Tạp chí Observer vừa đăng tải một bài viết về chứng nghiện trò chơi điện tử, bao gồm phỏng vấn các chuyên gia tâm lý và một gia đình bị ảnh hưởng. Chứng nghiện thực sự, dù là game hay bất cứ thứ gì, đều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người mắc phải.
Kể từ khi WHO xếp nghiện game là một rối loạn cụ thể vào năm 2018, Trung tâm Quốc gia về Rối loạn Game tại Anh đã điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân. May mắn thay, con số này cho thấy chứng nghiện game khá hiếm gặp, chỉ ảnh hưởng đến chưa đầy 1% trong số 88% thanh thiếu niên đang chơi game.
Bài báo đặt câu hỏi: “Tại sao có quá nhiều người trẻ nghiện game?”. Câu hỏi này chắc chắn đã chạm đến nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh khi thấy con cái dành quá nhiều thời gian trước màn hình máy tính và console.
Nhưng theo phóng viên mảng game Keith Stuart và Keza MacDonald của tờ Guardian, nếu các vị phụ huynh muốn hiểu tại sao nhiều thanh thiếu niên tự nguyện dành 10-20 giờ mỗi tuần để chơi game, thay vì quy kết cho một căn bệnh nào đó, hãy nên nhìn nhận vấn đề từ góc độ rộng hơn.
Gen Z – Thế hệ bị giám sát
Gen Z là thế hệ bị giám sát chặt chẽ nhất từ trước đến nay. Chúng ta chỉ trích con trẻ vì không ra ngoài chơi – nhưng đồng thời chúng ta lại đang hạn chế tự do và thu hẹp không gian của chúng. Các bậc cha mẹ thường hoài niệm về những ngày tháng tung tăng ngoài đường phố, đạp xe khắp khu phố, nhưng giờ đây họ lại đối xử với điện thoại của con cái như thiết bị theo dõi, yêu cầu báo cáo thường xuyên, xâm nhập các tài khoản mạng xã hội và lưu trữ mọi hoạt động cùng danh sách bạn bè của con. Dịch bệnh có thể đã lắng xuống, nhưng không chỉ có phong tỏa mới khiến trẻ em ở trong nhà.
Và ngay cả khi không có sự lo lắng của cha mẹ bủa vây: thanh thiếu niên còn đi đâu được nữa? Trong thập kỷ qua, theo số liệu của YMCA, hơn 4.500 công việc dành cho thanh niên đã bị cắt giảm và 750 trung tâm thanh thiếu niên đã đóng cửa. Theo Music Venue Trust, cứ mỗi tuần lại có hai địa điểm âm nhạc cơ sở bị đóng cửa. Ngành công nghiệp vũ trường đang rơi tự do.
Thanh thiếu niên không thể tụ tập trong công viên mà không khiến những người bảo thủ nghi ngờ. Những người bảo thủ đó tự cho rằng những không gian giải trí hiếm hoi này chỉ dành cho con nhỏ của họ; các quảng trường thành phố, công viên trượt ván và khu vực dành cho người đi bộ từng là công cộng giờ đây đang bị tư nhân hóa một cách tinh vi, được giám sát bằng camera CCTV và kiểm soát bởi bảo vệ tư nhân.
Khi thế giới game là một nơi giải thoát
Không có gì ngạc nhiên khi thanh thiếu niên rút lui vào thế giới game trực tuyến, nơi cuối cùng họ còn lại không bị cha mẹ hay các nhân vật có thẩm quyền can thiệp – nơi cuối cùng họ hầu như có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của người lớn.
Bạn có thể dành cả ngày với bạn bè trong Red Dead Redemption, Minecraft hay Fortnite để làm bất cứ điều gì mình thích, mà không bị đuổi đi hay phàn nàn, hay phải chi 5 Bảng (khoảng 165.000 VNĐ) cho một ly latte cứ 30 phút một lần.
Nếu không thể tiếp cận trị liệu tâm lý, ít nhất bạn cũng có thể thư giãn với những trò chơi nhẹ nhàng như Stardew Valley, Unpacking hay Coffee Talk, hoặc tâm sự với bạn bè trong game. Bạn có thể du lịch tự do, và miễn phí, trong Elden Ring hay Legend of Zelda; không có người lớn tuổi nào có thể bỏ phiếu hạn chế quyền tiếp cận của bạn tới lục địa trong Euro Truck Simulator.
Không thể phủ nhận rằng dành cả ngày trong phòng ngủ là điều không lành mạnh và gây ra sự xa lánh. Nhưng liệu chúng ta có thể trách móc thế hệ này vì họ trở nên lo lắng và khép kín hơn không? Họ vừa trải qua hơn một năm bị giam hãm trong nhà. Có một sự tuyệt vọng và thất vọng to lớn với một thế giới nơi sở hữu nhà là điều viển vông, nơi những công việc ổn định suốt đời ngày càng hiếm hoi và nơi người trẻ bị buộc tội là lười biếng và tự mãn.
Mức lương tối thiểu cho một người 18 tuổi ở đất nước này là 8,60 Bảng (gần 290.000 VNĐ), nghĩa là một giờ làm việc có thể chỉ đủ mua một ly bia trong một quán rượu ở London; đó là nếu họ có thể tìm được việc làm.
Hơn thế nữa, giới trẻ tại Anh còn đang bị truyền thông chê bai là là những kẻ “woke” yếu đuối. Nỗ lực cuối cùng của đảng Bảo thủ nhằm giành sự ủng hộ trước cuộc bầu cử là đưa ra kế hoạch tái áp dụng nghĩa vụ quân sự cho người 18 tuổi – để dạy họ về sự tôn trọng và ý thức cộng đồng. Không nên ngạc nhiên tại sao các thanh thiếu niên này lại muốn chạy trốn vào thế giới ảo. Chúng ta nên ngạc nhiên khi họ còn muốn quay lại thế giới mà chúng ta đã xây dựng cho họ.
Tham khảo The Guardian
Nguồn tin: https://genk.vn/dung-che-bai-tre-con-nghien-game-chinh-cac-phu-huynh-la-nguyen-nhan-goc-re-20240713190420729.chn