“Với vai trò là ngân hàng chủ lực của hệ thống tài chính ngân hàng, có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh công nghệ trong việc xây dựng, phát triển và vận hành các hệ thống thanh toán, Vietcombank chủ động xây dựng hệ thống thanh toán chuyên biệt VCB C-Bond dành cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên cơ sở các chuẩn mực thanh toán tiên tiến nhất, đáp ứng toàn bộ các yêu cầu của Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
VCB C-Bond có đầy đủ các chức năng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Chúng tôi đã thực hiện kết nối và kiểm chứng thành công toàn phần với VSDC và một số thành viên lưu ký chứng khoán lớn trên thị trường, đảm bảo khả năng vận hành thông suốt, an toàn và bảo mật. Đặc biệt, VCB C-Bond đáp ứng yêu cầu thanh toán tức thời theo từng giao dịch, thông tin mua bán trái phiếu được cập nhật theo thời gian thực đến từng nhà đầu tư. Đây là yếu tố mới, vượt trội tạo điều kiện cho dòng vốn của nhà đầu tư được luân chuyển nhanh, các thông tin giao dịch được quản lý cập nhật kịp thời, minh bạch và hiệu quả.
Từ tháng 1 đến tháng 6/2023, với sự tập trung và nỗ lực, Vietcombank triển khai thành công, đúng thời hạn và đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của hệ thống VCB C-Bond. Vietcombank rất vinh dự khi được Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận chọn làm ngân hàng thanh toán cho các giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ theo Quyết định số 538/QĐ-UBCK ngày 30/6/2023. Đây là một dấu mốc quan trọng, mở ra một giai đoạn tham gia mạnh mẽ, sâu rộng hơn của Vietcombank trong xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu riêng lẻ nói riêng và thị trường trái phiếu nói chung.
Chúng tôi cam kết ưu tiên mọi nguồn lực tốt nhất để vận hành, nâng cấp và tiếp tục phát triển hệ thống VCB C-Bond, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường và của cơ quan quản lý, đảm bảo hệ thống luôn hoạt động thông suốt, an toàn, minh bạch và hiệu quả. Đồng thời, Vietcombank cũng tích cực tham gia thị trường với các vai trò là tổ chức phát hành, thành viên lưu ký và thành viên giao dịch. Vietcombank thực hiện đăng ký 15 mã trái phiếu đã phát hành riêng lẻ”.
“Tôi cho rằng việc triển khai hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại của thị trường trái phiếu đã diễn ra trong thời gian dài.
Thứ nhất, tính minh bạch của thị trường trái phiếu khi thể hiện tập trung thông tin của tổ chức phát hành, điều này sẽ tạo cơ sở tham khảo để nhà đầu tư dễ dàng tham gia vào thị trường trái phiếu khi mà không còn phụ thuộc quá nhiều vào các đơn vị môi giới.
Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức phát hành tham gia dễ dàng trong việc huy động vốn do thanh khoản của thị trường trái phiếu được cải thiện.
Thứ ba, giá trái phiếu sẽ phản ánh rõ ràng hơn và được thị trường định giá theo yếu tố cung cầu. Từ đó, lợi suất trái phiếu cũng thể hiện rõ diễn biến về tình hình huy động vốn qua kênh trái phiếu.
Thứ tư, đảm bảo quyền lợi rõ ràng của nhà đầu tư hơn so với thị trường sơ cấp phụ thuộc quá nhiều vào các công ty chứng khoán.
Tôi cho rằng thanh khoản của thị trường trái phiếu được kỳ vọng sẽ cải thiện dần trong thời điểm 6 tháng cuối năm, nhưng thanh khoản có thể sẽ chưa thể tăng mạnh do tâm lý nhà đầu tư vẫn e ngại về thị trường này, đặc biệt là các trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản khi quý 3 cũng là quý cao điểm của các đợt đáo hạn trái phiếu lớn nhất trong năm 2023.
Hiện tại việc triển khai giao dịch trái phiếu riêng lẻ vẫn chưa có vướng mắc gì trong ngày đầu giao dịch. Tuy nhiên, cũng cần thêm thời gian để nhà đầu tư làm quen với sản phẩm tài chính mới này”.
“Việc hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ được đưa vào vận hành và niêm yết tập trung thay vì giao dịch thông qua hệ thống của từng công ty chứng khoán riêng lẻ như hiện nay sẽ giúp cho các nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin và có sự so sánh tương quan một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng sẽ được hưởng lợi từ các quy định chặt chẽ về việc công bố thông tin một cách kịp thời và minh bạch, từ đó có thể đưa ra các quyết định đầu tư chính xác và hiệu quả. Việc giao dịch trở nên thuận tiện hơn sẽ cải thiện vấn đề về thanh khoản của thị trường và giúp cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các định chế tài chính dễ dàng hơn.
Trở ngại lớn nhất hiện nay đó là niềm tin của nhà đầu tư đã sụt giảm rất nhiều trước việc xảy ra sai phạm của nhiều công ty, tập đoàn lớn trong năm 2022. Tuy nhiên, với chủ trương tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu một cách an toàn và minh bạch để làm kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, hệ thống phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn mà thị trường này đang phải đối mặt.
