Ngày Thành thông báo đang mang khoản nợ hơn 700 triệu vì đầu tư tiền ảo, chị Minh Hiền mất ngủ nhiều ngày liền.
“Tôi tự động viên mình đấy là vận hạn của gia đình, chấp nhận tha thứ cho anh”, chị Hiền kể.
Nhưng cũng trong năm ấy, anh Thành lặp lại lời xin lỗi đến lần thứ ba và tổng số nợ lên đến hơn hai tỷ đồng. Anh giải thích là muốn gỡ lại tiền đã mất nhưng càng gỡ càng nợ nhiều hơn.
Chị chọn cách im lặng, nằm lì trong nhà vài ngày liền. Khi bình tâm lại, chị gọi điện khóc và kể chuyện với vài người bạn. Tất cả đều khuyên Hiền nên ly hôn.
10 năm trước, chị Thương, 35 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội vốn là con giám đốc một doanh nghiệp bất chấp sự ngăn cản của gia đình để đến với chồng, một thanh niên con nhà nông vì tin anh là lựa chọn tốt nhất của thanh xuân.
Họ bắt đầu cuộc sống riêng trong phòng trọ chưa đầy hai triệu đồng. Thương sinh con nên ở nhà. Đồng lương nhân viên văn phòng của anh Thành giúp họ tằn tiện sống qua ngày. “Tôi động viên anh ấy qua giai đoạn con nhỏ thì hai vợ chồng cùng đi làm, kinh tế sẽ tốt lên”, Thương nói. Chị không ngờ chồng chỉ gật gù cho qua, âm thầm vay nợ bạn bè, họ hàng và ngân hàng gần 500 triệu đồng cùng với một người bạn mở nhà hàng.
Chỉ đến khi mọi người nhắn tin đòi nợ Thương mới biết sự thật. Điều tệ nhất với người vợ là tiền, vàng mừng cưới chị cất kỹ đề phòng lúc khốn khó và cặp nhẫn cưới, anh Thành cũng lén bán trả nợ. Anh giải thích sợ vợ phản đối sẽ “mất động lực” nên không nói.
Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ trị liệu tâm lý Phạm Thị Thúy (Hà Nội) cho biết, dù chưa có thống kê, nhưng hôn nhân trục trặc vì bạn đời lén mang tài sản chung đi đầu tư dẫn đến thua lỗ như gia đình chị Thương hay nhà chị Hiền không hiếm. Đặc biệt, trong những năm gần đây những cơn sốt đất, sốt tiền ảo khiến nhiều người gánh nợ.
Lý do chính của tình trạng này là do chồng (hoặc vợ) không tự tin vào khả năng của mình nên im lặng để nếu thua lỗ tự xử lý hoặc sợ bạn đời không đồng ý; khoản tiền đem đầu tư không phải tiền đàng hoàng và cuối cùng là do thiếu tôn trọng vợ/chồng.
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM việc âm thầm đầu tư xuất phát từ nhận thức của người bạn đời. “Họ có tính cách độc lập, không muốn bị chi phối nên tự ra quyết định hoặc muốn dành cho bạn đời sự bất ngờ”.
Bà Minh cũng nhận định xu hướng quản lý tài chính gia đình ngày nay là “vợ chồng tiền ai người đó tiêu” nên nhiều người nghĩ tiền của mình thì muốn đầu tư là do mình quyết định. Họ quên mất nguyên tắc “tài sản chung trong hôn nhân”.
Khi biết vợ hoặc chồng mình âm thầm mang tài sản chung đi đầu tư, lại thua lỗ, người còn lại sẽ thấy không được tôn trọng, thậm chí căng thẳng nổi nóng, la mắng, dẫn đến chuỗi mâu thuẫn tiếp theo. Đây có thể là giọt nước tràn ly do trước đó bạn đời nhiều lần không minh bạch hoặc là khởi đầu cho loạt mâu thuẫn tiếp theo.
Theo thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới mâu thuẫn liên quan đến kinh tế là một trong ba nguyên nhân hàng đầu (chiếm 13%) dẫn đến khủng hoảng hôn nhân.
Khi biết khoản nợ của chồng và chuyện anh bán nhẫn cưới, Thương càng thất vọng và trách móc chồng. Đang quẫn trí vì kinh doanh thua lỗ, ban đầu Thành im lặng nhận lỗi, nhưng sau đó bạo hành vợ. Họ kéo dài cuộc hôn nhân trong khủng hoảng hơn một năm vì nghĩ con còn nhỏ. Nhưng sau đó Thương chủ động đệ đơn ly hôn.
