Quyển sách của chị Chiến lược sốc – sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản thảm họa được viết từ những cuộc điều tra về chiến tranh Iraq, trận sóng thần tại châu Á, cơn bão Katrina tại New-Orleans và khủng hoảng kinh tế ở Argentina. Có gì giống nhau giữa các sự kiện này?
– Bão Katrina, sóng thần châu Á và chiến tranh Iraq đều có điểm chung là mỗi khi có một tai họa lớn, lập tức đều có cải cách kinh tế dưới dạng “liệu pháp sốc”. Tại Iraq, chính quyền lâm thời Paul Bremer đã đưa ra cải cách ngay từ những ngày đầu tiên chiếm đóng Iraq. Và Joseph Stiglitz đã mô tả nó như một chương trình cải cách kinh tế còn “gốc rễ” hơn cả tại Nga. Tại Sri Lanka, ngay sau trận sóng thần, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á đã rất mạnh dạn áp dụng chương trình cải cách kinh tế nghiêm khắc. Các biện pháp đó đã từng bị bác bỏ trong kỳ bầu cử trước.
Trong cuộc điều tra, tôi đã hỏi trưởng phái bộ cứu cấp của Ngân hàng Thế giới và một nhà phân tích của Ngân hàng Phát triển châu Á, họ không hề giấu giếm ý định lợi dụng cơ hội này để áp đặt các biện pháp mà cuộc bầu cử dân chủ trước đó đã bác bỏ. Đó là việc tư nhân hóa hệ thống điện và nới lỏng thị trường lao động. “Ngoạn mục” nhất là việc khôi phục vùng ven biển, với phần lớn nhà cửa lụp xụp của dân đánh cá. Chính phủ thông qua một đạo luật cấm họ xây dựng lại nhà cửa dọc theo bờ biển để… xây khách sạn thay thế! Chính từ đó tôi đã khai sinh ra cụm từ “chủ nghĩa tư bản thảm họa” (disaster capitalism). Bão lụt tại New-Orleans lại cho tôi một thí dụ khác.
Quĩ Tiền tệ quốc tế đã yêu cầu tư nhân hóa nhiều hơn, và một nhà kinh tế Argentina nổi tiếng còn quả quyết: xứ ông không có khả năng quản lý nền kinh tế của mình, cần phải giao cho… một nhóm chuyên gia người nước ngoài! Bộ Kinh tế & tài chính sẽ bị đóng cửa. Và quyền quản lý kinh tế được giao cho người nước ngoài!Lúc phân nửa thành phố vẫn còn đang ngập chìm trong biển nước, các dân biểu Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã nói đến việc xây dựng khách sạn và khu biệt thự sang trọng, bởi vì bão Katrina đã quét sạch các khu ổ chuột và chung cư tại New-Orleans một cách… lạ lùng! Trái lại, Argentina năm 2002 là một thí dụ khác hẳn: một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, buộc lòng phải cầu cứu đến giải pháp tân tự do
Đó là một thí dụ rõ ràng nhất về cách thức người ta khai thác khủng hoảng để cướp đoạt chủ quyền của một quốc gia. Nhưng chuyện đó đã không thành công, và vì thế trường hợp Argentina là hết sức quan trọng đối với tôi. Việc Argentina bác bỏ chủ nghĩa tân tự do là do nước này đã trải qua nhiều lần khủng hoảng kinh tế, và người ta lắm phen tìm cách áp đặt các giải pháp cải cách mà người dân không hề muốn.
Milton Friedman từng viết trong quyển Chủ nghĩa tư bản và tự do rằng: Chỉ cần một cuộc khủng hoảng, dù giả hay thật, cũng dẫn đến những thay đổi thật! Bằng cách nào “trường phái Chicago” đã áp dụng học thuyết chống – Keynes vào kinh tế và chính trị?
– Tùy từng quốc gia. Chẳng hạn, Chile bị hai cuộc khủng hoảng cùng lúc: đảo chính lật đổ Salvador Allende năm 1973 và siêu lạm phát do nền kinh tế bị phá hoại trên diện rất rộng để gây bất ổn cho chính phủ. Nixon từng nói: phải làm cho nền kinh tế Chile “rống lên” vì đau đớn! Các nhà kinh tế học của chế độ mới Pinochet xuất thân từ Trường đại học Chicago, Hoa Kỳ trước khi đóng vai trò tích cực trong cuộc đảo chính này.
