Đồng ThápHàng trăm đại diện doanh nghiệp, đơn vị khởi nghiệp, tổ chức đổi mới sáng tạo quan tâm tham gia buổi tập huấn chủ đề “Du lịch xanh”, sáng 7/11.
Chương trình kéo dài 3,5 tiếng, thuộc khuôn khổ “Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL 2024” (Mekong Startup Forum – MSF), diễn ra trực tiếp tại hội trường UBND tỉnh Đồng Tháp, kết hợp trực tuyến qua Zoom.
Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và các chuyên gia lần lượt cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp tổng quan về chính sách, thực tiễn quốc tế lẫn trong nước gắn với mục tiêu chuyển đổi xanh, bền vững. Cùng với đó là thông điệp dành cho doanh nghiệp du lịch ĐBSCL và các bên liên quan.
Mở màn phần trình bày của mình, Tiến sĩ Bùi Thanh Minh – Phó giám đốc Ban IV – khẳng định chuyển đổi xanh đang trở thành cuộc đua ở cấp độ toàn cầu. Các thị trường quốc tế đã, đang đưa ra loạt yêu cầu khắt khe về sản xuất bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.
Trước đó, Việt Nam và 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050; đến 2030 giảm phát thải metan; tham gia tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng, sử dụng đất; hưởng ứng tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch…
Tiến sĩ Bùi Thanh Minh đề cập chỉ số xanh (PGI) – yếu tố quan trọng hướng đến du lịch xanh, gồm bốn thành phần: giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh; chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Tính đến tháng 10/2024, 10 tỉnh, thành tại Việt Nam có chỉ số xanh cao nhất gồm: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hưng Yên, TP HCM, Tây Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu, Hà Nam, Vĩnh Long.
Tiếp đó, Tiến sĩ Minh nói về loạt khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong mục tiêu giảm phát thải, chuyển đổi xanh; chính sách đặc thù cho ngành du lịch và gợi ý lộ trình cho doanh nghiệp trong nước.
Theo đó, doanh nghiệp có thể thực hiện các giải pháp bước đầu sau: tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong nước lẫn quốc tế về chuyển đổi xanh (ví dụ kiểm kê khí nhà kính); tham gia các chương trình nâng cao nhận thức về chính sách, pháp lý, diễn biến thực tiễn trong xu hướng chuyển đổi xanh; hợp tác (B2B) với các tổ chức, đơn vị tư vấn về giải pháp kỹ thuật, công nghệ, chuyển đổi; chuyển đổi năng lượng, tối ưu hóa quy trình sản xuất và vận hành, tuần hoàn, tái chế.
“Tôi hy vọng doanh nghiệp sẽ bắt đầu từ các dự án giảm phát thải; đẩy mạnh mô hình du lịch xanh, sinh thái, sáng tạo. Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp là điểm mạnh của ĐBSCL”, Tiến sĩ Bùi Thanh Minh đúc kết ba thông điệp.
Tiếp nối chương trình là phần trình bày chuyên gia du lịch Phan Yến Ly. Bà lý chỉ ra du lịch bền vững không chỉ là xu hướng, mà còn là hướng đi tất yếu toàn cầu. Bà lý giải đây là yêu cầu sống còn của cộng đồng doanh nghiệp; mục tiêu này được Chính phủ và loạt tổ chức quốc tế hỗ trợ. Cùng với đó là áp lực từ cộng đồng địa phương; nhận thức về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường tăng cao; thói quen hành vi của du khách thay đổi; lợi ích kinh tế.
Theo bà Yến Ly, du lịch xanh là cách giúp Việt Nam phát triển kinh tế bền vững, nâng cao hình ảnh quốc gia, địa phương lẫn doanh nghiệp. Đó cũng là cách để nước ta bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với khu vực trọng điểm ĐBSCL, du lịch bền vững là tất yếu khi đứng trước áp lực từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng. “Đó cũng là cách để vùng này phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn văn hóa và bản sắc cộng đồng”, bà Yến Ly khẳng định.
Hiện các mô hình xanh phù hợp với ĐBSCL gồm: du lịch sinh thái; du lịch khám phá, mạo hiểm; du lịch văn hóa; du lịch cộng đồng. Bà Yến Ly gợi ý doanh nghiệp ĐBSCL 9 hoạt động cụ thể như sau.
Đầu tiên, tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái gắn với phát triển sản phẩm OCOP.
Thứ hai, tạo xu hướng ẩm thực xanh.
Thứ ba, khuyến khích doanh nghiệp lưu trú sử dụng năng lượng hiệu quả với yêu cầu tiết kiệm, yêu cầu các tiêu chí xanh.
Thứ tư, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử.
Thứ năm, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các phương tiện vận chuyển xanh.
Thứ sáu, ủng hộ các doanh nghiệp lữ hành triển khai các tour “du lịch xanh” gồm: hành trình xanh; hoạt động xanh; lưu trú xanh; phương tiện xanh; ẩm thực xanh; được phục vụ bởi các nhân viên du lịch xanh.
Thứ bảy, tổ chức lễ hội, sự kiện về văn hóa, ẩm thực, làng nghề thủ công, môi trường.
Thứ tám, triển khai các sản phẩm tour hướng đến Net Zero.
Cuối cùng, thực hiện các hoạt động truyền thông quảng bá cho du lịch xanh như: giải chạy bộ gây quỹ bảo tồn thiên nhiên; các cuộc thi trên mạng xã hội tuyên truyền về du lịch xanh; cuộc thi ý tưởng phát triển du lịch xanh; tận dụng các công cụ kỹ thuật số; nghiên cứu về các hoạt động và công nghệ du lịch bền vững; bản đồ du lịch xanh.
Sau phần giải lao, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc văn phòng Ban IV, cho biết hiện cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm các nội dung sau: khái quát loạt văn bản, quy phạm, pháp lý, chính sách ảnh hưởng đến họ; gợi ý các mô hình du lịch xanh đã thành công trong nước lẫn quốc tế; cách làm tiết kiệm năng lượng, tối ưu nguồn vào – ra của nguyên liệu, rác thải.
Ở phần thảo luận, các đại diện doanh nghiệp lữ hành, đơn vị lưu trú, điểm tham quan, đồ lưu niệm thủ công, mỹ nghệ… đặt nhiều câu hỏi liên quan cách nhận diện du lịch xanh, các bước thực hành cụ thể, từ đó đóng góp chung
Bà Thủy cùng các chuyên gia cùng lần lượt giải đáp loạt thắc mắc của doanh nghiệp, chỉ rõ cơ hội, thách thức, định hướng giải pháp nhằm thúc đẩy mô hình kinh doanh mới gắn với kinh tế xanh, kinh tế số.
Chương trình tập huấn và thảo luận có sự tài trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và sự hỗ trợ kỹ thuật của Helvetas Việt Nam cùng Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn (CRED)
Ngoài các lớp tập huấn về chuyển đổi xanh, Mekong Startup lần hai 2024 có nhiều hoạt động hấp dẫn khác gồm: cuộc thi Sáng kiến Mekong 2024 và triển lãm – trưng bày – hội thảo chủ đề “Kinh tế xanh – Động lực mới cho phát triển”. Sự kiện dự kiến thu hút hơn 350 đại biểu từ Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia lẫn doanh nghiệp.
Đông Vệ
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hang-tram-nguoi-du-buoi-tap-huan-chu-de-du-lich-xanh-4813099.html