Trong phần cuối cùng của series bài viết xoay quanh tác phẩm kinh điển “Chính trị luận”, hãy cùng tìm hiểu những quan điểm của Aristotle về giáo dục và lý tưởng chính trị.
Quốc gia lý tưởng
So với các phần trước, thuần túy về mô hình chính trị và lập luận thì ở chương về giáo dục, Aristotle trở lại với các chiêm nghiệm về cuôc sống:
“Những ai muốn tìm hiểu mô hfinh chính quyền nào là mô hình tốt đẹp nhất, trước hết phải xác định xem một cuộc đời đáng sống nhất là một đời sống như thế nào. Khi ta còn chưa biết chắc về điều này, thì ta cũng không biết chắc được cái mô hình chính quyền nào là tốt đẹp nhất. Tuy nhiên trong trật tự của thiên nhiên, ta có thể đoán được những người sống một đời sống tốt đẹp là những người được sống trong một chính thể tốt dẹp nhất mà hoàn cảnh cho phép. Do đó, trước hết, ta nên xác định thế nào là một cuộc đời đáng sống, và xem xét một đời sống như vậy có phải là một đời sốn tốt đẹp nhất cho cả cá nhân và chế độ hay không?
Aristotle kết luận, những người còn độc ác và tham lam thì không thể có cuộc sống hạnh phúc. Chỉ những người có đức hạnh, tức là những người có đời sống tinh thần cao, mới có được hạnh phúc. Vậy thì, một xã hội được gọi là tốt đẹp một cách lý tưởng là xã hội đạt tới các đức hạnh tinh thần và người dân có đầy đủ thể chất, vật chất để thực hiện những đức hạnh đó.
Hạnh phúc của các cá nhân cũng phản ánh lên hạnh phúc của một quốc gia. Khi một quốc gia đề cao sự giàu có của vật chất tức là các cá nhân của quốc gia ấy cũng đang quan niệm rằng sự giàu có mang lại hạnh phúc. Tương tự như thế với uy quyền hay đức hạnh. Một chính quyền khôn khéo sẽ biết cách điều phối các quan điểm về hạnh phúc để thích hợp với tất cả các cá nhân. Và quan trọng, những người nắm chính quyền phải là người đề cao đức hạnh chứ không phải là vật chất hay uy quyền.
Có một mâu thuẫn trong vấn đề đức hạnh, đó là tự do và đời sống chính trị. Luôn có mâu thuẫn giữa hai đời sống này, và phe nào cũng có đủ lập luận để thuyết phục rằng đời sống ấy là đáng sống nhưng Aristotle thì cho rằng người thật sự có tài đức siêu tuyệt là người vừa có đức hạnh vừa có khả năng hành động.
Trong phần này, Aristotle đưa ra một định nghĩa về một quốc gia lý tưởng, rất khác biệt với các tư duy chính trị thời bấy giờ. Quan niệm về một quốc gia tốt của thời bấy giờ về một quốc gia mạnh đó là phải có dân số đông và lãnh thổ rộng lớn, nhưng một quốc gia chỉ có thể phát triển tốt nhất khi nó được tận dụng tất cả các tính năng và vai trò của nó. Một nước đông dân thường dẫn khó cai trị bằng pháp luật và dễ dẫn đến bất ổn. Diện tích lãnh thổ của một quốc gia không cần quá lớn, nhưng đất đai phải đủ để cung cấp nông phẩm và dân sống thoải mái.
Địa thế của một quốc gia được gọi là lý tưởng khi nó đủ hiểm trở để ngăn giặc nhưng đủ thuận tiện cho dân cư đi lại, và đặc biệt là dễ quan sát. Thủ đô của một quốc gia thì cần phải ở chỗ thuận tiện giao thông cả đường bộ và đường thủy, để có thể vừa là trung tâm quân sự vừa là trung tâm thương mại.
Aristotle rất phản đối các quan điểm biến quốc gia của mình thành địa điểm buôn bán của bốn phương. Giao thương buôn bán với nước ngoài quá nhiều sẽ khiến việc cai trị gặp khó khăn và các nguy cơ về quốc phòng. Đương nhiên, một nước có cảng biển sẽ thuận tiện cho phát triển và phòng thủ hơn nhiều so với một nước không có cảng. Việc trao đổi buôn bán các mặt hàng với nước ngoài cũng là điều cần thiết, nhưng không nên để các mặt hàng nước ngoài lấn lướt hàng nội địa.
