Phan Đăng Hoàng – nhà thiết kế Việt đầu tiên ra mắt BST ở Milan Fashion Week, Italy – nói tự tìm cơ hội lên sàn diễn quốc tế chứ không ai “chống lưng”.
Cuối tháng 9, Phan Đăng Hoàng ra mắt bộ sưu tập Ceramics tại Milan Fashion Week 2025. Anh nói về chặng đường chinh phục giấc mơ thời trang, định hướng phát triển bản thân.
– Cảm xúc của anh khi giới thiệu bộ sưu tập tại sàn diễn quốc tế?
– Tôi hạnh phúc vì chạm đến giấc mơ đặt chân lên một trong bốn kinh đô thời trang lớn nhất thế giới, sau 10 năm làm nghề. Khoảnh khắc chào kết, lúc vào hậu trường, tôi khóc khi nghe tiếng vỗ tay của gần 200 khán giả.
Sự kiện mang ý nghĩa lớn với tôi bởi ghi nhận nỗ lực cá nhân. Tôi còn lan tỏa văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế thông qua bộ sưu tập. Tôi nhớ mãi lúc hội ngộ “bà đầm thép” Anna Wintour sau sự kiện. Ba lần trước đó khi gặp mặt, tôi không có nhiều cơ hội để nói chuyện. Lần này, khi được nghe những lời động viên từ bà, tôi càng có niềm tin vào chính mình và công việc theo đuổi. Nhiều năm qua, Anna Wintour tạo cho tôi rất nhiều cảm hứng, nhất là nguồn năng lượng, kiến thức, tầm nhìn về thời trang của bà.
>>> Bộ sưu tập “Ceramics” của Đăng Hoàng trên sàn diễn ở Milan
– Anh trải qua khó khăn gì trong quá trình hoàn thiện bộ sưu tập?
– Tôi nộp hồ sơ cho ban tổ chức Milan Fashion Week một năm trước và nhận được lời mời tham gia trước khi mùa mới khởi động khoảng ba tháng. Mọi thứ gấp gáp nhưng tôi không thể bỏ lỡ cơ hội, dốc sức lực để thực hiện bộ sưu tập.
Tôi tham gia hầu hết công đoạn như vẽ phác thảo, chọn chất liệu, lên phom, lắp ráp. Mỗi ngày tôi làm việc khoảng 18 tiếng, nhiều đêm mất ngủ, sụt cân. Tôi có ngoại hình khá nhỏ nên mọi người xung quanh thắc mắc “không biết Hoàng lấy đâu ra năng lượng để cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò”.
Sự kiện lần này tổ chức tại địa điểm lịch sử của Thành phố Milan – Cung điện Hoàng gia Milan (Royal Palace of Milan) – càng khiến tôi bị áp lực. Tôi phải đảm bảo với ban tổ chức về tính thẩm mỹ, đồng thời toát lên phong cách cá nhân.
Mọi cuộc họp với đơn vị tổ chức diễn ra online, thường bị lệch múi giờ. Giữa tháng 9, tôi đến Milan một mình. Hôm lên đường, tôi vật lộn với nhiều kiện trang phục tại sân bay. Tôi tự casting người mẫu thông qua các công ty tại Italy. Hôm trình diễn, tôi nhận sự hỗ trợ của một số nhân viên hậu trường.
– Anh nói gì trước ý kiến “Phan Đăng Hoàng nhiều tiền, có người hậu thuẫn mới giành được suất diễn”?
– Tôi chẳng có gì ngoài đôi tay biết phác thảo bản vẽ, cái đầu thích sáng tạo và sự kiên trì trong công việc. Tôi không bỏ tiền để mua suất diễn hay có ai đó “chống lưng”. Với các show chính thức tại Milan Fashion Week, nhà thiết kế tiền nhiều cũng khó bước lên sàn runway nếu không vượt qua được vòng xét hồ sơ, đánh giá chuyên môn của đội ngũ xét duyệt.
Tôi mất ba năm để từng bước giới thiệu bản thân tới tổ chức như dự các mùa Milan Fashion Week trước đó, hai lần giới thiệu bộ sưu tập cá nhân dưới hình thức digital show. Tôi cũng thể hiện mọi thế mạnh trong lý lịch. Tôi nghĩ hội đồng thấy được phong cách lẫn sức trẻ ở tôi để trao cơ hội.
Bố mẹ tôi là viên chức nhà nước rất bình thường. Tôi du học nhờ đạt học bổng, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình rất nhiều. Trong nhiều năm làm nghề, tôi từng sống trong một căn phòng chưa đến 30 m2 thuộc một khu tập thể ở Hà Nội trước khi vào TP HCM lập nghiệp gần đây. Hiện tôi vẫn còn thuê nhà, cuộc sống diễn ra đơn giản mỗi ngày.
– Nhìn lại 10 năm làm nghề, anh thấy mình thay đổi những gì?
– Từ một họa sĩ trẻ vẽ tranh truyền thần, tôi may mắn được mọi người biết đến thông qua mạng xã hội. Đến nay, tôi vui khi nhiều người đã công nhận mình là nhà thiết kế chuyên nghiệp.
