Tại Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) nhắc lại hành trình 21 năm THACO đặt chân đến Quảng Nam với tình cảm, trách nhiệm và tâm huyết của một doanh nghiệp trải qua bao thăng trầm ở vùng đất này trong hai thập kỷ qua.
Ông cho biết, thời gian qua, THACO đầu tư hạ tầng, tập trung phát triển sản xuất với khởi điểm là lắp ráp ô tô, sản xuất linh kiện phụ tùng. Sau đó, từng bước gia tăng tự động hóa và phát triển logistics. Cách đây hơn một thập kỉ, đây là lĩnh vực còn rất thiếu ở khu vực miền Trung.
Trong giai đoạn này, THACO từng bước khẳng định vai trò, vị trí là một doanh nghiệp hàng đầu của Quảng Nam nói riêng và một số ngành, lĩnh vực trong nước về cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ nói chung. “Với sự phát triển này, chúng tôi hướng tới làm sao để đảm bảo được tính đầu tư và phát triển của THACO, Quảng Nam, tiếp tục phát triển một cách bền vững” , ông Trần Bá Dương nhấn mạnh.
Tỷ phú Trần Bá Dương thông tin, hệ thống hạ tầng cảng được THACO đầu tư mạnh. Song, lại nhận ra giá thành logistics tại Quảng Nam vẫn cao hơn so với 2 đầu đất nước 20%.
“Để giải quyết điểm mấu chốt này, chúng tôi đã có hàng nhập là linh kiện để sản xuất, láp ráp, sau đó xuất khẩu. Đáng nói, hàng xuất của chúng tôi vẫn còn thiếu. Từ đó, để giải quyết tình trạng thiếu hàng xuất đi, THACO tham gia phát triển các mô hình trồng trọt quy mô lớn tại Lào, Campuchia và các tỉnh Tây Nguyên.
Đến nay, chúng tôi đã hình thành được mô hình sản xuất, trồng các loại cây ăn trái nhiệt đới (xoài, bưởi, sầu riêng) và đặc biệt là cây chuối, cây dứa chuyên canh với nền tảng hữu cơ rồi sản xuất lớn, ứng dụng cơ giới hóa và quản lý công nghiệp xuyên suốt chuỗi giá trị. Với sự phát triển của nông nghiệp, cuối năm nay chúng tôi có khoảng 1.000 tấn trái cây tươi/ ngày để xuất khẩu và sang năm khoảng 2.000 tấn/ngày. Như vậy, trung bình một ngày chúng tôi có từ 100 – 200 container xuất khẩu” , ông nói.
Ông Trần Bá Dương khẳng định, THACO sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển bền vững tại Quảng Nam. Tập đoàn sẽ nghiên cứu tham gia đầu tư hạ tầng đường thủy, đường bộ phù hợp với quy hoạch, nâng tính khả thi đưa Quảng Nam thành trung tâm logistics của miền Trung. Trong đó, vai trò của dự án Cửa Lở rất quan trọng.
“Đối với ngành logistics, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu theo quy hoạch của tỉnh Quảng Nam, sẽ quyết tâm tham gia đấu thầu dự án Cửa Lở. Bên cạnh đó, cùng với hệ thống giao thông đường bộ, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu đầu tư đường theo hình thức BOT để tập trung cho chuyến vận chuyển từ Nam Lào, Bắc Campuchia và Tây Nguyên về Chu Lai, như vậy sẽ hiện thực hóa quy hoạch” ông Dương nói và cho biết thêm khi đầu tư sớm vào hạ tầng, cùng với tàu hàng lớn vào được sẽ giải quyết được chi phí logistics. Khi chi phí logistics thấp, các nhà đầu tư khác sẽ đến với miền Trung nói chung và đến Quảng Nam nói riêng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị THACO cho biết, THACO sẽ tiếp tục đầu tư tại Chu Lai, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp nặng, linh kiện phụ tùng ô tô, máy móc thiết bị lớn… Tập đoàn đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp dược liệu gắn với đời sống người dân miền Trung.
“Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030 sẽ hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistics. Nhưng chúng tôi quyết tâm hình thành trung tâm này vào năm 2027 theo chiến lược 5 năm (2022-2027) của tập đoàn. Tức là sẽ sớm hơn 3 năm so với mục tiêu của tỉnh đề ra”, ông Dương cho hay.
Tỷ phú Trần Bá Dương nhìn nhận, Quảng Nam đã có nhiều chính sách mời gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp. Song, do nhiều yếu tố khác nhau, các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà.
“Để thực hiện tốt chiến lược tỉnh đặt ra đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, THACO rất mong sự tham gia của các doanh nghiệp để không còn “lẻ loi” trong hành trình phía trước. Qua đó, xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, góp sức vào sự phát triển của Quảng Nam và khu vực miền Trung” , tỷ phú Trần Bá Dương mong muốn.
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo và trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử; hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistics cảng biển, sân bay, đường sắt.
Nguồn tin: https://cafef.vn/ty-phu-tran-ba-duong-va-giac-mo-dua-quang-nam-tro-thanh-trung-tam-logistics-mien-trung-188240404215230817.chn