Ngày nay người ta biết “Chicago boys” đã nhúng tay vào, thậm chí còn tìm cách viết lại lịch sử để người ta tin rằng họ vô can trong các sự kiện trước năm 1975. Thật ra chính họ đã kêu gọi đảo chính từ năm 1973 khi quân đội còn đang chuẩn bị lật đổ Allende. Chính các nhà kinh tế được đào tạo tại Hoa Kỳ này đã soạn thảo chương trình kinh tế cho quân đội: hồ sơ này nằm ngay trên bàn của Pinochet vào ngày ông ta lên nắm quyền.
Chile là thí dụ điển hình về việc áp dụng các học thuyết kinh tế của trường phái Chicago: đó là lần đầu tiên người ta dùng cụm từ “liệu pháp sốc” trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thật sự. Ngay sau khi đảo chính, khu vực tài chính đã bị rối loạn, chi phí xã hội bị cắt giảm rất mạnh. Nhưng phải chờ đến năm 1975, khi cuộc gặp giữa Pinochet và Milton Friedman tại Santiago để chính sách tân tự do này đi vào giai đoạn 2, còn “tàn bạo” hơn giai đoạn 1: giảm 30% chi phí xã hội, tự do trao đổi, giải tư ồ ạt và hỗn loạn. Tất cả biện pháp mà ngày nay chúng ta qui kết cho chủ nghĩa tân tự do đều được áp đặt cùng một lúc vào năm 1975.
Có thể xem Chile dưới chế độ Pinochet là phòng thí nghiệm của “liệu pháp sốc” này?
– Không có một âm mưu lớn nào được sắp xếp trong thời kỳ đó. Nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong nhiều năm liền đã huấn luyện cho hàng trăm nhà kinh tế học Chile tại Trường đại học Chicago. Họ được xem như trở về nước để tiến hành cuộc chiến tranh ý thức hệ chống chủ nghĩa xã hội. Trong những năm 1960 và đầu 1970, họ không trở về trong bối cảnh Chile nghiêng rõ rệt theo cánh tả. Phải chờ đến khi đảo chính xong, họ mới tiến hành áp đặt ý tưởng của mình. Pinochet không phải là một nhà kinh tế, nhưng ông ta thích khía cạnh khoa học của học thuyết Milton Friedman, và người ta xem kinh tế không phải là khoa học xã hội mà là khoa học thuần túy.
Ông ta thích được xem xét vấn đề như các qui luật tự nhiên vì đã xem mình như kẻ bảo vệ kỷ cương và luật pháp, chống lại hỗn loạn mà chủ nghĩa xã hội mang lại. Có thể xem đây là một tai nạn lịch sử: các nhà kinh tế học này được chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận công thức của Friedman, và họ cảm thấy trùng khớp với quan điểm của Pinochet. Ông ta giao họ một quyền lực khổng lồ, bổ nhiệm họ vào tất cả các chức vụ chủ chốt, từ ngân hàng trung ương đến Bộ Kinh tế & tài chính.
Và họ đã thành công khi biến Chile thành nơi thí nghiệm các ý tưởng của mình, vốn chưa bao giờ được đưa ra áp dụng thực tế trước đó. Họ tư nhân hóa khu vực an sinh xã hội và trường học. Nhưng điều mỉa mai của cái gọi là “phép lạ Chile” là Pinochet không bao giờ cho phép tư nhân hóa các mỏ đồng mà tổng thống Allende đã quốc hữu hóa. Bởi vì công nghiệp đồng chiếm 80% xuất khẩu của Chile, “liệu pháp sốc” được tài trợ bằng chính tiền của nhà nước
Theo chị, tra tấn có liên can với “liệu pháp sốc” kinh tế. Và chị từng so sánh việc tra tấn châu Mỹ Latin trong những năm 1970 với nhà tù Abu Ghraib và Guantanamo hiện nay. Có trùng hợp gì khi học thuyết quân sự Mỹ tại Iraq được đặt tên là “Shock & awe” – “Sốc & kinh hãi”?
