Bộ Giao thông vận tải vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới – Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn chuyển sang đầu tư theo quy mô cao tốc 4 làn xe thay vì đầu tư phân kỳ 2 làn xe như phương án ban đầu.
CHUYỂN SANG ĐẦU TƯ QUY MÔ 4 LÀN XE
Tỉnh Bắc Kạn có vai trò quan trọng về kinh tế, quốc phòng – an ninh, là vùng an toàn khu cách mạng (vùng CT229) và là khu vực có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, đời sống kinh tế còn khó khăn, nhiều tiềm năng phát triển về du lịch như: hồ Ba Bể, chiến khu ATK…, nông lâm sản nhưng chưa được khai thác. Hiện nay, điều kiện kết nối tỉnh Bắc Kạn với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng thực hiện duy nhất theo tuyến Quốc lộ 3, quy mô hạn chế, điều kiện địa hình, thủy văn không thuận lợi, rất khó để mở rộng.
Do nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 hạn chế nên dự án đã được nghiên cứu, phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô 2 làn xe. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 29/TB-VPCP ngày 15/2/2023, số 63/TB-VPCP ngày 2/3/2023, cập nhật các định hướng quy hoạch tỉnh, định hướng phát triển kinh tế-xã hội liên quan nên dự án chuyển sang đầu tư với quy mô quy hoạch 4 làn xe.
Tuyến đường được đầu tư xây dựng sẽ kết nối tuyến cao tốc hướng tâm Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn tạo nên hệ thống giao thông thuận lợi từ vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội và các cảng biển phía Bắc đến các cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng; kết nối thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể – Na Hang (Tuyên Quang) và liên kết với các tuyến cao tốc: Tuyên Quang – Hà Giang, Tuyên Quang – Phú Thọ, Nội Bài – Lào Cai; các hệ thống đường địa phương nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa, hành khách, giảm thời gian vận chuyển, đảm bảo an toàn giao thông.
Đồng thời, tuyến đường phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, báo cáo nêu rõ dự án có tổng chiều dài 28,8 km với điểm đầu tại Km0 (kết nối với tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới), xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới; điểm cuối tại Km28+807 (giao với Quốc lộ 3B, kết nối với điểm đầu dự án đường Bắc Kạn – hồ Ba Bể), TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.
Từ Km0, tuyến đi về phía bên trái đường Thái Nguyên – Chợ Mới, bám theo sông Cầu, đi tránh nhà máy Misaki, đi dọc bên trái sông Cầu đến xã Nông Hạ huyện Chợ Mới; tuyến vượt sông Cầu, Quốc lộ 3, đi qua các xã Thanh Mai, xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới), xã Nông Thượng, phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn); vuốt nối với Dự án đường Bắc Kạn – hồ Ba Bể tại TP. Bắc Kạn.
Giai đoạn tiếp theo, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với tỉnh Bắc Kạn rà soát để cụ thể hóa chi tiết hướng tuyến bảo đảm hiệu quả đầu tư; cập nhật phương án tuyến vào quy hoạch có liên quan để kết nối thuận tiện với các khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp…
“Theo quy hoạch, điểm cuối tuyến cao tốc tại Km28+400 nhưng do tuyến cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng chưa đầu tư, để phát huy hiệu quả, bảo đảm kết nối tuyến cao tốc với hệ thống giao thông khu vực nên đề xuất đầu tư trong dự án đoạn vuốt nối từ điểm cuối quy hoạch đến tuyến đường Bắc Kạn – hồ Ba Bể tại Km28+807, chiều dài khoảng 0,4km”, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn vốn, hiệu quả đầu tư, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị phương án đầu tư theo quy mô quy hoạch 4 làn xe, nền đường rộng 22m, mặt đường rộng 20,5m, đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ thiết kế 80km/h, một số đoạn có điều kiện địa hình thuận lợi nghiên cứu thiết kế yếu tố hình học theo cấp tốc độ thiết kế 100km/h.
