Tôm là nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, lại rất ngon nên thường xuyên nên được các bà nội trợ ưu tiên lựa chọn cho bữa ăn gia đình và cả trong các bữa tiệc. Tuy nhiên, tôm không đạt chất lượng thì chẳng những hương vị tồi tệ mà còn nguy hiểm cho sức khỏe. c
Loại tôm rẻ như cho cũng chớ mua
Tôm là loại thực phẩm đắt đỏ, cao cấp, nhưng chỉ khi nó thật sự tươi và an toàn. Khi đi chợ nếu không biết cách, bạn có thể mua nhầm loại tôm không tươi, bị ươn hoặc bị tiêm thuốc… Đó là loại tôm dù rẻ như cho cũng chớ mua, ăn vào hại người.
Tôm bơm tạp chất
Nếu thấy con tôm cứng, thẳng đơ thì đó là tôm đã được bơm tạp chất. Tôm bình thường có thân mềm và cong.
Tôm bơm tạp chất thường có phần thân mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân. Phần mang của tôm bơm tạp chất cứng, phồng căng, trong khi mang của tôm thường mềm, phẳng.
Tôm bơm tạp chất khi mới chết thường bị phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi. Đầu và thân tôm nhanh chóng rời nhau. Khi nấu chín, tôm sẽ bị ra nhiều nước, thịt teo lại, bở và nhạt hơn bình thường.
Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ ra, bạn sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm, nhất là ở phần đầu, dưới mang.
Tôm bị rụng đầu
Những con tôm sống khỏe mạnh sẽ có phần thân hơi cong, thịt căng chắc. Tôm để đông lạnh thân thường uốn cong thành hình tròn chứ không có dáng thẳng hoặc hơi cong cong như tôm sống.
Những con tôm có phần phần nối giữa đầu và thân có màu đen hoặc trở nên lỏng lẻo, đầu tôm sắp rụng khỏi thân nghĩa là tôm không còn tươi. Loại tôm này dù rẻ như cho cũng chớ mua.
Bạn nên chọn tôm có phần vỏ còn nguyên vẹn, đầu phải dính chặt vào thân tôm, đảm bảo tôm sẽ luôn tươi rói.
Màu sắc khác thường
Tôm tươi thường có màu sắc tươi sáng và mùi biển dễ chịu. Tôm có màu sắc nhợt nhạt, xám xịt hoặc có mùi khó chịu có thể đã bị ươn, không tươi. Đây là loại tôm dù rẻ như cho cũng chớ mua, ăn vào hại người.
Cách chọn tôm tươi ngon
Những con tôm tươi ngon phải có những đặc điểm sau:
Quan sát thân tôm và đầu tôm
Tôm tươi có phần thân hơi cong, thịt căng chắc; con tôm có thể không to và phần thịt sẽ không dày lên khác thường.
Bạn nên chọn tôm có phần vỏ còn nguyên vẹn. Đầu và chân tôm phải gắn chặt với thân. Vỏ tôm tươi phải bóng, trơn, sống giữa thân tôm sáng trong.
Không nên mua những con tôm mà phần chân đã chuyển sang màu đen vì đây là dấu hiệu cho thấy chúng đã bị hỏng.
Quan sát đuôi tôm
Hãy kiểm tra phần đuôi tôm nhằm xác định độ tươi của chúng. Tôm tươi thường có phần đuôi xếp lại với nhau và cúp xuống. Nếu đuôi xòe ra chứng tỏ tôm đã bị bơm hóa chất hoặc tiêm nước để tạo vẻ mập mạp, khi nấu sẽ bị chảy nhiều nước, thịt teo lại, bở, vị nhạt hơn so với bình thường
Cách bảo quản tôm tươi
Nhiều người do bận rộn nên có thói quen tích trữ thực phẩm, mua tôm về bảo quản trong tủ lạnh. Khi được lấy ra chế biến, tôm thường bị đen đầu. Để tránh tình trạng này, nên chọn mua tôm đang tươi sống, cắt bỏ râu rồi rửa sạch sẽ, để ráo nước trước khi bảo quản.
Sau khi tôm đã ráo nước, bạn nên xếp vào hộp đựng thực phẩm rồi rắc vào một ít đường trắng, lắc đều, cất vào ngăn đá tủ lạnh hoặc tủ đông để bảo quản ở nhiệt độ thấp.
Khi đông đá, thịt tôm sẽ không bị các loại vi khuẩn tấn công gây biến chất. Đường trắng sẽ giúp đầu tôm không bị đen và các con tôm không bị dính vào nhau. Khi chế biến, bạn có thể lấy ra từng con một cách dễ dàng.
Không nên bảo quản tôm quá lâu (tốt nhất là dưới 30 ngày) vì việc để lâu sẽ làm mất đi giá trị dinh dưỡng và độ ngon của tôm.
Nguồn tin: https://cafef.vn/loai-tom-du-re-nhu-cho-cung-cho-mua-an-vao-hai-nguoi-188240702192345362.chn