– Có trùng hợp, nhưng việc các nhà chiến lược quân sự và kinh tế sử dụng cùng từ ngữ là một phát hiện lý thú. Tôi từng bị chỉ trích nhiều khi so sánh tra tấn với mô hình kinh tế tân tự do, nhưng nếu người ta đọc được bức thư mà Milton Friedman viết cho Pinochet năm 1975, trong đó ông ta nhấn mạnh phải gây sốc, thì cả thế giới đều phẫn nộ khi biết chế độ Pinochet sử dụng đòn… tra tấn kinh tế!
Nó được giấu giếm bằng ẩn ngữ, do chính các Chicago boys sử dụng. Nó áp đặt ý muốn của mình, bất chấp sự phản kháng, nên phải cần đến bạo lực để trấn áp. Điều này cũng đúng với học thuyết Shock & awe. Ý tưởng cơ bản là phải tiêu diệt cái đang có, để tái xây dựng từ một nền tảng “sạch sẽ”.
Chị có thấy mối quan hệ giữa chấn động ngày 11-9 với học thuyết “nền kinh tế mới”?
– “Nền kinh tế mới” mà tôi gọi là chủ nghĩa tư bản thảm họa, dĩ nhiên khởi đầu với ngày 11-9. Từ 35 năm qua, phái tân tự do khai thác mọi cuộc khủng hoảng có thật và tưởng tượng để truyền bá học thuyết của mình. Ngày 11-9 chỉ là một thí dụ mới nhất của họ.
Thảm kịch New York này tạo ra một không khí cho phép phát khởi một cuộc chiến tranh không kết thúc mà phải gọi là kinh tế mới. Chỉ cần đọc lại các bài diễn văn của ông Donald Rumsfeld ngay trước ngày 11-9, để thấy ông ta muốn thay đổi Lầu Năm Góc tận gốc rễ như thế nào, bằng cách tái tạo cái mà khu vực tư nhân đã làm từ những năm 1990. Đó là điều được nói đến trong quyển sách đầu tiên No logo của tôi: hãy triệt phá tất cả những gì ta có thể. Ngày 10-9-2001, ông ta còn đọc bài diễn văn kỳ lạ nói rằng mình đang gây… chiến tranh với Lầu Năm Góc, và xem nó như… Liên Xô cũ: Tại sao quân đội Mỹ còn cần sử dụng bác sĩ riêng, trong lúc các công ty dịch vụ y tế tư nhân có thể chăm sóc cho binh sĩ?
Tại sao phải xây dựng nhà ở cho họ trong khi khu vực tư nhân có thể đảm trách được? Quan điểm của ông ta về quân đội là một cái vỏ trống rỗng. Vì từng làm việc trong các công ty kỹ thuật cao, ông ta tin rằng trong tương lai quân đội sẽ tiếp nhận kỹ thuật mới của các xí nghiệp. Rumsfeld cũng tin rằng đó là một thị trường cho khu vực tư nhân.
Ngày 11-9 đã tạo môi trường cho học thuyết kinh tế mới này bùng phát. Chính quyền Bush đã nói rõ: Chúng ta sẽ chống lại cái ác bất cứ nơi nào nó có mặt, bất cứ lúc nào. Chúng ta sẽ chi tiền thuế của dân không cần tính toán để đạt mục tiêu này. Nhưng chúng ta sẽ không tự mình tiến hành cuộc chiến tranh này, bởi vì chúng ta sẽ mua từ khu vực tư nhân công cụ và khả năng cần thiết. Hàng ngàn công ty mới, chuyên môn trong lĩnh vực an ninh đã nở rộ sau ngày 11-9.
Nhiều văn phòng lobby mọc lên để mở rộng quyền lợi khu vực an ninh tư nhân bên cạnh chính phủ và giúp các xí nghiệp giành giật hợp đồng. Các phương tiện truyền thông chỉ có thể dám nói về cuộc chiến tranh chống khủng bố, mà không hề động chạm đến vấn đề cốt lõi trong đó là… tư nhân hóa! Kể cả trong lĩnh vực tình báo: chính phủ Bush lập ra một cơ quan tình báo mới mà trong đó 70% là của tư nhân!