Bên cạnh đó, với các điều kiện vĩ mô cũng như chính sách có phần thuận lợi hơn (như tình hình lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiền gửi bình quân giảm mạnh,…) sẽ là động lực thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường”.
“Việc niêm yết tập trung trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là một bước tiến quan trọng cho sự phát triển của thị trường vì nhiều lý do.
Một là, giúp thị trường minh bạch hơn, đặc biệt là thông tin về tổ chức phát hành. Hiện các trái phiếu đều đang lưu hành nhưng thông tin về doanh nghiệp và tình hình tài chính đã cũ và chủ yếu từ lúc công bố phương án phát hành. Mặc dù có cập nhật nhưng thông tin về tổ chức phát hành rất ít để nhà đầu tư có thể đánh giá về năng lực thực hiện nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp.
Hai là, việc niêm yết góp phần mở rộng cơ sở nhà đầu tư do hiện một số quỹ chỉ được đầu tư vào trái phiếu niêm yết nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn của hoạt động quỹ.
Ba là, việc niêm yết cũng đóng góp quan trọng cho việc hình thành cơ chế định giá trái phiếu. Theo thông lệ quốc tế và chuẩn mực về quản trị rủi ro trái phiếu, giá trị thị trường của trái phiếu doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào chất lượng tín dụng hay mức xếp hạng tín nhiệm của tổ chức phát hành hoặc của chính trái phiếu đó, cũng như mức độ thanh khoản của trái phiếu đó. Khi đó, sẽ có cơ sở hình thành đường cong lợi tức và làm tham chiếu định giá. Việc này giúp công tác đánh giá hiệu quả của các quỹ trái phiếu minh bạch hơn và góp phần giảm rủi ro “bond-run” (yêu cầu tất toán/mua lại trái phiếu ngay lập tức), hoặc quá trình xác định giá cho giao dịch rút vốn của nhà đầu tư trong quá trình hoạt động của các quỹ.
Bốn là, hỗ trợ thanh khoản. Tuy nhiên, thực tế thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ không có thanh khoản cao về số lượng giao dịch như chứng khoán.
Năm là, việc niêm yết cũng góp phần xác định rõ ràng chủ sở hữu trái phiếu tập trung tại VSD, tránh những rủi ro tranh chấp và góp phần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.
Như vậy, việc đưa trái phiếu doanh nghiệp lên niêm yết là một bước tiến lớn của thị trường và từng bước góp phần khôi phục niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là cho các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và chưa chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, về dài hạn, tôi cho rằng việc niêm yết sẽ chỉ tập trung vào các trái phiếu được chào bán đại chúng và trái phiếu chào bán riêng lẻ nhưng với cơ sở nhà đầu tư lớn tại thị trường sơ cấp khi phát hành hoặc thứ cấp. Còn các trái phiếu phát hành riêng lẻ dành cho số ít nhà đầu tư định chế có thể không bắt buộc lên sàn. Chẳng hạn, trái phiếu chỉ được mua bởi 3 định chế bảo hiểm và mục đích thường giữ đến ngày đáo hạn thì việc niêm yết có thể không nhất thiết”.
“Trái phiếu doanh nghiệp là một trong những kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đạt mức 20% GDP vào năm 2025. Về cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp, chúng tôi thống kê thấy có tới 94% trái phiếu trên thị trường là trái phiếu phát hành riêng lẻ, chỉ có 6% thị trường là trái phiếu phát hành ra công chúng. Trái phiếu phát hành ra công chúng sau khi được niêm yết đã có sàn giao dịch, trong khi đó trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trước đây được giao dịch OTC, tức các bên mua – bán đơn thuần tự tìm đến nhau và thỏa thuận giá dựa trên nhu cầu của các bên tại thời điểm đó.
Vì thế, việc hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đi vào hoạt động sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho thị trường.
Thứ nhất, nâng cao tính minh bạch cho thị trường. Trước đây, việc xác định được giá mua – bán của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang diễn ra trên thị trường là rất khó khăn cho các nhà đầu tư do giá mua – bán trên thị trường không được công khai và thông tin giao dịch nằm rải rác ở các tổ chức, các công ty chứng khoán khác nhau. Sắp tới, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được giao dịch tập trung tại HNX sẽ giúp toàn bộ giá giao dịch của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được công khai và minh bạch. Từ đó hỗ trợ nhà đầu tư có nhiều thông tin hơn trong các quyết định mức giá giao dịch của mình. Đồng thời giúp chính các doanh nghiệp phát hành có thêm thông tin về giá trái phiếu thứ cấp của chính mình phát hành, và của các doanh nghiệp cùng ngành từ đó doanh nghiệp sẽ có những kế hoạch huy động vốn ở mức chi phí phù hợp.
Thứ hai, tăng tính thanh khoản cho thị trường, giúp nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể giao dịch mua-bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ dễ dàng hơn. Trước đây, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp cần xử lý nhiều giấy tờ và liên quan nhiều con người, khi giao dịch qua sàn sẽ tiết kiệm được cả thời gian và chi phí cho các bên, từ đó thúc đẩy việc mua bán diễn ra thuân lợi hơn.
