Quảng NamHội An đã sơn lại, giảm màu trắng ở phần hông Chùa Cầu sau khi nhận phản hồi màu quá sáng so với trước trùng tu.
Ngày 30/7, đơn vị thực hiện dự án trùng tu Chùa Cầu quét vôi sẫm ở phần hông để “hài hòa với phần móng”. “Công trình chính đã hoàn thiện màu nên sẽ không sơn thêm gì nữa”, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch thành phố Hội An, nói.
Hông Chùa Cầu trước đây bị bong tróc, dặm vá nhiều. Trong quá trình trùng tu, cơ quan chức năng đã cho quét vôi màu trắng, bị đánh giá là “không còn cổ kính”.
Chùa Cầu bắc qua con lạch nhỏ trong phố cổ Hội An, được các thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng từ 400 năm trước. Kiến trúc cầu là sự hội tụ, kết hợp các giá trị văn hóa nội sinh và ngoại nhập, phương Đông – phương Tây. Đây được xem là công trình có kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở Việt Nam và hiếm thấy trên thế giới.
Năm 1990, Chùa Cầu được cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đây là biểu tượng của khu phố cổ Hội An và đã qua bảy lần trùng tu. Tuy nhiên, do tọa lạc trong khu vực có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, chịu tác động của mưa lũ nên công trình nhanh xuống cấp.
Từ năm 2020, trải qua nhiều đợt bão lụt, cơ quan chức năng phải dùng nhiều xà gỗ chống đỡ. Cuối tháng 12/2022, UBND TP Hội An khởi công dự án tu bổ di tích Chùa Cầu, kinh phí hơn 20 tỷ đồng.
Ngày 29/7, Chùa Cầu hoàn thành trùng tu toàn diện. So với trước kia, công trình đã mang diện mạo mới. Tuy nhiên, một số người cho rằng sau trùng tu, Chùa Cầu trở nên lạ lẫm vì màu sơn quá mới và hiện đại.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết việc tu bổ di tích được thực hiện trên tinh thần như cuộc “giải phẫu – chữa bệnh” nên mọi hoạt động đều cẩn trọng, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị đến các giải pháp tổ chức, kỹ thuật tu bổ. Gần 60% khối lượng gỗ, 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái… được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.
Ông Ngọc giải thích màu tường hay màu ngói hiện nay được dựa theo màu sắc gốc của Chùa Cầu. Màu sắc trước trùng tu là màu của gần 20 năm phai nhạt theo thời gian và chưa được sơn phết. Còn màu hiện nay đậm hơn là do màu gốc như vậy. Đơn vị đã dùng vôi, không phải sơn nên theo thời gian “sẽ phai màu rất nhanh”.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, việc phục hồi không thể tránh làm cho di tích có phần “mới” ra, nhưng điều quan trọng là giữ được tính nguyên gốc, đảm bảo nguyên tắc trong tu bổ di tích. Theo thời gian, Chùa Cầu lại trở về với nét cổ kính, trầm mặc như từng trải qua trong lịch sử sau những lần trùng tu.
“Sau trùng tu, Chùa Cầu giữ gìn được sự nguyên vẹn của tổng thể kiến trúc và kết cấu. Từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được gìn giữ ở mức tối đa”, ông Ngọc khẳng định.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hong-chua-cau-bot-sang-khi-duoc-son-lai-4775904.html