Sau nhiều năm, chị Phương Thùy (32 tuổi, TP Thủ Đức, TPHCM) không còn nghĩ rằng, hôn nhân là đích đến bởi gặp nhiều vấn đề trong chuyện tình cảm. Với kinh tế cá nhân ổn định, chị Thùy muốn đợi đến khi có duyên gặp được người phù hợp mới quyết định kết hôn.
“Gia đình tôi thúc giục liên tục, một phần là vì lo lắng khi sinh con muộn. Tôi cũng có tìm hiểu về phương pháp dự trữ trứng để khi có quyết định sinh con thì trứng vẫn còn tốt” – chị Thùy chia sẻ.
Không chỉ riêng chị Thùy, trong xã hội hiện đại, nhiều phụ nữ có nhu cầu dự trữ trứng tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản để bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Hải – Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) – cho biết, vài năm gần đây, kỹ thuật trữ trứng được nói đến nhiều hơn, bởi ngày càng có nhiều phụ nữ có nhu cầu trữ trứng với nhiều nguyên do khác nhau.
“Dù với mục đích nào, chúng tôi cũng đều hướng đến mục đích nhân đạo, tức là làm sao để cuộc sống của họ tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của họ trong việc bảo tồn khả năng sinh sản” – ông Hải chia sẻ.
Lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ cũng cho biết, năm nay, bệnh viện đã có trên vài chục trường hợp thực hiện phương pháp trữ trứng. Trong khi đó, năm 2022, đơn vị chỉ có vài ca có nhu cầu này.
Theo TS.BS Lê Thị Minh Châu – Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ, trữ trứng là một trong những kỹ thuật lưu giữ khả năng sinh sản của người phụ nữ.
“Có nhiều nguyên nhân khiến người phụ nữ quyết định đi trữ trứng. Có thể điểm qua một số trường hợp như mắc bệnh lý ác tính cần phải điều trị xạ trị, hoá trị; chưa muốn lập gia đình trong độ tuổi ‘vàng’ của sinh sản; mắc một số bệnh lý gây suy giảm trứng dù đang ở độ tuổi 20 – 30…” – bác sĩ Minh Châu cho biết.
Để quá trình trữ trứng đạt được kết quả tốt, trứng sau khi được lấy ra khỏi cơ thể của người phụ nữ sẽ được bảo quản ở nhiệt độ âm 196 độ C. Đây là nhiệt độ lý tưởng để làm ngưng các hoạt động của tế bào, sau khi đến thời điểm cần sử dụng, trứng sẽ được rã đông và kết hợp với tinh trùng trong phòng thí nghiệm để tạo phôi.
Theo bác sĩ Minh Châu, thời gian trữ đông trứng tuỳ thuộc vào cơ địa của từng người và tuỳ từng bệnh lý khác nhau, sẽ được bác sĩ tư vấn cụ thể trong quá trình thực hiện.
“Kỹ thuật trữ đông trứng đang ngày càng hiện đại hơn. Tỉ lệ trứng sau khi rã đông vẫn còn sống rất cao. Thông thường, khi lựa chọn phương pháp trữ trứng, phụ nữ nên thực hiện trước 35 tuổi để đạt được hiệu quả tốt nhất” – bác sĩ Châu chia sẻ.