Tôi vẫn luôn nghĩ rằng Bản năng mẫu tử là bản năng cơ bản nhất của một người phụ nữ nói riêng. Nhưng để thể hiện ra điều đó bằng câu chữ, bằng lời nói không dễ, vì những thứ hiển nhiên thường dễ bị bỏ qua. “Trái tim đàn bà” làm được điều đó, một cách thật duyên dáng.
“Mẹ có yêu mùi thối của con không?”. Nó ngồi bô, tần ngần hỏi. Rồi nó nói thêm, chắc chắn: “Mùi thối CỦA CON, mẹ ạ! Nó trong bụng con, chứ không phải ở bụng khác!” Thóc bé bỏng ơi, mẹ thương cả nốt muỗi đốt, cả vết xước măng rô trên ngón tay bé xíu, cả bắp chân lấm lụi buổi chiều về, cả bê bết mồ hôi chua khét, cả vết đái dầm khai khai trong chăm, cả nước miêng loang buổi sáng trên cái gối nhỏ, cả những nức nở ban đêm khi mơ ngủ… nữa chứ.
Rất nhiều lần trong suốt quá trình đọc Trái tim đàn bà, tôi thấy sống mũi mình rất cay, đặc biệt là những đoạn viết thấp thoáng bóng dáng của người mẹ và những đứa con. Không cần lối diễn đạt cầu kỳ hoa mỹ, chính những gì càng gần gũi thân thuộc, càng giản dị thực lòng thì lại càng có sức công phá tâm hồn mạnh mẽ. Xét cho cùng, trên đời này, có còn điều gì có thể tự nhiên và thuần khiết hơn tấm lòng của mẹ dành cho con và tình yêu trong veo mà các em nhỏ trao tặng lại mẹ chúng.
Chỉ bằng câu chữ, Trái tim đàn bà truyền tải được thứ tình cảm xúc động ấy. Và truyền tải một cách xuất sắc.
Tôi ấn tượng với Trái tim đàn bà ngay từ bài viết đầu tiên với cái tựa đọc lên đã êm như lời hát ru. Đọc “Nương tựa ầu ơ”, đọc câu chuyện về chàng trai vượt qua ranh giới sinh tử nhờ lời ru của mẹ, đọc câu chuyển về bà cụ đến ngày quên chính cả tên mình lại vẫn nhớ nguyên vẹn điệu hát ru từ ngày tấm bé, tôi không thể giữ cho trái tim không nghẹn ngào.
Rồi những bài viết tiếp theo: “Bữa của hạnh phúc” về những em nhỏ được sinh ra và lớn lên trong sự yêu thương xa xót hiển hiện của mẹ cha; “Yêu thương nối dài” viết về thứ ADN tình yêu thiêng liêng, được truyền thụ đời đời từ bà ngoại đến mẹ rồi đến con gái…; những bài viết đều gây cho tôi một niềm xúc động mãnh liệt và lập tức liên tưởng đến chính cuộc đời mình. Để rồi nhận ra hóa ra tôi hạnh phúc biết bao vì đã được nếm trải từng đó yêu thương ngọt ngào từ MẸ – đằng đẵng trải dài trong suốt 25 năm qua.
Và không chỉ có mẹ tôi thôi đâu, tôi nhận ra trong từng dòng chữ ấy bóng hình của rất nhiều người phụ nữ tôi đã gặp trong đời. Những người mẹ trẻ như cô bạn thân hay các chị của tôi, những người mẹ trung niên như các bác, các cô, các dì… tôi bắt gặp hết thảy những yêu thương của họ trong “Trái tim đàn bà”. Những nỗi xúc động vụn vặt, những niềm yêu khó diễn tả bằng lời, những hy sinh khó hiểu giờ đây được giải thích ngọn nguồn… hóa ra mọi người mẹ trên thế gian này đều nhang nhác giống nhau ở thứ tình yêu vô điều kiện và lòng xót thương vô hạn ấy.
Tôi vẫn luôn nghĩ rằng Bản năng mẫu – tử là bản năng cơ bản nhất của một người phụ nữ nói riêng. Bản năng mẫu – tử tồn tại trong người phụ nữ ngay cả khi cô ấy chưa lập gia đình và chưa có những em bé của riêng mình. Có lẽ vì thế mà khi đọc những dòng viết về em Thóc bé (con gái tác giả) và thứ tình yêu thuần khiết trong veo của rất nhiều em nhỏ khác dành cho mẹ được thuật lại trong sách, lòng tôi tràn ngập ao ước đến một ngày nào đó tôi sẽ có được một em bé của riêng mình.
Em sẽ yêu tôi bằng thứ tình yêu chân thành và giản đơn giống như tôi đang yêu mẹ. Và tôi cũng sẽ yêu em bằng thứ tình yêu bao la vô điều kiện tựa như tình yêu mà mẹ đang dành cho tôi. Có thể “gọi ra” từng ấy nỗi niềm sâu kín trong trái tim người đọc, tôi tin rằng không phải cuốn sách nào cũng làm được điều đó!
Trạm Đọc
Theo Stylory