Tại Báo cáo số 1247/BC-KTNN gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội về Tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, Kiểm toán Nhà nước cho rằng các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền, trách nhiệm được phân công tại chương trình, song việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý trên 167 tỷ đồng, gồm thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 520 triệu đồng; giảm dự toán, thanh toán khoảng 4,7 tỷ đồng; chuyển quyết toán năm sau gần 162 tỷ đồng; đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành, địa phương kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, hạn chế đã được Kiểm toán Nhà nước phát hiện và thể hiện cụ thể tại từng báo cáo kiểm toán.
Đáng chú ý, về nội dung hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua, Kiểm toán Nhà nước cho rằng qua kiểm toán cho thấy còn một số tồn tại.
Theo Kiểm toán Nhà nước, đến ngày 31/12/2022, Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/NĐ-CP không đạt mục tiêu, kết quả thực hiện còn rất thấp so với kế hoạch đề ra, số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 134 tỷ đồng đạt 0,8%/tổng số hạn mức hỗ trợ lãi suất đã đăng ký và được phê duyệt, đạt 0,84% kế hoạch của năm 2022 (16.034,9 tỷ đồng).
“Đến ngày 31/3/2023, số tiền lũy kế hỗ trợ lãi suất là 332,5 tỷ đồng đạt 0,83%; đến cuối tháng 7/2023 theo Báo cáo số 432/BC-CP số tiền hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 681 tỷ đồng tương đương 1,7% nguồn lực bố trí thực hiện chính sách”.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.
Cụ thể, công tác truyền thông của Ngân hàng Nhà nước chưa đi trước, chưa mang tính định hướng, thể hiện ở việc sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại vẫn chưa như kỳ vọng, vẫn còn ý kiến phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về nhiều khó khăn khi tiếp cận chính sách.
“Văn bản hướng dẫn nội bộ chưa xây dựng tiêu chí để đánh giá “khả năng phục hồi” của khách hàng làm căn cứ xét duyệt hỗ trợ lãi suất như: HSBC, Public Bank, NCB”, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chưa kịp thời, nội dung tuyên truyền sơ sài, không đầy đủ, rõ ràng tại ngân hàng Shinhanbank, Publicbank.
Bên cạnh một số nguyên nhân khách quan do tâm lý e ngại về hồ sơ thủ tục hậu kiểm của khách hàng hay việc khách hàng gặp khó khăn về chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với trường hợp khách hàng kinh doanh đa ngành nghề, Kiểm toán Nhà nước cho rằng một số nguyên nhân chủ quan từ phía các ngân hàng thương mại.
Theo Kiểm toán Nhà nước, các ngân hàng thương mại chưa chủ động, tích cực triển khai chính sách. Một số ngân hàng thương mại rà soát có hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng thực tế số tiền hỗ trợ lãi suất lại bằng “0”.
Một số ngân hàng thương mại tự rà soát số lượng khách hàng thuộc đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất tương đối lớn nhưng kết quả hỗ trợ lãi suất lại rất thấp cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách còn hạn chế.
“Công tác triển khai hỗ trợ lãi suất của một số ngân hàng thương mại còn chậm, chưa hiệu quả do ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ chậm; công tác truyền thông chưa được chú trọng, không đẩy mạnh truyền thông sâu rộng đến từng khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất”, Kiểm toán Nhà nước đánh giá.