Trước câu hỏi, những tố chất cần có lãnh đạo doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường hiện nay tại hội nghị “Tăng cường năng lực quản trị công ty cho các doanh nghiệp niêm yết” hôm 3/7, ông Trương Gia Bình nói, chủ tịch là người cần định hướng, không đi theo mà phải tiên phong.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch doanh nghiệp không chỉ cần làm tốt việc quản trị, song song, phải ưu tiên các yếu tố ESG trong kinh doanh.
“Để FPT có thể ký được các hợp đồng lớn, các đối tác luôn đặt cho chúng tôi câu hỏi: ‘FPT xanh đến đâu? Đặt ra vấn đề như vậy để thấy, FPT muốn quản trị được phải dùng công nghệ để chuyển đổi. Tại FPT, chúng tôi đang thực hiện ba sự chuyển đổi lớn là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và trí tuệ”, ông Bình cho biết.
Dẫn chứng về một trong ba sự chuyển đổi có tính định hướng của người lãnh đạo, Chủ tịch FPT nói đang yêu cầu nhân viên FPT dùng AI để nâng cao 30% năng suất lao động. Từ năng suất được lao động được giải phóng, các nhân viên sẽ tiếp tục nghĩ ra phương pháp đóng gói sản phẩm để bán cho khách hàng để tối ưu hiệu quả.
Bên cạnh khả năng định hướng, theo ông Trương Gia Bình, người lãnh đạo còn luôn cần phải học hỏi.
“Chúng tôi học hỏi chặt chẽ từ thế giới. Chuyện AI là bài học của chúng tôi từ Deloitte. Con số tăng trưởng 30% năng suất lao động cũng đã được tính toán bởi các chuyên gia của tổ chức này”, ông thông tin.
Không chỉ học hỏi không ngừng, khi làm Chủ tịch, người đứng đầu cần phải truyền cảm hứng để mọi người thấy công việc hôm nay thú vị hơn hôm qua. Tại FPT, doanh nghiệp này thực hiện “chiến tranh nhân dân” ứng dụng trong quản trị kinh doanh, để huy động được sức mạnh tập thể.
Trước đó, trong một phát biểu trên truyền thông, ông Bình cho biết: “Từ rất nhiều năm, FPT đã đưa nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong quản trị kinh doanh. Tôi tin vào sức mạnh của chiến tranh nhân dân – sức mạnh giúp dân tộc nhỏ, nghèo, lạc hậu thắng những cuộc chiến khốc liệt nhất. Vì sao? Khi một người dấn thân, hy sinh cho mục đích chung, tất cả sẽ tạo ra sức mạnh vô hình”.
Đồng thời theo ông, ở FPT, ai cũng là chủ công việc của mình, do đó, doanh nghiệp xây dựng OKR để khuyến khích tinh thần nhân viên thay vì KPI để giao chỉ tiêu, ép buộc.
Tuy nhiên, khi nói về cái khó của công việc “làm chủ tịch”, ông Trương Gia Bình cho rằng, đây là nghề nghiệp cô đơn nhất. Bởi khi làm lãnh đạo, các vị phải nói chuyện với rất nhiều người, nhưng có những chuyện không thể nói và cũng không dám nói.
“Do đó, những người làm Chủ tịch có thể gắn kết để chia sẻ, vì chung những mục tiêu, trách nhiệm”, Chủ tịch FPT phát biểu ra mắt CLB Chủ tịch HĐQT (Chair Club) tại sự kiện.
Tại sự kiện tổ chức tại Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước hôm 3/7, ông Trương Gia Bình cùng lãnh đạo các tập đoàn, công ty niêm yết khác tại Việt Nam sẽ gia nhập Chair Club. CLB là nơi cập nhật và áp dụng thực tiễn, giúp kết nối, gia tăng sức mạnh đang có để cơ quan quản ly, nhà đầu tư có thêm thông tin khi quyết định rót tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, năm 1988, ông Trương Gia Bình đã cùng với 12 nhà khoa học khác của Việt Nam đã thành lập Công ty Công nghệ Thực phẩm FPT, tiền thân của Công ty Cổ phần FPT. Dưới sự dẫn dắt của ông, FPT đã trở thành công ty công nghệ thông tin và viễn thông hàng đầu của Việt Nam và nỗ lực để trở thành một doanh nghiệp mang tầm vóc quốc tế.
Ngoài nắm giữ vị trí chủ tịch HĐQT của FPT, ông Trương Gia Bình còn là Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính từ năm 2017 đến nay.
Nguồn tin: https://cafef.vn/chu-tich-la-nhung-nguoi-co-don-nhat-ong-truong-gia-binh-noi-gi-ve-nghe-lam-chu-tich-188240706081354814.chn