Trong chuyến đi tham quan Computex 2024 vừa qua, một trong những sản phẩm gây ấn tượng với tôi nhất là bộ bàn phím ASUS ROG Azoth Extreme.
Bên cạnh việc bản thân tôi cũng là một người yêu thích những bộ bàn phím cơ, thì Azoth Extreme cũng là một sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp (giá tại Việt Nam hiện đang gần 15 triệu Đồng) nên có khá nhiều những tính năng độc đáo mà các bàn phím khác không có.
Chính vì vậy mà khi có cơ hội trải nghiệm bộ bàn phím này lâu dài hơn để đánh giá thì chắc chắn tôi không thể bỏ lỡ được!
Hộp của Azoth Extreme rất lớn, với những họa tiết trang trí được làm bằng chất liệu đổi màu, khi nhìn từ các hướng khác nhau sẽ ra đủ màu sắc của cầu vồng! Lớp vỏ giấy bên ngoài hơi mỏng, nên trong quá trình vận chuyển tôi cũng đã làm móp nhẹ (góc trái).
Mở lớp vỏ giấy ta có một hộp nhựa bên trong, với logo ROG (thương hiệu gaming của ASUS).
Là một bộ bàn phím cao cấp nên bộ phụ kiện trong hộp của Azoth Extreme cũng rất đầy đủ: 2 bộ chân dựng (feet), dongle 2.4GHz, phụ kiện tăng tần số quét ‘Polling Rate Booster’, cổng chuyển USB-C, miếng gặp keycap, miếng gắp switch (phím có tính năng hotswap thay đổi switch nhanh), dây kết nối, một keycap Ctrl thay thế, 2 chiếc switch và ốc dự phòng.
Cảm nhận đầu tiên của tôi với bộ bàn phím này đó là: Nặng! Mặc dù có kích thước 75% tức là đã loại bỏ hàng phím số so với bàn phím Full-size nhưng Azoth Extreme có trọng lượng lên tới 2.2kg (tính cả kê tay) nên cầm trên tay rất đầm.
Tôi đánh giá đây là một điều tốt, chứng tỏ vỏ của phím đã được hoàn thiện một cách dày dặn, chắc chắn, ngoài việc tăng độ bền theo thời gian thì cũng ảnh hưởng trực tiếp tới cảm giác và âm thanh khi gõ.
Thiết kế của phím cũng khá phức tạp, khi nhìn ở các cạnh ta có thể thấy nhiều miếng nhôm lắp ghép với nhau bằng ốc và cả những đường tiện bằng CNC khá mảnh nữa. Khi gõ tất nhiên ta cũng không để ý tới những ‘tiểu tiết’ này, nhưng cũng cho thấy hãng đã không ‘cắt xén’ trong vấn đề chất lượng hoàn thiện phím.
Ta sẽ ‘lộn’ từ mặt dưới lên! Mặt dưới phím được chia ra làm nhiều mảnh với những tấm carbon và 1 tấm kim loại bóng ở chính giữa.
Những miếng chân dựng phím được gắn vào góc bằng nam châm như thế này, trong hộp cũng có 2 bộ với độ cao khác nhau.
Tấm ở giữa bên cạnh việc dùng để trang trí còn là miếng che cất dongle và một chiếc công tắc nho nhỏ.
Công tắc này dành cho một tính năng đặc biệt của Azoth Extreme đó là ‘điều chỉnh cảm giác gõ’, ta sẽ tìm hiểu rõ hơn ở phần sau.
Cạnh trên vẫn được làm bằng nhôm nhưng có thêm những đường cắt chéo để trang trí, có một tấm nhựa ghi tên hãng được gắn bằng ốc, cổng USB-C cùng công tắc để chuyển giữa 3 chế độ là dongle, cắm dây và Bluetooth.
Dongle 2.4GHz của Azoth Extreme có công nghệ SpeedNova và khi gắn thêm ‘Polling Rate Booster’ thì có tần số quét tới 8000Hz nên có độ trễ rất thấp. Trong suốt quá trình trải nghiệm bàn phím này tôi luôn kết nối phím bằng dongle, và độ trễ không khác gì so với bàn phím gắn dây tôi sử dụng hàng ngày cả.