“Nền kinh tế mới” này tác động trên hai mặt trận: an ninh nội địa tại Hoa Kỳ, bao gồm kiểm soát biên giới hay quản lý dữ liệu sinh học, và dĩ nhiên là Iraq, phòng thí nghiệm chống khủng bố quốc tế. Tình hình Iraq càng tồi tệ, cuộc chiến được (bị) tư nhân hóa càng sâu. Lúc mở đầu cuộc xâm chiếm Iraq, 1/10 binh sĩ là dân ký hợp đồng.
Bây giờ 180.000 quân tư nhân/160.000 quân chính qui! Các công ty “thầu lại” như Halliburton không ngừng tìm kiếm thị trường mới. Chẳng hạn, Công ty Blackwater đang mở một trung tâm chiến dịch gần biên giới Mexico. Đối với họ, kiểm soát biên giới là miếng mồi béo bở của chủ nghĩa tư bản thảm họa. Halliburton xây dựng các nhà tù tư nhân để đón đầu những luồng di dân bất ngờ đến. Blackwater tuyên bố chuẩn bị lao vào thị trường ngăn ngừa nạn diệt chủng.
Họ chỉ trích LHQ kịch liệt vì không được can thiệp vào Darfur và khoe khoang mình có thể làm được rất nhiều việc. Không hề quá đáng khi nói Iraq là phòng thí nghiệm của kinh tế mới. Các công ty đã thu được kết quả đầu tiên và tìm cách mở rộng sang các thị trường khác. Chẳng hạn Blackwater lao tới New-Orleans sau trận bão Katrina và đề nghị bảo đảm an ninh thay cho cảnh sát!
Chủ nghĩa tư bản thảm họa xung đột với các hình thức chủ nghĩa tư bản hiện đại khác như thế nào?
– Các công ty cổ điển xem khủng hoảng làm rối loạn hoạt động của mình. Nhưng một số lĩnh vực kinh tế luôn khai thác được lợi nhuận từ chiến tranh, thay đổi thời tiết, di dân ồ ạt, khủng hoảng dầu hỏa và nước uống, nạn đói…, nhất là các công ty an ninh tư nhân. Có hai loại thị trường mới xuất hiện: một thị trường về an ninh nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản cho những kẻ có tiền và một thị trường về quản lý di dân, tăng cường giám sát đối với họ. Các thị trường này đang cố gắng thích nghi với những cuộc khủng hoảng hàng loạt.
No logo là gì?
Naomi Klein là nhà báo nữ Canada, sinh ngày 5-5-1970 tại Montreal, Quebec và là một nhà hoạt động đấu tranh cho một thế giới toàn cầu hóa “có khuôn mặt con người” hơn. Cô được xếp hạng 11 trong một cuộc bầu chọn 100 nhà trí thức hàng đầu thế giới trên Internet do tạp chí Prospect phối hợp với Foreign Policy tổ chức năm 2005.
Năm 2000, Naomi Klein xuất bản cuốn sách No logo (Không logo) được dư luận xem như một bản tuyên ngôn chống toàn cầu hóa của các công ty đa quốc gia, thậm chí trở thành một thứ “Kinh thánh” của những người đấu tranh cho phong trào toàn cầu hóa khác (altermondialism). Cuốn sách mô tả sự thống trị của các thương hiệu, tấn công vào nền văn hóa tiêu thụ hàng hiệu bằng cách mô tả hành động mờ ám của các công ty đa quốc gia, tố giác họ đã khai thác sức lao động của công nhân ở các nước nghèo nhất để thu lợi nhuận tối đa. No logo đã trở thành một cuốn sách best-seller với hơn 1 triệu bản được bán hết và được dịch ra 28 thứ tiếng.
