Hết lòng nuôi con không tiếc một đồng
Vợ chồng tôi đã cùng nhau nghỉ hưu được 6 năm. Lương hưu mỗi tháng của cả gia đình là 9.000 NDT (29 triệu đồng). Trước đây, vì mải miết đuổi sự nghiệp, chúng tôi chỉ sinh một người con trai.
Được đầu tư học hành, con trai tôi luôn nổi trội so với các bạn cùng trang lứa. Từ tiểu học cho đến năm cấp 3, chúng tôi chưa từng phải lo lắng về việc học của con trai. Đặc biệt trong kì thi đại học, con trai tôi đạt kết quả xuất sắc, thậm chí còn được xuất hiện trên tờ báo địa phương.
Nhận được nhiều lời chúc mừng của mọi người, dĩ nhiên, vợ chồng tôi rất tự hào về con trai mình và thầm yên tâm tuổi già sẽ được an nhàn.
Tuy nhiên, sau nhiều năm lên thành phố học tập, con trai tôi dần có nhiều thay đổi. Số lần về nhà cũng ít hơn. Thậm chí, khi được nghỉ hè, con tôi cũng ít khi về chơi với bố mẹ.
Vợ chồng tôi chưa từng tiếc 1 đồng nào để đầu tư cho con ăn học ở thành phố lớn. Tuy nhiên, mỗi khi gọi điện hỏi thăm con, chúng tôi chỉ nhận về những câu nói vội rồi phải nhanh chóng cúp máy.
Khi con học đại học, chúng tôi dự định sẽ nhờ một vài mối quan hệ để xin việc cho con nhằm gần nhà. Tuy nhiên, con trai lại mong muốn được làm việc ở thành phố nên chúng tôi cũng chiều lòng.
Sau 2 năm đi làm, con trai muốn xây dựng gia đình. Đương nhiên, vợ chồng tôi ủng hộ. Có 300.000 NDT tiền tiết kiệm, chúng tôi cho con để trả trước tiền mua một căn hộ nhỏ ở thành phố. Tôi cũng chủ động cho thêm chúng 100.000 NDT để có tiền xây dựng cuộc sống mới.
Sau khi cưới được 1 năm, con dâu sinh em bé. Thực lòng, tôi muốn lên thành phố để chăm cháu. Tuy nhiên các con luôn tìm cách nói khéo để bà ngoại lên chăm.
Kể từ khi có em bé, gia đình con trai tôi lại càng ít về quê. Nhớ con cũng như nhớ cháu, mỗi khi rảnh, vợ chồng tôi lại ngồi xe 6 tiếng để lên chơi. Đi đi về về cũng mất đến cả một ngày, nhà con trai không đủ chỗ ngủ, chúng tôi lên cũng phải về sau ít ngày.
Tưởng rằng con trai mua nhà báo hiếu là mừng
Đầu năm 2022, con trai tôi bất ngờ gọi điện thông báo rằng đã mua cho vợ chồng tôi căn nhà trên thành phố. Đây thực sự là tin vui mà chúng tôi chẳng thể ngờ đến. Bởi từ giờ vợ chồng tôi được gần con, gần cháu đúng như mong ước đã lâu.
Sau khi nhận được tin vui này, chúng tôi nhanh chóng sắp xếp đồ đạc để chuyển cuộc sống từ quê lên thành phố. Ngôi nhà mà con trai mua cho chúng tôi gồm 2 phòng ngủ, nằm ngay tầng trên căn hộ tụi nhỏ đang sống.
Đã quen với cuộc sống vườn cây áo cá, giờ quanh quẩn trong 4 bức tường, lại toàn hàng xóm mới, chúng tôi cũng có chút buồn. Tuy nhiên, ngày ngày được gặp cháu là niềm vui của chúng tôi.
Tuy nhiên, niềm vui này duy trì không được lâu. Trong tháng đầu tiên, do chưa quen đường xá và việc mua bán, hai vợ chồng tôi xuống nhà con trai ăn cơm. Chúng thường mua sẵn đồ về từ tối hôm trước. Ngày hôm sau, tôi chỉ ở nhà nấu nướng và phụ giúp việc đưa đón cháu đi học.