Phím cũng được tặng luôn một chiếc kê tay. Đến cả kê tay này cũng có chất lượng hoàn thiện rất tốt, với phần khung bằng nhôm và lớp trên phủ nhựa mềm. Lớp nhựa mềm này kê tay lên có cảm giác rất ‘mịn’ và êm, nhưng cũng dính vết mồ hôi khá nhanh nên phải lau thường xuyên hơn so với kê tay gỗ hoặc nhựa acrylic.
Trở lại với mặt trước, phím dùng keycap PBT dạng double-shot với lớp chữ được làm bằng nhựa trong suốt để xuyên ánh sáng từ đèn LED bên dưới. Chữ được chọn font khá ‘gaming’, nhìn hơi cách điệu, vuông vức cho đúng chất với một bàn phím dành cho game thủ, với bề mặt được làm sần khá nhiều.
Có một số phím được in thêm ở cạnh (mọi người gọi là in ninja) cho các chức năng phụ, ngoài ra ta cũng có nút Escape có thêm logo và một phím Copilot để gọi nhanh trợ lý ảo AI của Microsoft – điều mà ASUS cũng đã làm ở những mẫu laptop được ra mắt tại Computex năm nay.
Switch được sử dụng là NX Snow, là một switch Linear (nhấn thẳng xuống) và có lực lò xo khá nhẹ chỉ khoảng 53g. Có 2 điểm đáng nói ở switch này đó là thiết kế chân keycap hình chữ nhật để chặn bụi bên ngoài đi vào bên trong; bên cạnh đó thì khoảng cách chạm đáy là 3.6mm thay vì 4mm trên các switch tiêu chuẩn.
Đây là một bộ bàn phím hướng tới game thủ, nên việc sử dụng một switch có khoảng cách nhấn ngắn hơn, để thao tác nhanh hơn cũng là điều dễ hiểu. Nhưng khi sử dụng để gõ chữ thì switch cũng cho cảm giác hơi ‘hụt’ một chút, vì mỗi lần nhấn xuống cũng ‘nông’ hơn so với switch thông thường khoảng 10%.
Những miếng stabilizer (cân bằng phím dài) được bôi mỡ sẵn để tránh hiện tượng ‘lọc xọc’, điều ta vẫn thường thấy trên những bộ phím cơ thuộc phân khúc trung cấp trở lên.
Tháo switch ra, ta tiếp tục tìm thấy những điểm khác biệt của bộ phím này. Hãng sử dụng plate (tấm giữ switch) làm bằng carbon thay vì bằng nhôm hay thép, đã lót sẵn foam cao su tiêu âm ở bên dưới.
Qua những ảnh ‘chụp cắt lớp’ thì tôi cũng biết được rằng phím còn có đầy đủ các lớp foam ở bên dưới mạch PCB nữa. Việc lót foam thường chỉ thấy trên những bộ phím custom (tự lắp), nhưng giờ cả những bộ phím dựng sẵn cũng đã bắt đầu làm theo để tăng chất lượng âm thanh của phím, và tất nhiên việc một bộ phím đắt như Azoth Extreme cũng có là điều không đáng ngạc nhiên!
Ở cạnh phải ta có một màn hình OLED màu và cần gạt nhỏ, mở ra thêm những chức năng thao tác nhanh cho phím.
Các tính năng có thể thực hiện trên màn hình và cần gạt của phím
Ta có thể điều chỉnh độ sáng màn hình (máy tính máy tính và phím), chỉnh âm lượng, chuyển bài hát và chỉnh độ sáng cũng như hiệu ứng đèn LED bằng cần gạt. Màn hình bên cạnh việc hiển thị các thông tin khi chỉnh những thông số kể trên thì cũng để trang trí nữa, có những hình họa ASUS cài sẵn hoặc ta cũng có thể tải ảnh khác vào đây.
Cần gạt cũng như màn hình là 2 tính năng này tôi không sử dụng thường xuyên vì cũng gồm những thứ có thể thực hiện được trực tiếp trên màn hình máy tính. Nhưng tôi có thấy nó hay ho và đẹp mắt không? Tất nhiên là có rồi!
Hiệu ứng đèn LED của phím
Sẽ không phải là một bàn phím gaming nếu không có đèn LED đổi màu! Ta có thể chuyển qua lại giữa các hiệu ứng trực tiếp trên màn hình hoặc với phần mềm Armoury Crate trên máy tính.