Ông cho rằng: “Thực ra một nước nên trở thành một thị trường để đáp ứng nhu cầu của chính mình, chứ đừng nên trở thành một thị trường cho những nước khác vào buôn bán. Những nước trở thành thị trường cho thế giới buôn bán là những nước nhằm tìm kiếm lợi nhuận, nhưng một nước không nên tìm kiếm những lợi nhuận như vậy, bởi thế, một quốc gia không nên biến mình thành nơi thị tứ cho thế giới”. Thiết kế tường thành ở cảng biến phải có tính phòng thủ cao và các luật lệ phải chặt chẽ để chắn những ảnh hưởng xấu do nước ngoài mang đến.
Chất lượng dân cư cũng là yếu tố Aristotle coi trọng, mà giá trị ông đề cao chính là lòng yêu chuộng tự do và sự khôn ngoan. Ông cho rằng, người dân ở phương Bắc sống tự do nhưng thiếu khôn ngoan, còn người dân ở phương Đông khôn ngoan nhưng thiếu đi nhiệt huyết, vì thế, người Hy Lạp ở giữa, có được đặc tính ở cả hai.
Việc phân chia giai cấp được Aristotle ủng hộ. Ông cho rằng công dân thì nên cho sở hữu đất đai và vũ trang để họ tự bảo vệ đất của mình. Nhưng các công dân đó thì không nên làm nghề nông. Để làm nghề nông, tốt nhất là đi bắt người chủng tộc khác thấp kém hơn, quen với đời sống nô lệ để làm nghề nông.
Cũng trong chương này, ông giới thiệu rất nhiều các mô hình về quy hoạch đô thị theo kiểu Hippodamus, quy hoạch chiến lũy, hải cảng, cách thiết kế các địa điểm ăn chung, v.v… Nhưng quan trọng hơn hết, để điều hành các đô thị ấy, pháp luật cần phải công chính.
Ông không cho rằng một nhà cầm quyền nên kéo dài quyền lực của mình mà nên thay đổi theo nhiệm kỳ, vì trên thực tế người cai trị đa phần cũng chẳng khá hơn người dân là mấy. Thay phiên nhau làm quan, làm dân thường… là cách thức để hệ thống vận hành trơn tru hơn, tránh tình trạng kẻ bất tài nắm quyền lâu dài.
Aristotle khác với Hippodamus, ông luôn chia sự vật và sự việc thành hai thái cực. Tinh thần con người, theo ông được chia thành lý trí và lý tính (thường chúng ta hay nhầm hai khái niệm này với nhau). Lý trí là tư duy, còn lý tính cao hơn cả lý trí bởi đó thứ dẫn hướng hành động và tư duy. Đời sống con người cũng được chia làm hai loại là ”công việc và thư nhàn, hay chiến tranh và hòa bình”. Việc một ai đó lựa chọn hành động như thế nào là dựa trên sự dẫn dắt của lý tính. Người dân trong một nước lý tưởng phải có khả năng chiến đấu trong chiến tranh và khả năng thư nhàn trong hòa bình, họ phải vừa là một công dân tốt và hướng tới việc là một người tốt.
Aristotle đồng ý với các nhà lập pháp khác về vấn đề giáo dục tuổi trẻ nên là mối quan tâm hàng đầu, vì khi giáo dục xuống cấp thì cơ cấu chính trị sẽ bị phá vỡ. Nền giáo dục là công cụ của nhà cầm quyền để phục vụ mô hình chính trị, và do đó phản ánh toàn bộ đặc tính của mô hình ấy. Do đó, một nền chính trị tốt chắc chắn sẽ có mô hình giáo dục tốt.
