Câu chuyện của bà Tô Ngọc được đăng tải trên diễn đàn Toutiao (MXH của Trung Quốc) nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi người:
Tôi là Tô Ngọc, 62 tuổi, nghỉ hưu đã được 7 năm. Sau khi nghỉ hưu, tôi đến nhà con trai đỡ đần con việc chăm sóc các cháu. Cuộc sống của tôi hiện tại tạm ổn, tôi cũng có thêm nhiều người bạn mới.
Về già, từ kinh nghiệm của bản thân và đúc rút chia sẻ của người khác, tôi khuyên bạn không nên làm 3 điều sau đây.
1. Đừng kết hôn lần thứ hai
Vì các lý do khác nhau, nhiều người sống một mình khi về già, không có con cái bên cạnh. Họ mong có người tâm tình, trò chuyện bên cạnh để cuộc sống vơi bớt cô đơn, cũng là để chăm sóc lẫn nhau khi trái gió trở trời. Vì thế, không ít người già quyết định đi thêm bước nữa.
Nhưng theo quan sát của tôi, hầu hết các cặp đôi đều chia tay do không hạnh phúc, trục trặc về các vấn đề con cái, tiền bạc, lối sống, sở thích cá nhân.
Như cô Song, 63 tuổi, cạnh nhà tôi là một ví dụ điển hình. Cô mất chồng từ sớm, ở vậy nuôi con. Đến khi con trai cô lấy vợ, sinh con, cô Song mới quyết định tái hôn. Người chồng sau của cô Song đã ly hôn vợ, là giám đốc về hưu, lương cũng khá cao, hơn 20 triệu đồng/tháng.
Mới đầu, 2 người sống vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng chỉ sau 1 năm bắt đầu xuất hiện xích mích. Nguyên nhân là do con riêng của chồng cô Song không thích cô, cho rằng cô âm mưu chiếm đoạt tài sản. Điều này khiến cô phiền lòng, tủi thân, thậm chí là tự ái. Và cuối cùng, họ cũng chia tay sau những trận cãi vã.
2. Đừng sống với con cái
Sau khi con cái dựng vợ gả chồng, người già không nên sống cùng con. Nhà của cha mẹ là của con cái, nhưng nhà của con cái chưa chắc đã là của cha mẹ. 2 thế hệ khác nhau có quan điểm, lối sống, thói quen tiêu dùng khác nhau,… rất dễ xảy ra mâu thuẫn khi chung sống.
Như câu chuyện của tôi cũng là một ví dụ. Tôi tới nhà con trai ở, hàng ngày chăm sóc cháu, chợ búa, dọn dẹp nhà cửa và còn tỉ việc không tên. Nhiều khi, tôi thấy bản thân như người giúp việc không lương. Buổi tối, các con tôi đi làm về cũng chỉ ngồi vào bàn ăn cơm, xong thì xem ti vi, lướt mạng, chẳng đỡ đần tôi được việc gì.
Nhiều khi tôi cũng góp ý, nhưng các con bảo rằng đi làm về mệt, không còn hơi sức làm việc nhà. Cũng vì vấn đề này mà con trai và con dâu xảy ra cãi vã, khiến tôi rất mệt mỏi, khó xử.
Hay trong việc chăm cháu giữa tôi và con dâu cũng có nhiều bất đồng. Tôi thường bế cháu đi chơi khắp nơi, vừa đi vừa đút đồ ăn. Nhưng con dâu tôi không thích vậy. Con cho rằng đó là việc làm mất vệ sinh, phản khoa học, hình thành thói quen xấu cho đứa trẻ. Tôi từng tự ái khi nghe những lời nhận xét đó. Các con chẳng những không ghi nhận công lao của tôi mà còn cho rằng tôi cổ hủ, lỗi thời. Nếu không phải vì cháu nội thì tôi đã chuyển về quê sống.
Vì thế, tôi khuyên những người già không nên sống cùng con cháu để cuộc sống thoải mái hơn.
3. Đừng nên đi du lịch khắp nơi thường xuyên
Bạn tôi là ông Trương, 67 tuổi. Từ khi về hưu, vợ chồng ông ấy đi du lịch khắp nơi. Lúc đầu, ông Trương rất vui vẻ, phấn khởi, hay kể về những chuyến đi với tôi.
Nhưng chỉ sau 6 tháng, ông Trương đã thay đổi suy nghĩ. Ông ấy bảo sẽ không có thêm bất kỳ chuyến đi nào nữa bởi quá mệt mỏi, khó chịu. Có rất nhiều bất cập trong những chuyến đi như: Tour du lịch chi phí thấp nên hay có lừa đảo, điểm tham quan tẻ nhạt, phải di chuyển gấp, không hợp khẩu vị đồ ăn, hay bị chào mời mua hàng, hướng dẫn viên du lịch không có kinh nghiệm,…
Tốt nhất người già chỉ nên đi du lịch cùng con cháu và đi từ 1-2 lần/năm. Ngoài ra, thời gian rảnh nên tập thể dục, học khiêu vũ, chơi cờ, câu cá,… Những việc này vừa sức, có lợi cho sức khỏe và tinh thần hơn là tham gia những chuyến đi hành xác.
Bài viết mang quan điểm của cá nhân tác giả