Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng cho biết, ngày 23/09 ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tạm trú tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Qua điều tra dịch tễ cho thấy, trong vòng 3 tuần trước khi khởi phát triệu chứng, người bệnh chỉ ở Việt Nam, không tiếp xúc với người nước ngoài. Hiện tại, các cơ quan chức năng đang gấp rút tiến hành điều tra để xác định nguồn lây nhiễm và kịp thời xử trí ổ dịch nếu có, tránh để lây lan ra ngoài cộng đồng.
Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây thành dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ Châu Phi nhưng hiện nay đã xuất hiện ở nhiều quốc gia tại Châu Âu, Châu Á. Bệnh có 3 con đường lây lan chính bao gồm:
– Bệnh lây truyền từ động vật sang người. Những động vật (có thể còn sống hoặc chết) được xác định là vật chủ bao gồm những loại gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng không phải người,…
– Bệnh lây trực tiếp từ người sang người: qua việc tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương trên da, dịch của cơ thể như máu, nước tiểu, giọt bắn qua đường hô hấp hoặc khi quan hệ tình dục có tiếp xúc gần. Bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con qua nhau thai gây ra bệnh đậu mùa bẩm sinh hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau sinh.
– Bệnh lây truyền do tiếp xúc với các vật dụng nhiễm virus từ người bệnh như khăn mặt, khăn tắm, cốc chén, bát đĩa,…
Hiện tại, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tỷ lệ tử vong khoảng 3% – 6% và để lại nhiều di chứng về sau trong trường hợp nặng.
Do khả năng lây truyền của bệnh qua nhiều con đường khác nhau cùng với thời gian ủ bệnh kéo dài (5-21 ngày), nên có một số nhóm ngành, nghề nghiệp có nguy cơ lây nhiễm virus cao hơn các ngành khác. Theo thông tin trên trang Viện Y tế Quốc Gia Hoa Kỳ công bố hồi tháng 3/2023, có nhiều nghiên cứu được tiến hành để xác định nguy cơ phơi nhiễm nghề nghiệp với virus đậu mùa khỉ. Bao gồm các nhóm nghề nghiệp sau:
1. Các nhân viên y tế, chuyên gia chăm sóc sức khỏe bao gồm bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên, dược sĩ, nhà trị liệu, sinh viên, nhân viên phòng xét nghiệm)
Các nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm bệnh do tiếp xúc với bệnh nhân hoặc các mẫu sinh học của họ (như máu, nước tiểu, giọt bắn đường hô hấp,…). Một nghiên cứu của Fleischauer AT và cộng sự về mức độ phơi nhiễm của nhân viên y tế trong một trận dịch tại Wisconsin năm 2003, khi đi vào vùng bán kính 2m xung quanh bệnh nhân cho thấy: >70% nhân viên y tế có ³ 1 lần phơi nhiễm mà không được bảo vệ nhưng không ai trong số họ báo cáo mắc bệnh. Khi nhân viên y tế được trang bị thiết bị bảo hộ cá nhân như áo choàng, găng tay y tế dùng một lần, thì tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn nữa, ước tính khoảng 0,9% (theo nghiên cứu của Petersen và cộng sự).
Trong số các nhân viên y tế thì bác sĩ hô hấp và nha sỹ là nhóm có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn bởi bệnh thường có biểu hiện tại vùng hầu họng trước khi có biểu hiện ngoài da. Khoảng 30% bệnh nhân có biểu hiện đau miệng, có mụn nước hoặc vết loét tại miệng. Họ có thể gặp rủi ro lây nhiễm bệnh bởi các giọt bắn khi thực hiện khí dung hoặc khi tiếp xúc gần để làm các thủ thuật.
2. Những người thường xuyên phải tiếp xúc gần với động vật bao gồm: công nhân tại các lò mổ, nông dân, nhân viên làm việc tại phòng thí nghiệm động vật, bác sĩ thú y, nhân viên tại các cửa hàng thú cưng,…
Do virus đậu mùa khỉ có thể lây từ động vật sang người nên nhóm nghề nghiệp trên được coi là có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn.
Năm 2003, một đợt bùng phát dịch tại Wisconsin, liên quan đến chó đồng cỏ (hay còn gọi là chó thảo nguyên, thuộc loài gặm nhấm), đã khiến nhiều nhân viên thú y, nhân viên tại cửa hàng thú cưng và các thành viên trong gia đình mắc bệnh. Hiện tại, ở châu Âu và Mỹ đã cấm nuôi chúng làm thú cưng.
Ngoài ra, những người thợ săn, buôn bán động vật hoặc có sở thích ăn thịt các động vật hoang dã cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh.
3. Nhóm nghề nghiệp liên quan đến tiếp xúc với vật dụng có thể bị nhiễm virus từ người bệnh như nhân viên xử lý vải bẩn, nhân viên dọn dẹp phòng khách sạn,… Do vậy, những người làm trong nghề này cần phải đeo găng tay, khẩu trang trong lúc làm việc để giảm nguy cơ lây bệnh.
4. Những người có tính chất công việc phải tiếp xúc với các khách du lịch như các hướng dẫn viên du lịch, người làm việc tại khu vực hải quan, tiếp viên hàng không…
Do vậy, để phòng tránh và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người lao động trong các nhóm nghề nghiệp trên, cần áp dụng một số biện pháp sau:
– Trang bị cho người lao động phương tiện bảo hộ cá nhân có tác dụng bảo vệ đường hô hấp như mặt nạ, khẩu trang,… bảo vệ da bằng các bộ quần áo hoặc áo choàng bảo hộ, đeo kính để tránh tiếp xúc vào niêm mạc mắt.
– Chủ động tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh cho người lao động thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao.
– Người quản lý lao động cần mở các lớp đào tạo, cung cấp thông tin và hướng dẫn người lao động thực hiện các quy tắc an toàn lao động, phòng tránh lây nhiễm, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong quá trình làm việc.