Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đang gặp khó khăn về nguyên vật liệu cát san lấp, riêng đoạn qua Cần Thơ cần khoảng 7 triệu m3 cát.
Thông tin được báo cáo chiều 12/5 trong buổi khảo sát công trường dự án của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Theo báo cáo, hiện công tác giải phóng mặt bằng thành phần 2 qua Cần Thơ của dự án hoàn thành hơn 99%. Thế nhưng các nhà thầu chỉ thi công những hạng mục phần cầu, riêng phần đường từ giữa tháng 4 mới có nguồn vật liệu cát san lấp.
Tỉnh An Giang vừa bàn giao mỏ cát trên sông Tiền với tổng trữ lượng khoảng 3,28 triệu m3. Cùng lúc, Cần Thơ cũng liên hệ với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tìm thêm nguồn cát cho dự án.
Gặp gỡ các công nhân công trường, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như Cần Thơ. Ông biểu dương nỗ lực trong triển khai dự án của các địa phương, Bộ Giao thông vận tải và cảm ơn người dân đã “nhường nơi sinh sống để dự án có mặt bằng thi công”.
Liên quan nguồn nguyên vật liệu xây dựng, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương trong vùng phối hợp chặt chẽ, hoàn thành thủ tục để khai thác các mỏ, trong đó có cát biển. Ông đề nghị phải giải quyết các vấn đề về mỏ nguyên vật liệu cho dự án trong tháng 5.
Về giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu Bí thư và Chủ tịch thành phố Cần Thơ trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với những hộ dân chưa di dời. Ông gợi ý cần tuyên truyền để người dân hiểu lợi ích chung của dự án với đất nước, địa phương và với chính họ. Ngoài hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 5, Thủ tướng đề nghị địa phương phải đảm bảo quyền, lợi ích cho người dân để họ có nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng chỗ ở cũ.
Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài hơn 188 km, đi qua 4 tỉnh miền Tây, tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng. Tuyến có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại cảng Trần Đề, Sóc Trăng. Trong đó, đoạn qua An Giang dài gần 57 km, Cần Thơ gần 38 km, Hậu Giang khoảng 37 km và 56 km qua Sóc Trăng.
Giai đoạn một, dự án gồm 4 làn xe, rộng 17 m, tốc độ 80 km/h. Khi hoàn thiện mặt đường sẽ được mở rộng lên hơn 32 m với 6 làn xe. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành năm 2027, hình thành tuyến giao thông huyết mạch theo trục ngang ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Những tháng gần đây, Thủ tướng liên tục chỉ đạo về nguồn vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc. Một ngày trước, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và chủ tịch UBND một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long để xử lý dứt điểm các vướng mắc, thủ tục liên quan đến mỏ vật liệu trong tháng 5.
Thiếu vật liệu đắp nền (cát, đất) là tình trạng phổ biến ở nhiều công trình giao thông trong ba năm qua. Miền Bắc và Trung còn có mỏ đất, đá bù đắp song miền Nam không có mỏ đất, chỉ trông chờ vào mỏ cát, trong khi nguồn cát sông đang cạn kiệt. Hai dự án giao thông trọng điểm phía Nam đang thiếu cát trầm trọng là cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2021-2025 ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ triển khai 21 dự án giao thông trọng điểm, tổng nhu cầu vật liệu đắp nền gần 77 triệu m3, trong đó cát đắp khoảng 70 triệu m3. Đến nay, tổng khối lượng cát đã xác định nguồn cung gần 43 triệu m3, nhưng công suất khai thác chưa đáp ứng tiến độ thi công. Với phần còn lại khoảng 27 triệu m3 hiện chưa xác định được nguồn.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/du-an-cao-toc-chau-doc-can-tho-soc-trang-thieu-cat-4745186.html