Đối với tuyến vuốt nối với đường Bắc Kạn – hồ Ba Bể sẽ thiết kế theo quy mô đường cấp III, nền đường 12m, mặt đường 11m, đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2035.
Tuyến đường sau khi đầu tư có chiều dài khoảng 28,8km, kết nối với tuyến Hà Nội – Thái Nguyên (đã đầu tư theo quy mô cao tốc bằng nguồn vốn ODA, không thu phí) bằng tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới (quy mô 2 làn xe và đầu tư theo hình thức BOT và đang trong giai đoạn thu phí hoàn vốn).
Cả 2 tuyến Hà Nội – Thái Nguyên và Thái Nguyên – Chợ Mới đều chưa đầu tư hệ thống giao thông thông minh nên chưa cần thiết đầu tư hệ thống giao thông thông minh và trạm thu phí.
Hệ thống giao thông thông minh và trạm thu phí sẽ thực hiện đầu tư đồng bộ với tuyến Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn khi tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới được nâng cấp theo quy hoạch cao tốc 4 làn xe.
RÓT HƠN 5.750 TỶ ĐỒNG TỪ VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Với quy mô đầu tư như trên, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là khoảng 5.750 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng 4.146 tỷ đồng; chi phí tư vấn, quản lý dự án 414 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 490 tỷ đồng; chi phí dự phòng 700 tỷ đồng.
Tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 285,5 ha, trong đó: đất trồng lúa khoảng 38,69 ha; đất ở khoảng 23,62 ha; đất trồng cây hàng năm khoảng 16,38 ha; đất nuôi trồng thủy sản 5,2 ha; đất khác khoảng 17,35 ha; đất rừng là 184,24 ha (trong đó đất sản xuất 184,24 ha (trong đó rừng trồng 165,47 ha, rừng tự nhiên 18,77 ha), rừng phòng hộ 0 ha, rừng đặc dụng 0ha. Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 791 hộ, số hộ tái định cư khoảng 71 hộ.
Do vai trò quan trọng của dự án, tính khả thi trong việc đầu tư dự án theo hình thức PPP, Bộ Giao thông vận tải đề xuất hình thức đầu tư dự án là đầu tư công và hiện dự án được bố trí 1.815,3 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Ủy ban nhân dân các cấp thuộc tỉnh Bắc Kạn có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất. Tập trung, ưu tiên triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng đối với một số hạng mục khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án như: Khu vực đông dân cư, khối lượng đào đắp lớn, công trình cầu, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật…
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, tuyến cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, đời sống người dân còn nhiều khó khăn cần có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và hiện nay lưu lượng chưa lớn nên phương án tài chính không khả thi nếu thực hiện đầu tư theo hình thức PPP sẽ khó thu hút được các nhà đầu tư.
Thực tế hiện nay, đối với đoạn tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới thực hiện đầu tư theo hình thức BOT, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn và Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý tháo gỡ khó khăn cho dự án này.
Đối với phần kinh phí còn thiếu, dự kiến sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, trong đó, dự kiến bổ sung 3.734 tỷ đồng để đảm bảo đủ tổng mức đầu tư là 5.751 tỷ đồng để đầu tư dự án với quy mô 4 làn xe được Bộ Giao thông vận tải tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận vào tháng 3/2023.
Như vậy, tổng mức đầu tư của dự án phù hợp với mức vốn dự kiến phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025, giai đoạn 2026 – 2030 của Bộ Giao thông vận tải và dự kiến được bổ sung từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, đảm bảo khả năng cân đối vốn cho dự án.
Do tính chất quan trọng của dự án, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Bắc Kạn sẽ triển khai ngay các thủ tục theo quy định, để sớm khởi công dự án. Dự kiến, Bộ Giao thông vận tải sẽ chuẩn bị dự án năm 2023 – 2024; giải phóng mặt bằng, tái định cư từ năm 2023 – 2024; thi công xây dựng công trình từ năm 2024 và hoàn thành năm 2026.