Aristotle cổ vũ mô hình giáo dục công lập và phản đối giáo dục tư nhân, vì giáo dục tư nhân không nhắm đến “những điều mang lại lợi ích chung cho mọi người”. Không thể lập luận rằng vì mỗi cá nhân khác biệt nên giáo dục khác nhau được, vì một phần tử không thể tách khỏi cộng đồng. Vấn đề ở chỗ, nền giáo dục công lập này nên được tổ chức như thế nào và hướng tới cái gì. Người dân kỳ vọng nền giáo dục hướng tới điều hữu ích trong cuộc sống, nhưng có phải điều hữu ích nào cũng nên được dậy hay không? Có điều hữu ích hạ tiện và có điều hữu ích cho người tự do. Aristotle cho rằng chỉ nên dạy cho trẻ những ngành nghệ thuật hay khoa học giúp cho thể chất và tâm trí trở nên cao cả. Ông bài trừ việc dạy những gì giúp trẻ con sau này lớn lên đi làm nghề nhận lương, vì cho rằng những thứ đó làm thui chột cả thể chất và tinh thần.
Thời bấy giờ ở Hy Lạp thường có 4 môn học: đọc viết, thể dục, âm nhạc và hội họa. Trong 4 môn học này, đọc viết và vẽ được xem là hữu ích cho cuộc sống, còn thể dục là để rèn luyện lòng can đảm. Riêng âm nhạc, ông cho biết, nhiều người vẫn hoài nghi về độ hữu ích, thậm chí còn bị xem là giải trí. Aristotle khẳng định lại, âm nhạc rất cần thiết, cần thiết cho sự thư nhàn, và “nguyên tắc đầu tiên của mọi hành động là sự thư nhàn”, thậm chí, sự thư nhàn còn quan trọng hơn cả nghề nghiệp. Thư nhàn là lúc để có những trải nghiệm tinh thần và hướng tới điều cao cả hơn. Môn đọc viết không nên chỉ coi như việc hữu ích trong xã hội mà là phương tiện để thu thập thêm nhiều kiến thức. Tương tự như vậy, hội họa không chỉ dừng ở phân biệt thật giả để tránh bị lừa gạt khi mua bán, mà nên tập cho chúng khả năng quan sát và trình độ thẩm mỹ. Bởi thế, nếu cái học chỉ hướng tới sự hữu ích thi vẫn cứ là thấp kém, cái học phải hướng tới tự do và thăng hoa.
Aristotle còn dành hẳn một chương để bàn về âm nhạc, về việc tại sao phải giáo dục âm nhạc trong nhà trường. Âm nhạc với ông, không phải đơn thuần là trò “tiêu khiển và thư giãn” như “ngủ nghê và uống rượu”. Ông cho rằng “âm nhạc dẫn đến việc hình thành đức hạnh, vì âm nhạc có thể uốn nắn được tâm trí và làm cho ta cảm được niềm vui thú thực sự”, và hơn cả thế, “âm nhạc làm tâm hồn ta hân hoan”. Đó chính là “cứu cánh hoàn hảo”, là lý do quan trọng để bộ môn âm nhạc tiếp tục ngự trị nền giáo dục. Ngoài ra, “Tiết điệu và âm điệu của âm nhạc mô phỏng được sự dịu dàng và phẫn nộ, cũng như sự can đảm và twj chủ, cũng như tất cả những tính cách tương phản với đức tính này, những tính cách rất giống với tình cảm thực sự ta từng cảm nhận được, vì khi nghe những âm điệu như vậy, tâm hồn ta cũng thay đổi theo.”
Điểm đặc biệt của các chương bàn về giáo dục của Aristotle đó là ông nói rất nhiều về âm nhạc và chơi đùa. Ngay sau chương bàn về âm nhạc, ông lại dành một chương khác về việc có nên dậy trẻ con tập nhạc và chơi đùa không. Aristotle đồng ý với việc dậy trẻ em thực tập nghệ thuật, nhưng ông phản đối việc trẻ em tập đến mức độ chuyên nghiệp, bởi nghệ thuật chuyên nghiệp thì không hướng con người ta đến giá trị tinh thần nữa mà là để mua vui. Và chính sự chuyện nghiệp ấy lại tạo nên sự thô lậu.
Đọc các chương về giáo dục của Aristotle, ta có thể tổng kết lại rằng, mô hình lý tưởng của ông dường như không phải chỉ thiên về trau dồi kiến thức mà quan trọng là tăng khả năng thẩm mỹ và đặc biệt là bay bổng cùng âm nhạc. Các ý tưởng về việc giáo dục âm nhạc của ông đã kết thúc cuốn Chính trị luận ở một thang bậc cao vời vượt trên cuộc sống.
Theo Book Hunter
Hà Thủy Nguyên