Mỗi tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung đều có bối cảnh thời đại cũng như trình độ võ thuật của các cao thủ có sự khác biệt rõ ràng. Và trong thế giới của Kim Dung, xét về võ công, tổng thể của các nhân vật trong bối cảnh Thiên long bát bộ được đánh giá là cao nhất. Để xác định được trình độ võ công của các nhân vật trong Thiên long bát bộ, ta có thể xét đến bảng xếp hạng được nhiều người biết đến nhất dưới đây.
Xếp hạng các cao thủ trong Thiên long bát bộ
Trong Thiên long bát bộ, có hơn 230 nhân vật bao gồm cả những người được đề cập chỉ bằng tên. Ai từng đọc nguyên tác đều biết các cao thủ hạng nhất trong tiểu thuyết được độc giả tóm gọn trong câu “nhất tăng – nhị quải – tam lão – tứ tuyệt”.
Theo thứ tự này, vị trí đầu của Thiên long bát bộ là Vô danh thần tăng, cao thủ ẩn mình hơn 40 năm ở Thiếu Lâm Tự dưới danh nghĩa 1 lão tăng quét dọn Tàng Kinh Các. Nhờ luyện Dịch cân kinh của Thiếu Lâm, ông có thể chịu 1 chưởng của Kiều Phong mà không hề hấn gì. Khi Kiều Phong đấu với Mộ Dung Phục ở Thiếu Lâm Tự, vào thời điểm quan trọng, Vô danh thần tăng đã bước tới, ông tạo nên 1 bức tường khí vô hình cao tới 3 thước, mạnh mẽ chặn lại chiêu Hàng long thập bát chưởng và Đẩu chuyển tinh di. Sau đó để chữa nội thương của Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác, ông đã đánh 1 chưởng khiến họ chết đi sống lại và giúp họ hòa giải mối thù.
Đoàn Dự và Hư Trúc chính là nhị quải đứng ở vị trí tiếp theo. Hai nhân vật này vốn không hề thích võ thuật nhưng cơ duyên tình cờ học được võ công cái thế. Trong lần tình cờ giải được thế trận cờ vây Trân Lung của chưởng môn phái Tiêu Dao – Vô Nhai Tử mà được ông truyền cho 70 năm công lực cả đời của mình. Sau đó, lại 1 lần nữa Hư Trúc được Thiên Sơn Đồng Lão và Lý Thu Thủy trước khi chết truyền cho nội lực cả đời của mình. Như vậy, Hư Trúc đã có được nội lực vô cùng thâm hậu của 3 đại cao thủ của phái Tiêu Dao và trở thành một trong những cao thủ hàng đầu võ lâm.
Tương tự như Hư Trúc, Đoàn Dự cũng là một nhân vật có được võ công thượng thừa một cách tình cờ. Vốn dĩ, Đoàn Dự ghét bạo lực nên không chịu học võ công. Tuy nhiên, trên đường đi du ngoạn giang hồ chàng bất đắc dĩ học được nhiều tuyệt kỹ đỉnh cao như Lăng ba vi bộ, Bắc minh thần công và Lục mạch thần kiếm. Hơn nữa, Đoàn Dự còn hút được nội công của rất nhiều cao thủ, trong đó bao gồm cả Cưu Ma Trí nên thực lực của chàng ta đã tăng lên rất nhiều, thậm chí sau đó chàng còn dễ dàng hạ Mộ Dung Phục chỉ trong 1 nốt nhạc.
3 người đệ tử của Tiêu Dao phái là Thiên Sơn Đồng Lão, Vô Nhai Tử và Lý Thu Thủy chính là những nhân vật được nhắc với danh xưng tam lão. Trong “Thiên Long Bát Bộ”, Tiêu Dao Phái là một trong những môn phái quan trọng nhất và có ảnh hưởng lớn tới cốt truyện. Mặc dù sự tồn tại của phái Tiêu Dao ít được người ngoài biết đến, nhưng thành viên của phái đều là những nhân vật nổi tiếng trong võ lâm, thậm chí đệ tử còn tự lập môn hộ riêng như: Tô Tinh Hà lập ra Lung Á Môn, Đinh Xuân Thu lập ra Tinh Tú Phái, Thiên Sơn Đồng Lão lập ra Linh Thứu Cung, Lý Thu Thủy lập ra Tây Hạ Nhất Phẩm Đường…
Ở vị trí tứ tuyệt là Kiều Phong, Cưu Ma Trí, Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác.
Xếp sau 4 người này có thể kể đến một số cao thủ hạng 2 như Đinh Xuân Thu, Đoàn Diên Khánh, Mộ Dung Phục, Du Thản Chi, Đoàn Chính Minh, Khô Vinh Đại sư… Những nhân vật này tuy sức mạnh không yếu nhưng võ công gần bằng hạng nhất. Ngoài những cái tên kể trên, các nhân vật còn lại có thể xếp vào hạng ba.