Chị cho hay, nếu từ đầu biết chồng kinh doanh chị sẽ không cản, dù lo lắng vì biết đàn ông muốn làm giàu để vợ con đỡ khổ là đáng trân trọng. Anh mắc nợ, chị vẫn có thể đồng hành. “Tôi cãi cha, cãi mẹ, từ bỏ cuộc sống sung sướng đến sống nghèo sống khổ với anh ấy thì không còn sợ khổ nữa”, chị nói. Nhưng điều Thương đau lòng là người mình tin tưởng nhất lại lừa dối, xem thường mình.
“Anh có thể âm thầm lấy những thứ khác đi bán, nhưng bán nhẫn cưới có nghĩa đã chạm tới giới hạn chịu đựng của tôi”, Thương nói.
Không như Thương, chị Minh Hiền đau nhưng vẫn muốn cứu vãn cuộc hôn nhân vì còn thương chồng, sợ con trai đau khổ và không muốn bố đẻ phải chịu thêm cú sốc. Chị lên chùa để tĩnh tâm. Thay vì an ủi chị, sư thầy nói ”Tôi thấy thương chồng cô”. Chị Hiền chua chát “Con mới là nạn nhân, sao thầy lại thương anh ấy?”.
Sư thầy phân tích cho chị hiểu chồng chị xưa nay vẫn là người tốt, biết lo cho vợ con. Anh thua lỗ vì muốn làm ăn, không phải do chơi bời. Giờ nếu chị ly hôn, anh sẽ mất tất cả. ”Vợ chồng ở cạnh nhau không chỉ lúc sung sướng, hạnh phúc mà cả khi khổ đau, như vậy mới là gia đình”.
Trên đường về, chị vô tình gặp một nữ tài xế taxi. ”Chị ấy kể ngày xưa ở với cha mẹ giàu có lắm, khi lấy chồng cũng ăn sung mặc sướng. Nhưng rồi anh bể nợ, chị đi lái taxi kiếm tiền cùng anh trả”, Minh Hiền kể. Chị hỏi người phụ nữ lý do không ly hôn. Người này đáp: “Chả nhẽ lúc chồng giàu có, sung sướng mới ở với người ta, còn khi người ta khổ thì bỏ đi. Như vậy đâu phải là người”. Nghe vậy, chị càng củng cố thêm quyết định của mình.
Hiền về hỏi chồng về các khoản nợ, bàn xem nợ nào cần ưu tiên trả, nợ nào có thể trả dần trong thời gian dài. Chị nhận dạy thêm nhiều hơn, chồng làm xe ôm ngoài giờ để gồng gánh trả nợ, cố giữ lại ngôi nhà để các con không bị xáo trộn học hành.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh cho rằng cách xử lý của chị Minh Hiền vừa có tình, vừa có lý. Bà cũng khuyên các cặp vợ chồng nên lường trước những rủi ro có thể gặp phải trong hôn nhân, cả về kinh tế, sức khỏe, sự nghiệp, để khi nó xảy ra đỡ sốc. Khi bạn đời bất ngờ báo khoản nợ lớn, nên xử lý mọi việc bằng lý trí, giống như Minh Hiền, thay vì để cảm xúc chi phối như Thương.
“Sau đó, nên tìm một người hiểu biết, khách quan để nghe tư vấn. Đừng vội vàng rời bỏ cuộc hôn nhân. Hãy hiểu hôn nhân cũng giống như đời người, khó thể tránh sóng gió”, bà nói.
Bà Phạm Thị Thúy đề xuất, trong bất kỳ vấn đề nào chung của gia đình cũng cần bàn bạc thống nhất, đặc biệt là tài chính. Trong đầu tư, có thể chồng rành làm ăn hơn, vợ không am hiểu nên không thể góp ý, nhưng vẫn cần thông báo để thể hiện sự tôn trọng. Người vợ biết tiền đang đi về đâu, chồng đang làm gì, với ai thì dẫu thua lỗ, họ không đổ lỗi.
“Thật ra những ông chồng khôn ngoan không bao giờ tự quyết định một mình”, bà Thúy nói.
Hiện tại, vợ chồng chị Hiền vẫn vừa làm vừa trả nợ. Dẫu chật vật và vất vả xưa, nhưng chị thấy chồng biết trân trọng, yêu thương vợ hơn.
Giờ chồng cũ của Thương đã gây dựng lại được sự nghiệp. Anh có chuỗi năm nhà hàng lớn nhỏ ở Hà Nội. Vượt qua cú sốc và khủng hoảng hậu ly hôn, chị Thương cũng đã có sự nghiệp ổn định, thu nhập hài lòng, tự thấy mình vui trẻ hơn trước.
“Bây giờ, thứ gì trước đây chúng tôi ao ước cũng đều đã có trong tay, nhưng con trai thì mãi mãi mất đi một gia đình có đủ ba mẹ”, chị nói. Nhưng nếu cho chọn lại, chị vẫn chọn ra đi.
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.
Phạm Nga
Nguồn tin: https://vnexpress.net/soc-khi-chong-bao-no-4714652.html