Tôi trải qua nhiều giai đoạn khó khăn để giữ đam mê. Tôi từng không giỏi tiếng Anh cho đến khi phấn đấu có bằng IELTS 5.5 để đi du học. Khoảng thời gian ở nước ngoài, có lúc tôi cô đơn, mệt mỏi, muốn từ bỏ nhưng khi nghĩ về sự kỳ vọng của nhiều người, tôi lại vực dậy tinh thần.
Hồi năm nhất đại học, lần đầu về nước, tôi sụt 11 kg, khiến bố mẹ hốt hoảng. Có thời điểm do thường xuyên thức khuya, ăn uống thiếu điều độ, stress, tôi bị viêm loét dạ dày nặng, mất một năm để chữa trị. Sau tốt nghiệp, tôi chọn về nước để hoạt động. Môi trường thời trang tại Việt Nam khác biệt so với Italy, do đó tôi phải học cách thích ứng.
Dù thế, tôi chưa bao giờ hối tiếc hay thiếu hài lòng về kết quả đạt được. Tôi trân trọng các thử thách vì giúp mình trưởng thành. Khi chọn nghề này, điều tôi đặt lên đầu là thỏa đam mê. Với tôi, sự nổi tiếng sẽ đến sau cùng khi tài năng lẫn giá trị tạo ra được mọi người công nhận.
– Gia đình nói gì trước thành công bước đầu của anh?
– Tôi sinh ra trong gia đình có tình yêu với nghệ thuật khi ông bà ngoại từng là họa sĩ – thành viên thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam, còn mẹ học sư phạm nhạc. Khi biết tôi định hướng theo đuổi thời trang, họ ủng hộ.
Bố mẹ hy sinh cho tôi rất nhiều. Họ từng sống tằn tiện như chẳng dám mua một bộ đồ vì dành tiền để sắm cho tôi hộp búp chì màu giá vài triệu đồng. Mỗi khi nghĩ về điều đó, dù cực khổ, tôi không cho phép mình bỏ cuộc.
Trước thành tựu bước đầu trong nghề của tôi, bố mẹ tự hào, thường chia sẻ niềm vui với bạn bè. Tuy nhiên, họ dặn tôi không được tự cao. Đến nay, điều tôi học hỏi lớn nhất từ người thân là sự khiêm nhường. Mẹ dặn tôi câu “Lúa chín cúi đầu, sông sâu tĩnh lặng” với nghĩa sống ở đời cần khiêm tốn, biết lắng nghe, yêu thương. Hiện tôi tin bố mẹ đã phần nào bớt lo lắng về mình.
– Hiện thách thức trong nghề của anh là gì?
– Tôi đã vượt qua giai đoạn đi tìm câu trả lời rằng “Phan Đăng Hoàng là ai?” hay “mình sẽ làm được gì trong làng mốt?”. Tôi phải vượt qua những gì bản thân đã đạt, tạo sự mới mẻ qua các bộ sưu tập. Trong nghệ thuật, tôi hiểu ranh giới giữa thành công – thất bại khá mong manh, tuy nhiên điều quan trọng là không bao giờ đánh mất niềm tin, sự kiên trì.
Nhiều năm qua, cảm hứng sáng tạo thời trang của tôi đến từ yếu tố văn hóa như hội họa, kiến trúc, điêu khắc, gốm sứ. Tôi từng ra các bộ sưu tập bắt nguồn từ tranh Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ hay nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị – những người Việt tài hoa nổi tiếng ở nước ngoài. Tôi xem đây là nền tảng để thế hệ sau phát huy, kế thừa. Qua từng dự án, tôi muốn cho bạn bè thế giới thấy một Việt Nam đa dạng bản sắc, giàu truyền thống.
Ngoài ra, tôi phải hài hòa giữa sáng tạo cá nhân với nhu cầu thị trường, yếu tố nghệ thuật và tính thương mại. Thời gian tới, tôi muốn làm show trong nước nhiều hơn để đưa thương hiệu cá nhân phát triển, gần gũi hơn với công chúng.
Phan Đăng Hoàng quê Nghệ An, được biết tới với loạt tranh chân dung nghệ sĩ Việt. Anh từng nhận học bổng tài năng chuyên ngành thiết kế thời trang của Đại học Nouva Accademia Di Belle Arti (NABA) năm 2018 và tốt nghiệp bằng xuất sắc. Theo BOF, NABA từng được bình chọn là một trong 20 trường thiết kế thời trang danh giá nhất thế giới.
Anh từng giới thiệu các bộ sưu tập như A Dose Of Yoy, La Peinture (Bức họa)… Tổng biên tập Vogue Mỹ Anna Wintour và siêu mẫu Naomi Campbell từng đến xem buổi giới thiệu Quintessence tổ chức tại Italy hồi tháng 9/2021. Một số tác phẩm của nhà thiết kế trẻ từng xuất hiện trên các tạp chí nước ngoài, trong đó có Vogue Italy.
Tân Cao
Nguồn tin: https://vnexpress.net/phan-dang-hoang-co-tien-cung-khong-mua-duoc-suat-o-milan-fashion-week-4801238.html