Cũng ở phần mềm này, ta có thể điều chỉnh hình họa cho màn hình OLED, theo dõi thời lượng pin, cài đặt chức năng cho các phím và cập nhật phần mềm khi cần thiết.
Vậy cảm giác sử dụng bàn phím này như thế nào? Azoth Extreme là một bộ bàn phím được lắp theo dạng Gasket mount, tức là cụm phím được đặt lên những tấm nhựa chứ không gắn ốc cố định vào lớp vỏ. Điều này đồng nghĩa với việc khi nhấn xuống phím sẽ ‘nhún’ nhẹ, giảm lực tác động lên ngón tay để tránh mỏi tay.
Công tắc ở dưới đáy dùng để điều chỉnh độ ‘nhún’ này, ảnh hưởng tới cảm giác gõ ‘cứng’ và ‘mềm’ của phím. Trên thực tế, cảm giác khi chuyển giữa 2 chế độ khác nhau đủ để nhận thấy được khá gõ mạnh tay, chứ không thay đổi hẳn ‘180 độ’.
Cảm giác gõ của Azoth Extreme có thể gói gọn bằng một từ là “Chắc chắn”. Switch có thiết kế chân gắn keycap hình vuông nên khi gõ ta không thấy bị nghiêng sang 2 bên, khi nhấn xuống tận đáy sẽ cảm nhận thấy ‘nhún’ nhẹ 1 chút và như đã đề cập từ trước thì sẽ có hành trình phím ngắn hơn đôi chút so với các phím khác.
Switch ngắn cộng với độ trễ thấp khi dùng ở chế độ không dây là những thứ các game thủ sẽ rất thích, tăng tốc độ tương tác với game. Một điều hơi đáng tiếc là ASUS không sử dụng switch dạng Hall Effect, nên không điều chỉnh thêm được khoảng cách nhận phím, hiện cũng đang khá ‘hot’ trong những bộ bàn phím gaming.
Trải nghiệm tiếng gõ của Azoth Extreme
Về âm thanh, Azoth Extreme cho âm lượng nhỏ và trầm vì đã có những lớp foam tiêu âm, những phím dài đều được sử lý để không tạo ra tiếng lọc cọc, khi gõ ta sẽ chỉ thấy tiếng ‘lách cách’ của switch tạo ra mà thôi. Đây là kiểu âm thường thấy trên những bộ bàn phím Custom được lắp ráp chuyên nghiệp, và nếu sử dụng phím lâu dài tôi cảm thấy rằng bạn cũng không cần thiết phải tháo ra để điều chỉnh thêm gì.
Chất lượng cao nhưng mức giá khó tiếp cận
ROG Azoth Extreme chắc chắn là một bộ phím dựng sẵn (pre-built) của một hãng lớn mà có chất lượng cao nhất mà tôi từng trải nghiệm. Những điểm cá nhân tôi còn chưa hài lòng có thể nhắc tới font chữ hơi rối mắt, kê tay có bề mặt dễ dính bẩn và tính năng ‘điều chỉnh cảm giác gõ’ không rõ rệt như tôi nghĩ.
Còn đâu về chất lượng hoàn thiện vỏ ngoài, khả năng kết nối, những tính năng phụ trợ, cảm giác gõ cho tới âm thanh gõ đều là những điều rất khó để chê ở chiếc bàn phím này.
Trở ngại lớn nhất của bộ bàn phím này chắc chắn là mức giá của nó! Trong Thế giới bàn phím cơ không hề thiếu những bộ bàn phím có mức giá 15 triệu Đồng hoặc thậm chí hơn thế nữa, nhưng thường được dành cho những bộ phím hiếm, sản xuất số lượng nhỏ và có giá trị sưu tầm đối với người dùng.
Nhưng đây là một tầm giá rất cao đối với một bộ phím dựng sẵn, thường mọi người chỉ quen với phím gaming ở tầm giá 3 – 5 triệu Đồng mà thôi. Azoth Extreme từ đó sẽ chỉ dành cho những bạn game thủ có tài chính dư dả, muốn có một bộ bàn phím chất lượng cao nhất có thể nhưng mua về sử dụng được luôn, không phải ‘mày mò’ thêm gì cả.
Nguồn tin: https://genk.vn/danh-gia-asus-azoth-extreme-ban-phim-co-gaming-gia-toi-15-trieu-dong-co-gi-hay-20240731155104862.chn