nghề phải có đăng ký. Nếu cơ sở đó bị đình chỉ thì y bác sĩ phải chấm dứt hợp đồng với cơ sở vi phạm.
“Khi vi phạm, người chịu trách nhiệm chuyên môn sẽ bị tước giấy phép hành nghề nên không thể hành nghề lại được ngay do phải cấp lại giấy phép”, Bộ trưởng Lan trả lời.
Tuy nhiên, bà Lan cho rằng phản ánh của đại biểu là vấn đề thực tiễn. Trong quá trình triển khai luật, Bộ Y tế sẽ chú ý để tránh bị lợi dụng. Bộ sẽ yêu cầu các cơ quan kiểm soát chặt chẽ hơn và xử lý nghiêm vi phạm.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bo-truong-y-te-tang-muc-xu-phat-hanh-vi-lua-dao-lien-quan-thuc-pham-chuc-nang-4814928.html