Các dự án này không bao gồm các tuyến đường sắt đô thị (metro) vì metro sẽ làm theo đề án phát triển hệ thống đường sắt TP.HCM.
Các dự án giao thông (59 dự án) được đề xuất ưu tiên đầu tư từ năm 2024 gồm các nhóm cao tốc, nhóm quốc lộ, nhóm vành đai, đường kết nối vùng, đường trục, đường thủy, bến bãi, nút giao thông,… Tổng nguồn vốn cho 59 dự án này là 231.000 tỷ đồng (tương đương 9,4 tỷ USD); trong đó vốn ngân sách là 156.500 tỷ đồng, chiếm hơn 67%.
Nhóm đường cao tốc gồm 4 cao tốc: Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài với tổng vốn 20.100 tỷ đồng; cao tốc TP.HCM – Chơn Thành (đoạn đường dẫn qua TP. Thủ Đức), tổng vốn 1.940 tỷ đồng; dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (đoạn nút giao An Phú đến đường Vành đai 2), tổng vốn 2.350 tỷ đồng; dự án mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM – Trung Lương (đoạn đường dẫn từ Bình Thuận – Chợ Đệm và đoạn Tân Tạo – Chợ Đệm), tổng vốn 1.037 tỷ đồng.
Nhóm đường quốc lộ ưu tiên làm 3 dự án, đó là: Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu); dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3 TP.HCM); dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh giới tỉnh Long An).
Nhóm đường vành đai gồm 5 dự án: Dự án khép kín 3 đoạn tuyến của Vành đai 2; dự án đường nối từ Vành đai 3 tới đường Võ Nguyên Giáp; dự án đầu tư xây dựng vành đai 4 (đoạn cầu qua sông Sài Gòn đến kênh Thầy Cai, gồm cầu vượt sông Sài Gòn). Tổng nguồn vốn cho 5 dự án này khoảng 26.800 tỷ đồng.
Nhóm kết nối liên vùng có 3 đường nối liên vùng (cầu Rạch Dơi; xây dựng đường mở mới phía tây bắc; đường trục đông tây nối dài từ quốc lộ 1 – Long An); ưu tiên xây dựng tuyến đường trên cao số 5 (đoạn từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Sương).
Các dự án khác bao gồm 8 dự án nút giao thông, cầu lớn và 25 dự án tuyến đường trục chính, xuyên tâm có sự góp mặt của nhiều dự án trọng điểm, như: cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cầu và đường Nguyễn Khoái, mở rộng đường Trường Chinh, mở rộng đường Tân Kỳ – Tân Quý,… Ngoài ra là 5 dự án bến bãi giao thông tĩnh và 4 dự án đường thủy (gồm cảng cạn, nạo vét luồng tuyến) cũng được xác định ưu tiên đầu tư từ nay đến 2030.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng cho biết, việc đầu tư các dự án được xác định theo mức độ ưu tiên, không làm dàn trải, theo tinh thần của Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030. Việc lập kế hoạch đầu tư các dự án cũng nhằm bảo đảm tiến độ triển khai theo lộ trình những năm tới.
Dự kiến sẽ triển khai thực hiện trong giai đoạn 2024- 2025 tập trung chuẩn bị đầu tư 51 dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư 19 dự án đã được bố trí kế hoạch trung hạn 2021 – 2025; đồng thời triển khai thực hiện các dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư và dự án.
Ngoài ngân sách nhà nước chiếm 156.500 tỷ đồng và chiếm 67,8% còn lại là vốn huy động kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP (cho 21 dự án), dự kiến 70.126 tỷ đồng (khoảng 30,4%); vốn ngân sách trung ương (3 dự án), vốn dự kiến 4.361 tỷ đồng (chiếm chừng 1,9%).
Ở giai đoạn 2026 – 2030, TP.HCM sẽ tập trung triển khai các bước tiếp theo của dự án theo quy định, hoàn thành đưa công trình vào sử dụng. Đồng thời Thành phố sẽ triển khai áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98 và những quy định pháp luật có liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm mục tiêu, phát huy hiệu quả của các dự án.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tp-hcm-uu-tien-trien-khai-59-du-an-giao-thong-lon-trong-nam-2024.htm