Cao thủ hạng ba bị đánh giá thấp
Trong Thiên long bát bộ, so với các cao thủ hạng nhất, hạng hai thì những người ở hạng ba thường không có quá nhiều vai trò. Tuy nhiên, một cao thủ chỉ được xếp ở hạng 3 hóa ra lại có võ công vô cùng cao cường. Thậm chí, theo trang Sina, người này đã sinh nhầm thời. Nếu cao thủ này xuất hiện trong bối cảnh của Thần điêu hiệp lữ thì võ công có thể sánh ngang với Thiên hạ ngũ tuyệt. Đó là ai?
Vị cao thủ mà chúng ta đang đề cập tới ở đây chính là Đặng Bách Xuyên, thuộc hạ của Mộ Dung Phục. Theo miêu tả của Kim Dung, Đặng Bách Xuyên là một trong số Cô Tô Mộ Dung thị tứ gia tướng hay Giang Nam tứ đại trang chủ – cả hai đều là danh xưng để chỉ nhóm bốn thuộc hạ thân tín của Mộ Dung Phục. Đặng Bách Xuyên là hậu nhân của tứ đại gia tộc ở Giang Nam, đã theo phò nhiều đời Mộ Dung Thị từ thời loạn Ngũ Hồ Thập Lục Quốc, tức thời kỳ Yên Quốc của hoàng tộc Mộ Dung còn tồn tại.
Tổ tiên của 4 gia tộc đã thân nhau từ nhiều đời trước, tuy không kết bái huynh đệ nhưng họ tình như thủ túc, thề chết đời đời trung thành với gia tộc Mộ Dung. Đặng Bách Xuyên được gọi là Thanh Vân Trang trang chủ, võ công thần thục, nội lực hùng hồn, trên giang hồ tuy tiếng tăm không lớn, nhưng ai ai cũng kính trọng.
Về võ công của Đặng Bách Xuyên, Kim Dung mô tả như sau: “Khi đó nhóm của Mộ Dung Phục, Vương Ngữ Yên cùng 4 thuộc hạ thân tín tới Lạc Dương. Họ bất ngờ đụng độ một kẻ thần bí. Lúc này, y vừa nói đến chữ “tôn” thì Đặng Bách Xuyên đã đề khí từ đan điền quát lên: “Tôn… ôn… ôn” hòa vào chữ “tôn” của đối phương vang rền cả hang núi. Tai mọi người ù cả lên, nhưng cũng nghe thấy một tiếng rú thê thảm ở chỗ ngọn đèn xanh vọng ra. Giữa đêm khuya, tiếng rú này lẫn trong dư âm tiếng quát của Đặng Bách Xuyên nghe thật là dễ sợ.
Vừa rồi Đặng Bách Xuyên vận nội lực tuyệt cao quát lên làm chấn động đối phương, cứ nghe tiếng rú thì biết gã bị thương khá nặng, không chừng mất mạng cũng nên.”
Qua đoạn miêu tả này, có thể thấy võ công của Đặng Bách Xuyên không hề đơn giản. Chỉ một tiếng quát đã khiến đối phương trọng thương.
Dương Quá trong Thần điêu hiệp lữ từng thể hiện nội công thâm hậu của mình qua tiếng thét. “Khi Dương Quá gầm lên, tiếng gầm như rồng gầm bay lên trời. Quách Tương liền bịt tai lại, may thay, nàng đã luyện tập nội công với cha từ nhỏ nên mới có thể đứng vững. Tiếng gầm của Dương Quá khiến cho sư tử, hổ lần lượt gục hết, đến voi cũng đứng không vững, theo sau là Thập quỷ Tây Sơn và anh em Thạch Gia. Vì lo có người bị thương, Dương Quá mới dừng lại, nếu cứ tiếp tục có lẽ chúng cũng bị tiếng thét của của y giết chết.”
Đặng Bách Xuyên thì quát một tiếng, còn Dương Quá thì gầm lên, cả hai người đều sử dụng nội công của mình để tấn công kẻ khác bằng âm thanh. Qua đây, ta có thể thấy, nội công của Đặng Bách Xuyên thực sự đáng kinh ngạc. Có thể nói, thực lực của Đặng Bách Xuyên không hề kém Dương Quá. Từ góc nhìn này, có thể hiểu, nếu Đặng Bách Xuyên sống ở thời đại của Thần điêu hiệp lữ thì võ công có thể sánh với Thiên hạ Ngũ tuyệt của Hoa Sơn luận kiếm lần thứ 2.