Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu không để lọt vào Trung ương khóa 14 người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều tài sản mà không giải trình được nguồn gốc.
Ngày 13/3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự Đại hội 14. Cùng dự có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.
Theo Tổng bí thư, Ban Chấp hành Trung ương khóa 14 phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Việc giới thiệu nhân sự phải trên cơ sở quy hoạch; giữ vững nguyên tắc, dân chủ, minh bạch; chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm…
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa 14 cần đảm bảo hàng loạt tiêu chí, như thật sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; có tinh thần yêu nước sâu sắc, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm.
Đó phải là người có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, tận tụy với công việc; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi; có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức tương đối toàn diện để tham gia hoạch định đường lối, chính sách.
Tổng bí thư cũng yêu cầu chọn vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới người có năng lực sáng tạo, nhiệt huyết, làm việc có hiệu quả, có “sản phẩm” cụ thể; có ý thức, trách nhiệm và khả năng tham gia thảo luận, đóng góp vào các quyết định chung của Ban Chấp hành Trung ương; đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ. “Nói tóm lại là phải vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc”, Tổng bí thư nói.
Nhấn mạnh không bỏ sót những người có đức, tài, đủ tiêu chuẩn, Tổng bí thư cũng đề nghị không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa 14 những người có một trong các khuyết điểm như: Không kiên định đường lối, quan điểm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm.
Ngoài ra, các cơ quan cũng phải gạt bỏ người thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, chuyên quyền, độc đoán, làm việc kém hiệu quả; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng, uy tín giảm sút hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị.
Những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, đất, tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính cũng không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa 14.
Theo Tổng bí thư, không nhất thiết lĩnh vực nào, ngành nào cũng phải có người tham gia Ban Chấp hành Trung ương nếu không đủ tiêu chuẩn; Các ban Đảng ở trung ương và một số bộ, ngành, địa phương thuộc địa bàn quan trọng cần tăng cường số lượng Ủy viên Trung ương.
Trong cơ cấu của Ban Chấp hành Trung ương khóa 14 cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý với cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số với một số nhà khoa học, văn nghệ sỹ, lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Rút kinh nghiệm từ các khóa trước, việc xác định số lượng Ủy viên Trung ương khóa 14 cần căn cứ chủ yếu vào yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi của tình hình, yêu cầu lãnh đạo toàn diện đối với các địa bàn, lĩnh vực công tác, đặc biệt là phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, không thuần túy chạy theo số lượng.
Tổng bí thư cho hay, công tác cán bộ có ý nghĩa quan trọng nhưng cũng rất phức tạp, khó khăn vì nó liên quan đến con người. Nhưng con người cũng “có đủ thứ tật không lành mạnh” nên khi lựa chọn nhân sự rất cần sự trong sáng, khách quan và “có con mắt tinh đời”. Công tác nhân sự phải làm tốt từ đại hội đảng bộ các cấp. Người đứng đầu ở những nơi có cán bộ được giới thiệu tham gia Trung ương phải chịu trách nhiệm về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu.
Khi làm nhân sự, phải chống tư tưởng thân quen, lợi ích nhóm; gạt những người đã phạm sai lầm, sa sút về phẩm chất, đạo đức, hống hách, gia trưởng, nịnh trên nạt dưới, gây mất đoàn kết. Để những người đó lọt vào cương vị lãnh đạo “là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”.
Dù vậy, Tổng bí thư cũng cho rằng quá trình lựa chọn, sắp xếp nhân sự cụ thể cần thống nhất quan điểm là không quá cầu toàn, không quá tuyệt đối hóa. Nhân vô thập toàn, con người ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu nên “điều quan trọng là phải biết phân biệt, đánh giá để không chọn nhầm người”.
Khi đã chọn người đúng phải có cách sắp xếp phù hợp để phát huy điểm mạnh, hạn chế mặt yếu của họ. Các thành viên cần bổ sung cho nhau, tạo ra một ê kíp mạnh, hoàn chỉnh; tránh tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, tự cao tự đại, coi thường người khác.
Đánh giá thực trạng cán bộ hiện nay, Tổng bí thư thấy rằng “đông nhưng chưa thật mạnh”, thừa và thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi. Cán bộ lãnh đạo, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành cũng thiếu trên nhiều lĩnh vực. Không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng sở trường; thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, “nói nhiều làm ít, quan liêu, xa dân, vướng vào tham nhũng”. Nhiều cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện, làm việc hời hợt, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý. Trong đó một số người bị xử lý hình sự. Thực trạng chạy chức, quyền, quy hoạch, luân chuyển, phiếu bầu, bằng cấp, khen thưởng, danh hiệu và cả chạy tội tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi.
“Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”, Tổng bí thư nói.
Theo kế hoạch, Đại hội 14 của Đảng dự kiến tổ chức tháng 1/2026. Để chuẩn bị, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 đã lập 5 Tiểu ban, trong đó Tiểu ban nhân sự do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/khong-de-lot-vao-trung-uong-nguoi-ke-khai-tai-san-khong-trung-thuc-4721864.html