Sau 60 tuổi là thời gian các cơ quan trong cơ thể con người đều có dấu hiệu lão hóa, hệ miễn dịch suy giảm, cơ bắp hay chức năng tim phổi đều suy yếu, nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, ung thư tăng lên. Nam giới vẫn duy trì được một số đặc điểm ở cơ thể cũng như thói quen sinh hoạt chứng tỏ sức khỏe vẫn ở mức tốt, ít nguy cơ mắc các bệnh mãn tính:
Duy trì cân nặng ổn định
Tăng cân mất kiểm soát ở nam giới sau 60 tuổi có thể là dấu hiệu của bệnh béo phì, bệnh xương khớp, stress, chế độ ăn nhiều tinh bột và chất béo xấu. Trong khi đó tình trạng sụt cân bất thường cho thấy nam giới có khả năng mắc bệnh rối loạn tiêu hóa, bệnh tim mạch, tiểu đường, mất cơ do lão hóa.
Nam giới duy trì được cân nặng ổn định là một dấu hiệu cho thấy sức khỏe tốt, thể lực đảm bảo, kiểm soát tốt các chỉ số như cholesterol, huyết áp, đường huyết. Một nghiên cứu công bố năm 2022 của Mỹ đăng trên tạp chí Alzheimer & Dementia chỉ ra rằng sự ổn định về chỉ số khối BMI của cơ thể có thể bảo vệ não bộ, giảm tốc độ suy giảm nhận thức ở người cao tuổi.
Ăn ngon miệng, đầy đủ nhóm chất
Tuổi tác tăng là lúc các chức năng trong cơ thể hoạt động kém hiệu quả, khứu giác và vị giác thay đổi dẫn đến khó cảm nhận mùi vị thức ăn. Nam giới sau 60 tuổi gặp tình trạng chán ăn có thể là biểu hiện của lão hóa, rối loạn giấc ngủ, rối loạn tiêu hóa, mắc một số bệnh mãn tính khiến cơ thể không hấp thu đủ các chất dinh dưỡng, suy giảm nghiêm trọng về sức khỏe.
Vậy nên bước qua tuổi 60, nam giới vẫn ăn ngon miệng, đầy đủ các nhóm chất bao gồm tinh bột, chất xơ, chất béo, chất đạm, vitamin, khoáng chất thì khả năng cao sức khỏe ở mức ổn định. Mỗi nhóm chất đều có vai trò quan trọng với sức khỏe thể chất và tinh thần, không nên cắt bỏ hoàn toàn mà có thể điều chỉnh phù hợp với tình trạng bệnh lý.
Tay chân linh hoạt
Khả năng giữ thăng bằng kém, tay cử động vụng về, chân bước đi yếu ớt, thường xuyên đau nhức chân tay là biểu hiện lão hóa, cơ bắp suy giảm, mất xương ở nam giới sau 60 tuổi.
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Thể thao Anh phân tích gần 2.000 người thuộc độ tuổi trung niên và cao tuổi cho thấy người có khả năng giữ thăng bằng, đứng bằng 1 chân trong 10 giây chứng tỏ khả năng sống thọ cao hơn người không thể thực hiện động tác này.
Để tăng cường sức khỏe thể chất, trì hoãn tình trạng mất cơ và khối lượng xương, tay chân dẻo dai, nam giới nên theo đuổi ít nhất 1 bộ môn thể thao tùy theo tình trạng thể lực và sở thích như đi bộ, yoga, bơi lội, cầu lông… Vận động thường xuyên là một yếu tố đã được các nhà khoa học chứng minh có tác động tích cực giúp kéo dài tuổi thọ.
Ngủ đúng giấc, dậy đúng giờ
Theo Giáo sư Lưu Lâm, công tác tại bệnh viện thuộc ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), thói quen ngủ rất dễ điều chỉnh khi còn trẻ nhưng khi tuổi tác tăng lên càng khó để duy trì việc ngủ đúng giấc, dậy đúng giờ. Điều này là do các tế bào trong cơ thể bị lão hóa, hội chứng ngưng thở trong lúc ngủ, tình trạng sa sút trí tuệ hoặc do tác dụng phụ của các loại thuốc…
Nam giới sau 60 tuổi vẫn ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm, cảm giác sảng khoái mỗi khi ngủ dậy chứng tỏ cơ thể chưa chịu tác động mạnh mẽ của lão hóa và các bệnh mãn tính, sức khỏe tinh thần tốt. Duy trì giấc ngủ chất lượng còn ngăn ngừa nguy cơ huyết áp cao, rối loạn nhịp tim, trầm cảm…
Nguồn tin: https://cafef.vn/sau-60-tuoi-nam-gioi-van-tu-tin-lam-duoc-4-viec-nay-thi-yen-tam-the-luc-tot-dau-oc-minh-man-de-song-tho-188240615212221404.chn