Ngày 7/2, tập đoàn Masan (Masan Group, mã chứng khoán: MSN) đã tổ chức cuộc họp nhà đầu tư cho năm 2025. Masan Group đã công bố chiến lược cho năm 2025 nhằm tiếp tục duy trì và phát huy đà tăng trưởng đã đạt được trong năm 2024. Các kế hoạch này được triển khai trên nhiều lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn, từ tiêu dùng, bán lẻ, thịt chế biến đến khai thác khoáng sản và đồ uống.
Masan Consumer: Masan Consumer sẽ tập trung vào chiến lược cao cấp hóa các dòng sản phẩm trong năm tới. Trong lĩnh vực gia vị và thực phẩm tiện lợi, công ty sẽ mở rộng thị phần bằng cách phát triển các sản phẩm cao cấp, như mì ăn liền và thực phẩm chế biến sẵn.
Bên cạnh đó, Masan sẽ đổi mới danh mục đồ uống với dòng sản phẩm WakeUp 247 và Tea365, đồng thời hướng tới phát triển các sản phẩm chăm sóc cá nhân mang thương hiệu Chantea và Net. Công ty cũng đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu trên 20% từ thị trường quốc tế và đạt mức tăng trưởng 15% doanh thu nội địa trong quý 1/2025.
WinCommerce: WinCommerce lên kế hoạch mở thêm từ 400-700 cửa hàng minimart với chiến lược tập trung vào từng khu vực. Công ty sẽ đẩy mạnh sự hợp tác với các thương hiệu thuộc hệ sinh thái của Masan để mang lại danh mục sản phẩm phong phú, đồng thời cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm cho khách hàng thông qua chương trình WIN Membership.
Các mô hình siêu thị mới, bao gồm WMT Urban và WMT Rural, dự kiến sẽ giúp công ty đạt được tăng trưởng doanh thu một chữ số cao trong năm 2025.
Masan Meat Life: Masan Meat Life tiếp tục đầu tư để nâng cao giá trị của các sản phẩm thịt heo, dự kiến đạt mức 10 triệu đồng mỗi con, tương đương mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước. Công ty hướng đến việc tăng tỷ lệ doanh thu từ thịt chế biến lên 20% vào năm 2025 thông qua việc xây dựng các “Góc Thịt” tại hệ thống WinCommerce.
Phúc Long Coffee & Tea: Phúc Long sẽ tăng cường các chiến dịch tiếp thị địa phương, tham gia các chương trình hội viên WIN Membership và triển khai các dự án kinh doanh theo mùa. Đồng thời, công ty sẽ tái định vị và áp dụng mô hình cửa hàng mới để thu hút khách hàng, mở rộng thị phần trong lĩnh vực đồ uống cao cấp.
Masan High-Tech Materials: Với giá hàng hóa tiếp tục duy trì ở mức cao, Masan High-Tech Materials sẽ tập trung vào việc cải thiện hiệu suất khai thác và tối ưu hóa doanh thu từ đồng cùng các sản phẩm phụ. Ngoài ra, công ty đang xem xét các giải pháp chiến lược nhằm giảm tỷ lệ nợ và nâng cao lợi nhuận.
MSR đã tìm được đối tác mua 42.000 tấn đồng tồn kho
>> Masan Consumer chào bán gần 327 triệu cổ phiếu MCH, giá chỉ 10.000 đồng
Một câu chuyện đang được chú ý trong cuộc họp là Masan High-Tech Materials (MSR), công ty con thuộc Tập đoàn Masan, xoay quanh động thái mới nhất từ Trung Quốc khi nước này thông báo hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng sang Mỹ.
Masan cho biết, cổ phiếu MSR đã tăng trần liên tiếp hai phiên trên sàn UPCoM, đạt mức tăng gần 28%. Cùng với đó, một số công ty khác trong ngành khai thác khoáng sản cũng ghi nhận sức nóng gia tăng, phản ứng trước sự kiện được cho là động thái “trả đũa” của Trung Quốc đối với các biện pháp hạn chế của Mỹ trong lĩnh vực chất bán dẫn.
Đại diện Tập đoàn Masan chia sẻ: “Trung Quốc cấm xuất khẩu nhiều khoáng sản quan trọng cho sản xuất công nghiệp tại Mỹ, trong đó bao gồm Vonfram và Bismuth. Chúng tôi đang chờ đợi chỉ số giá mới xuất hiện sau lệnh cấm này, điều có thể tạo ra những thuận lợi mà Masan High-Tech Materials sẽ khai thác”.
Theo đại diện Masan, lệnh cấm từ Trung Quốc sẽ tác động mạnh đến nhiều doanh nghiệp sản xuất Vonfram và Bismuth trên toàn cầu. “Lệnh cấm này sẽ mang lại một số lợi thế nhất định cho chúng tôi. Tuy nhiên, cũng cần thời gian để đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong năm nay”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, Masan High-Tech Materials cho biết đã tìm được một đối tác trong nước mua 42.000 tấn đồng, tương đương 85% hàng tồn kho, với giá trị khoảng 50 triệu USD. Động thái này cho thấy nỗ lực của công ty trong việc giải phóng hàng tồn kho và tối ưu hóa dòng tiền trong bối cảnh thị trường khoáng sản có nhiều biến động.
Đại diện tập đoàn cho biết, công ty hiện sở hữu mỏ khai thác với trữ lượng lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc. Đây là lợi thế chiến lược quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu khoáng sản công nghiệp toàn cầu, đặc biệt là các nguyên liệu quan trọng như Vonfram và Bismuth.
Với tiềm năng này, Masan kỳ vọng Masan High-Tech Materials sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu khoảng 14-15% trong năm tới, nhờ vào khả năng khai thác và cung cấp khoáng sản ổn định trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu đang bị hạn chế bởi lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc.
Masan High-Tech Materials, trước đây là Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources), đã chính thức đổi tên vào năm 2020. Đây là công ty con thuộc sở hữu gián tiếp của Tập đoàn Masan (MSN).
Trong năm 2024, Masan High-Tech Materials ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.336 tỷ đồng, tương đương với kết quả của năm trước đó. Tuy nhiên, sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp báo lỗ kỷ lục 1.587 tỷ đồng.
>> Masan (MSN) báo lãi quý IV gấp 14 lần cùng kỳ lên 691 tỷ đồng, hoàn thành 200% kế hoạch năm
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/masan-high-tech-msr-se-giai-phong-thanh-cong-42-000-tan-dong-ton-kho-trong-nam-2025-197131.html