Sau khi đã quen mọi thứ, vợ chồng tôi tự nấu ăn ở nhà mình. Được vài ngày, gia đình con trai lại xuống nhà tôi ăn cơm bữa tối. Lúc đầu, tôi thấy vui khi gia đình quấn quýt, cùng nhau ăn bữa cơm tối.
Tuy nhiên, chỉ được vài bữa, tôi mới nhận ra con dâu tôi khá kén ăn, luôn đòi hỏi phải nấu những món đắt đỏ. Để thoả mãn yêu cầu, chi phí ăn uống mỗi tháng của vợ chồng tôi cũng tiêu tốn đến cả ⅓ lương hưu, khoảng 3.000 NDT.
Không chỉ chuẩn bị bữa tối, sáng nào, tôi cũng phải xuống nhà các con để đưa đồ ăn sáng cho cháu trai. Sau đó, chúng tôi lại đưa cháu đến trường. Thậm chí, chúng tôi còn dọn dẹp, thu dọn quần áo cho các con. Vì có vợ chồng tôi lo hết nên gia đình con trai dường như ỷ lại tất cả.
Trước khi lên thành phố ở, mỗi tháng vợ chồng tôi đều trợ cấp cho con trai 1.800 NDT. Số còn lại của lương hưu vẫn đủ để chúng tôi chi tiêu dư dả và để ra một khoản tiết kiệm.
Tuy nhiên, khi lên thành phố, con trai lại đòi vợ chồng tôi trợ cấp đến 3.000 NDT/tháng. Sống ở thành phố mới cảm nhận được cuộc sống đắt đỏ, chúng tôi cũng gật đầu đồng ý.
Lương hưu được 9.000 NDT, chi tiêu và trợ cấp cho các con hết khoảng 6.000 NDT. Chúng tôi tính toán mình vẫn còn dư dả khoảng 3.000 NDT nên cũng yên lòng.
Tuy nhiên, không ngờ những tháng sau đó, con trai lại thường xuyên nhờ vợ chồng đóng giúp tiền điện, nước, thậm chí cả tiền dịch vụ trong chung cư. Đôi khi, xuống nhà thấy cháu hết sữa, vợ chồng tôi lại chủ động đi mua.
Sau khoảng 1 năm chuyển lên thành phố sinh sống, vợ chồng tôi nhận ra mình chẳng để dành được khoản tiết kiệm nào. Thậm chí, lên thành phố ở, chúng tôi cảm thấy mình như người giúp việc của gia đình con trai. Từ sáng đến tối, chúng tôi hết đưa cháu đi học, lại về chuẩn bị cơm nước, rồi dọn dẹp nhà cửa. Tưởng rằng sống gần con cháu, chúng tôi sẽ vui vẻ mà khoẻ ra.
Thực tế hoàn toàn trái ngược, chúng tôi thường xuyên đau ốm do vất vả làm đủ thứ việc. Lại chẳng có hàng xóm để chuyện trò nên người lại càng sinh bệnh.
Người ngoài nhìn vào, tưởng rằng chúng tôi có cuộc sống đáng ghen tị khi được các con báo đáp bằng cả căn nhà trên thành phố. Song câu chuyện bên trong chẳng như mọi người nghĩ.
Sau 1 năm lên thành phố sống gần con, vợ chồng tôi quyết định khăn gói về quê. Lúc này, chúng tôi nhận ra cuộc sống với những người hàng xóm lâu năm và sinh hoạt dưới chính căn nhà của mình bao giờ cũng thoải mái nhất. May mắn, chúng tôi không vội bán căn nhà ở quê nên vẫn còn đường lui khi nhận ra sống gần con cái không như mơ.
Bài viết trên là dòng tâm sự của Lâm Thư Dung, 61 tuổi đang được chia sẻ trên nền tảng Toutiao.