Bác sĩ Shigeaki Hinohara được mệnh danh là “huyền thoại y học Nhật Bản”. Không chỉ xây dựng nền móng cho y học Nhật Bản, ông còn có nhiều đóng góp giúp cho đất nước mặt trời mọc trở thành quốc gia đứng đầu về tuổi thọ trên thế giới.
Vị bác sĩ này bắt đầu làm việc tại Bệnh viện quốc tế St.Luke’s ở thủ đô Tokyo từ năm 1945, tham gia chữa trị cho các nạn nhân trong Thế chiến thứ 2, rồi giữ chức giám đốc bệnh viện suốt nhiều thập niên. Dù ở tuổi xưa nay hiếm, bác sĩ Hinohara vẫn luôn tận tụy với nghề cho đến cuối đời vào năm 2017, hưởng thọ 106 tuổi.
Trước đó vào năm 97 tuổi, ông đã tiết lộ một số bí quyết để sống trường thọ như sau:
1. Sống lạc quan, tích cực
Duy trì trạng thái tinh thần khỏe mạnh, tích cực là một trong những bí quyết sống thọ của bác sĩ Shigeaki Hinohara.
Ở tuổi 58, ông từng là một trong những hành khách đi chuyến bay Boeing 727 mang số hiệu 351 của hãng hàng không Japan Airlines chở 115 người bị không tặc ngày 31-3-1970. Sau khi may mắn sống sót, ông xem phần đời còn lại của mình như một món quà và tin rằng chỉ bằng cách “sử dụng” nó một cách hạnh phúc thì mới xứng đáng với điều may mắn đó. Kể từ đó, bác sĩ Shigeaki Hinohara luôn cố gắng cống hiến và tận hưởng từng phút giây trong cuộc sống. Thái độ sống tích cực đó giúp ông trì hoãn sự lão hóa và sống lâu hơn.
2. Duy trì cân nặng và vòng eo
Shigeaki Hinohara đã duy trì cân nặng 60 kg (chiều cao 165 cm) từ năm 30 tuổi. Theo ông, ăn uống lành mạnh chính là phương pháp hiệu quả giúp kiểm soát cân nặng và chỉ số vòng eo hợp lý.
Bác sĩ Shigeaki Hinohara nhấn mạnh rằng mỗi bữa ăn chỉ nên ăn no vừa đủ và nên ăn hạn chế đồ ngọt. Đồng thời, nên cố gắng ăn thức ăn tự nhiên để giảm gánh nặng cho các cơ quan nội tạng. Bên cạnh đó, bác sĩ này cũng cho rằng thói quen vận động cũng sẽ rất tốt cho việc giữ gìn vóc dáng và giúp cơ thể khỏe mạnh. Người già cũng nên tập luyện thể dục để rèn luyện sức khỏe. Đối tượng này không cần vận động quá mạnh hay quá lâu, chỉ cần thực hiện những động tác khiến cơ thể đổ mồ hôi một chút như làm vườn, khiêu vũ, đi bộ và Thái cực quyền… cũng đã rất tốt.
Shigeaki Hinohara cho biết ông chưa bao giờ lười biếng trong việc tập luyện. Dù không có nhiều thời gian để tập thể dục, song ông vẫn cố gắng vận động mỗi ngày bằng những thói quen đơn giản. Ví dụ như ông nhất quyết không đi thang máy mà chọn cách thực hiện bài tập hai bước – một bước khi đi cầu thang để rèn luyện cơ chân.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, so với những người tham gia hoạt động thể chất dưới 30 phút mỗi tuần, những người tập thể dục khoảng 7 giờ mỗi tuần có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn 40%. Có thể thấy, chúng ta không cần tập thể dục hay vận động quá nhiều mà vẫn có thể kéo dài tuổi thọ.
3. “Siêng” sử dụng bộ não
Theo bác sĩ Shigeaki Hinohara, các hoạt động trí tuệ ở người cao tuổi có thể làm giảm nguy cơ phát triển nhiều bệnh thoái hóa thần kinh, chẳng hạn như bệnh alzheimer. Một bộ não linh hoạt giống như chất bôi trơn của cơ thể, có thể thúc đẩy các bộ phận trong cơ thể linh hoạt hơn. Do đó, bác sĩ này khuyên người cao tuổi nên tích cực để não bộ hoạt động bằng các thói quen đơn giản như đọc sách, chơi cờ… để chống lão hóa và giữ được sự minh mẫn khi về già.
4. Hãy cho cơ thể được nghỉ ngơi
Căng thẳng mãn tính có thể làm giảm chức năng của hệ thống miễn dịch và khiến các chứng bệnh nguy hiểm như huyết áp cao, béo phì và tiểu đường… có thể tìm đến, đe dọa đến sức khỏe cũng như tính mạng của chúng ta. Do đó, bác sĩ Shigeaki Hinohara khuyên mọi người, đặc biệt là những người cao tuổi nên cho phép bản thân được nghỉ ngơi sau những áp lực hay căng thẳng để có thể giải tỏa những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống.
Ngoài ra, chúng ta có thể khống chế sự xâm lấn của căng thẳng và áp lực bằng cách tránh tranh cãi với người khác, giữ bình tĩnh và luôn có thái độ biết ơn. Người cao tuổi nên ghi nhật ký, nói chuyện với người thân và bạn bè, tham gia các bài tập giúp thư giãn cơ thể và tinh thần như yoga, hít thở sâu và thiền định… để kéo dài tuổi thọ.
(Theo Aboluowang)