Thứ ba, điều chúng tôi cho rằng rất quan trọng trong trung và dài hạn, đó là khi thị trường tăng được tính minh bạch, thanh khoản đồng thời với việc xếp hạng tín nhiệm được phổ biến hơn, thì thị trường sẽ hình thành được đường cong lợi suất trái phiếu doanh nghiệp. Đường cong lợi suất trái phiếu doanh nghiệp thể hiện mối tương quan giữa lãi suất và kỳ hạn của những trái phiếu có cùng mức xếp hạng tín nhiệm. Việc hình thành đường cong lợi suất trái phiếu doanh nghiệp không chỉ giúp nhà đầu tư, nhà phát hành có thêm thông tin cho việc quản trị rủi ro hay định giá trái phiếu doanh nghiệp, mà còn giúp các nhà hoạch định chính sách quản lý được sức khỏe và sự ổn định của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung.
Chúng tôi tin việc sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (vốn chiếm 94% thị trường) đi vào hoạt động sẽ củng cố được phần nào niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Từ đó thúc đẩy giúp thị trường phục hồi nhanh hơn và quan trọng là phục hồi một cách lành mạnh hơn.
VinaCapital rất ủng hộ hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với cương vị là nhà đầu tư tổ chức đã và đang đầu tư trái phiếu doanh nghiệp niêm yết và riêng lẻ, chắc chắn chúng tôi sẽ tham gia tích cực vào hệ thống này”.
“Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức khai trương là một tin vui cho thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ nói riêng và toàn thị trường nói chung, giúp tất cả trái phiếu đang lưu hành và sẽ phát hành riêng lẻ có thể niêm yết trên sàn. Nhờ đó, cải thiện tính thanh khoản trên thị trường trái phiếu riêng lẻ và thị trường được kỳ vọng sôi động trở lại. Tuy nhiên, tôi lạc quan trong thận trọng.
Trái phiếu phát hành riêng lẻ khi đưa lên sàn phải công khai tất cả thông tin về nhà phát hành, điều kiện phát hành, số lượng trái phiếu, lãi suất. Bên cạnh đó, khâu thẩm định chất lượng trái phiếu trước khi lên sàn, đến quản lý, giám sát giao dịch hay thời hạn đáo hạn cũng chặt chẽ hơn.
Thế nhưng thực tế cho thấy nhiều nhà phát hành trái phiếu riêng lẻ trong những năm qua bộc lộ nhiều thiếu sót, vi phạm và dẫn đến những vụ án lớn gây mất niềm tin nhà đầu tư. Cùng với đó, thị trường trái phiếu hiện vẫn trong tình trạng đóng băng, thanh khoản èo uột bởi khả năng trả nợ của các nhà phát hành ở mức rất thấp. Thị trường bất động sản cũng đang đóng băng, do đó, nhiều nhà phát hành vẫn thường xuyên thông báo “khất” nợ. Trong bối cảnh này, vào thời điểm cuối năm, khi hàng trăm ngàn tỷ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn sẽ tiếp tục có nhiều nhà phát hành không trả nợ được, lại phải đàm phán với nhà đầu tư để gia hạn hoặc dùng tài sản để cấn trừ nợ, thế nhưng, việc đàm phán nhiều khi không thành công.
Như vậy, dù tạo ra một sân chơi mới nhưng có lẽ sân chơi này không dành cho tất cả mà chỉ tốt với những nhà phát hành có năng lực tài chính ổn định và khả năng trả nợ tốt và có lẽ không dành cho những nhà phát hành trái phiếu riêng lẻ sắp mất khả năng trả nợ hoặc đã mất khả năng trả nợ, bởi trái niêm yết trên sàn chẳng khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Hoặc nếu các trái phiếu này lên sàn đi nữa, chắc chắn các nhà đầu tư cũng đủ khôn ngoan để tránh xa.
Bên cạnh đó, những nhà phát hành có tình hình tài chính khó khăn lên sàn cũng sẽ gặp khó khăn trong những đợt phát hành mới sau này. Bởi trong một thị trường thứ cấp sôi động, có thể giá thị trường sẽ cao hơn mệnh giá, còn khi thị trường ảm đạm như hiện nay, có thể giá thị trường sẽ thấp hơn nhiều mệnh giá. Do vậy, nếu thị giá xuống thấp dường như lại càng bất lợi hơn cho những nhà phát hành và gây khó cho những lần phát hành sau.
Một câu hỏi khác đặt ra, đó là liệu những nhà đầu tư mới có nhảy vào mua trái phiếu của những doanh nghiệp đang gặp khó khăn? Cần nhấn mạnh lại đây là một sân chơi công khai tuyệt vời nhưng chỉ dành cho những nhà phát hành có khả năng thanh toán tốt, có tình trạng tài chính ổn định, khi đó sẽ sáng cửa trong việc phát hành trái phiếu mới”.
VnEconomy 24/07/2023 10:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30 – 2023 phát hành ngày 24 – 7 – 2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam