150 hộ ở quận 12, Gò Vấp được địa phương hoàn tất đền bù, giao mặt bằng thi công gói thầu cuối cùng dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát, sáng 12/1.
Đây là các trường hợp bị ảnh hưởng bởi gói thầu số 10 – gói xây lắp cuối cùng của dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, đang được TP HCM triển khai.
Trong hai địa phương, quận Gò Vấp tổng cộng có 46 hộ đã được hoàn tất chi tiền đền bù và giao mặt bằng. Riêng quận 12, số trường hợp bị ảnh hưởng nhiều hơn, với 179 hộ. Hiện, quận đã bồi thường cho 104 hộ, số còn lại dự kiến sau Tết Nguyên đán sẽ hoàn thành.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM (chủ đầu tư), cho biết gói thầu xây lắp số 10 trị giá 1.175 tỷ đồng, dài khoảng 8,4 km, từ cầu Trường Đai đến bờ tả sông Sài Gòn. Trước đó, 9 gói thầu khác của dự án đã được triển khai từ năm 2023. Sau khi quận 12 và Gò Vấp giao mặt bằng, chủ đầu tư cùng nhà thầu sẽ tập trung huy động nhân công, thiết bị, đẩy nhanh thi công đồng bộ gói thầu cuối cùng.
Dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên được TP HCM khởi công hồi tháng 2 năm ngoái với tổng vốn 8.200 tỷ đồng. Toàn tuyến dài gần 32 km, đi qua 7 quận huyện: 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh. Dự án sẽ kè bêtông hai bờ, nạo vét lòng kênh và làm đường rộng 7-12 m mỗi bên; đồng thời làm 19 cống thoát nước, 12 bến thuyền, ba cây cầu, cùng hệ thống thoát nước mưa, chiếu sáng, cây xanh…
Việc cải tạo tuyến kênh dự kiến hoàn thành năm 2025, giúp cải thiện môi trường, thoát nước cho gần 15.000 ha với hơn 2 triệu dân trong khu vực. Công trình cũng sẽ giảm tải cho quốc lộ 1 nhờ hai tuyến đường dọc kênh, đồng thời kết nối giao thông thuỷ TP HCM với Long An qua sông Chợ Đệm và Đồng Nai, Bình Dương qua sông Sài Gòn.
Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên là kênh dài nhất TP HCM. Giai đoạn một của dự án đã triển khai từ 22 năm trước với việc giải phóng mặt bằng và nạo vét, đắp bờ đất hai bên, xây dựng cửa xả thoát nước tại một số rạch nhánh xung quanh. Giai đoạn hai của dự án bị chậm trễ do thiếu vốn, khiến kênh ô nhiễm nghiêm trọng. Đến năm 2021, dự án được chuyển sang đầu tư bằng ngân sách, kết hợp vốn của Trung ương (4.000 tỷ đồng) và thành phố (4.200 tỷ đồng).
Gia Minh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguoi-dan-giao-mat-bang-thi-cong-kenh-dai-nhat-tp-hcm-4700017.html