Bằng cách vẽ lên hiện trạng của xã hội tiêu thụ, No logo cố gắng giải thích lý do vì sao các nhóm đấu tranh khắp thế giới nhanh chóng xuất hiện và phát triển rộng lớn thành một phong trào toàn cầu chỉ trong một thời gian ngắn vào những năm 1990. No logo vạch rõ hai cơ chế chủ yếu của toàn cầu hóa: 1/ tạo nên một nền văn hóa tiêu thụ chung cho mọi cư dân trên hành tinh, tức thế giới tiêu thụ hàng hiệu; 2/ phi địa phương hóa sản xuất công nghiệp bằng cách chuyển dịch các nhà máy sang các nước đang phát triển mà hệ quả là hình thành một hình thức nô lệ mới đối với công nhân trong những “khu chế xuất”, ở đó người công nhân phải lao động kiệt lực với một mức trả công tồi tệ, và sự biến mất của lao động công nghiệp trong những nước được xem là đã công nghiệp hóa.
Nội dung của cuốn sách xoay quanh “4 không”: no space, no choise, no job và no logo. (không không gian, không chọn lựa, không việc làm, không logo).
Không không gian, bởi không gian đô thị đã bị quảng cáo xâm chiếm khi các công ty đa quốc gia xem việc quảng bá thương hiệu của mình còn quan trọng hơn cả… chính sản phẩm! Các hãng sản xuất ồ ạt đầu tư cho các chiến dịch quảng cáo để áp đặt một suy nghĩ cho rằng sản phẩm của họ cũng và trước hết là cách tiếp cận với những giá trị: một nhãn hiệu X không là một sản phẩm mà là một lối sống, một thái độ, một giá trị, một thời trang, một ý tưởng. Các logo xuất hiện tràn ngập trên đường phố, trên những bức tường, trên xe buýt, nơi mặt tiền của các cửa hàng và ngay trên quần áo của chúng ta.
Không chọn lựa, bởi các hình thức kinh doanh riêng lẻ, địa phương biến mất dần nhường chỗ cho các dây chuyền buôn bán đa quốc gia. Mỗi thương hiệu thông qua việc “nhượng quyền thương mại” đã phát triển ồ ạt các dây chuyền cửa hàng của mình. Như Starbuck đã phát triển từ 165 điểm bán vào năm 1992 lên thành 1.900 điểm bán vào năm 1999 tại 12 quốc gia khác nhau.
Các siêu thị cũng có một bước tăng trưởng ngoạn mục tương tự với hệ thống bán lẻ khắp nơi. Các thủ đoạn để tiêu diệt cạnh tranh diễn ra một cách tàn nhẫn, đôi khi không chút khoan nhượng. Không chọn lựa, đó cũng là ảnh hưởng của các thương hiệu trên tâm trí cùng tính cách của chúng ta: không thể nói là mặc một cái áo veste hàng hiệu nếu như không phải đó là một áo veste của Gap.
Không việc làm, bởi những năm 1990 các nhà máy không còn bán những sản phẩm mà là bán những giá trị. Kết quả là ngân sách và năng lực của nhà máy được tập trung vào quảng bá thương hiệu. Việc sản xuất trở thành thứ yếu và được chuyển sang các nước thế giới thứ ba, ở đó điều kiện lao động trong những “sweatshop” (cửa hiệu mồ hôi) của các “khu chế xuất” là rất tồi tệ và luật lao động gần như không có, thu nhập lại rất thấp. Sự chuyển dịch sản xuất này không hề mang lại lợi ích cho các cư dân địa phương mà chỉ là lợi nhuận cho các công ty đa quốc gia.
Không logo. Do chính phủ các nước tỏ ra bất lực, các cuộc đình công, biểu tình chống toàn cầu hóa của các công ty, thông tin cho người tiêu dùng… đang được xem là những vũ khí của công dân. Trong cuộc đối đầu này, “đế chế của các thương hiệu” cũng có lúc đã phải lùi bước. Naomi Klein thú nhận: “Khi khởi đầu viết cuốn sách này, tôi thật tình không biết sẽ tạo nên một phong trào phản kháng dữ dội nổi lên ở nước ngoài. Nhưng thời gian trôi đi, cái mà tôi nhìn thấy rõ chính là một phong trào hình thành ngay trước mắt mình”. Những cuộc biểu tình tại Seattle và Washington đã chứng minh phong trào sẽ vẫn còn tiếp tục lên cao.