Giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (31/10) sau khi lập kỷ lục mọi thời đại mới. Tuy nhiên, giá kim loại quý này đã hoàn tất tháng tăng thứ tư liên tiếp nhờ nhu cầu phòng ngừa rủi ro tăng cao trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 41,5 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương giảm gần 1,5%, còn 2.744,4 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Lúc hơn 9h sáng nay (1/11) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 5,5 USD/oz so với giá đóng cửa phiên Mỹ, tương đương tăng 0,2%, giao dịch ở mức 2.749,9 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương 84,3 triệu đồng/lượng, giảm 1,2 triệu đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Trước khi sụt giảm trong phiên ngày thứ Năm, giá vàng giao ngay có thời điểm lập kỷ lục mọi thời đại ở mức hơn 2.790 USD/oz. Cả tháng 10, giá vàng đã tăng khoảng 4%, kéo dài chuỗi tháng tăng bắt đầu từ tháng 7.
“Giá vàng đang tích lũy một chút. Tuần tới sẽ có nhiều tin tức tác động tới giá vàng, gồm cuộc bầu cử ở Mỹ vào ngày thứ Ba và cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày thứ Tư. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi một số nhà giao dịch tiến hành chốt lời”, ông David Meger – Giám đốc phụ trách giao dịch kim loại quý của công ty High Ridge Futures – nhận định.
Vài ngày trước cuộc bầu cử 5/11, các cuộc thăm dò dư luận cử tri Mỹ cho thấy cựu Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris đang có sự chênh lệch không lớn về tỷ lệ ủng hộ. Điều này báo hiệu một bầu cử gay cấn và khó lường vào ngày thứ Ba tuần tới.
Về cuộc họp kết thúc vào ngày 7/11 của Fed, thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 100% Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm.
Đặt cược vào việc Fed giảm lãi suất tăng lên sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy mức tăng 2,1% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này không nằm ngoài dự báo và cho thấy lạm phát đã về rất sát với mục tiêu 2% của Fed. PCE là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng.
Nhà phân tích Rhona O’Connell của công ty StoneX nhận định các yếu tố nền tảng kích thích nhu cầu vàng, gồm căng thẳng địa chính trị và những bất định xung quanh bầu cử Mỹ, vẫn còn đó. Bởi vậy, thị trường vẫn đang trong xu hướng mua vào mỗi khi giá giảm.
“Cả vàng và đồng USD đều đang phát huy vai trò kênh đầu tư an toàn. Đây là một điều hiếm gặp mỗi khi xuất hiện căng thẳng”, bà O’Connell nói.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ngày thứ Năm ở mức 103,98 điểm, giảm nhẹ từ mức 103,99 điểm của phiên trước. Tuy nhiên, chỉ số đã tăng khoảng 1,4% trong tháng 10.
Ngày thứ Sáu, thị trường sẽ có thêm số liệu về số lượng việc làm phi nông nghiệp mới đến từ Bộ Lao động Mỹ. Cùng với số liệu lạm phát mới nhất, báo cáo việc làm này được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyết định lãi suất của Fed.
Trao đổi với trang Kitco News, nhà phân tích cấp cao Ricardo Evangelista của công ty ActivTrades cho rằng nếu số liệu việc làm sắp tới của Mỹ tốt hơn dự báo, điều đó sẽ làm gia tăng khả năng Fed hạ lãi suất với tốc độ chậm hơn. Trong trường hợp như vậy, trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ tiếp tục bị bán mạnh, lợi suất tăng cao hơn và gây áp lực mất giá lên vàng.
Nhận định này được ông Evangelista đưa ra trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giao dịch trên 4,28%, cao nhất 3 tháng. Dù vậy, giá vàng đã duy trì được xu hướng tăng bất chấp lợi suất liên tục đi lên kể từ sau khi Fed hạ lãi suất vào tháng 9.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/gia-vang-sut-manh-sau-khi-lap-dinh-moi.htm