Bà Lý Mai Cẩn là một giáo sư, chuyên gia rất nổi tiếng của Trung Quốc trong lĩnh vực Tâm lý tội phạm học và Tâm lý trẻ em. Hiện tại, Giáo sư Lý đang công tác tại nhiều đơn vị, gồm Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phòng chống Tội phạm vị thành niên…
Bà Lý nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục gia đình đối với sự phát triển của trẻ em, đặc biệt là sự phát triển mối quan hệ giữa các anh chị em trong gia đình. Theo đó, các vấn đề của trẻ em thường bắt nguồn từ cha mẹ chúng. Giáo sư Lý cho hay, có những gia đình trẻ em rất hoà thuận, yêu thương đùm bọc lẫn nhau nhưng lại có những gia đình mà anh chị em trong nhà thù ghét, mâu thuẫn, thường xuyên xích mích “nảy lửa”. Điều này đều bắt nguồn từ cách giáo dục sai lầm của cha mẹ, có thể liệt kê 3 tình huống sau đây:
Tình huống 1:
Khi một đứa trẻ phạm lỗi, nhiều cha mẹ lựa chọn trách phạt tất cả các con. Cách làm “liên đới” này không chỉ không công bằng mà còn gieo mầm hận thù trong lòng những đứa trẻ vô tội. Những đứa trẻ vô tội sẽ cảm thấy mình bị oan, từ đó chuyển sự tức giận và bất mãn sang đứa trẻ phạm lỗi, dẫn đến căng thẳng trong mối quan hệ gia đình.
– Gợi ý cách giải quyết: Cha mẹ nên kiên trì nguyên tắc “ai làm người đó chịu”, phân định rõ ràng trách nhiệm, giáo dục và phạt đứa trẻ phạm lỗi một cách có mục tiêu, đồng thời khuyến khích những đứa con khác học hỏi từ đó để tránh lặp lại sai lầm. Điều này không chỉ thể hiện sự công bằng mà còn thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng giữa các con.
Tình huống 2:
Nhiều cha mẹ hay thiên vị, thường giúp đỡ, bênh vực đứa con út hơn, bắt đứa con lớn phải nhường em, làm luôn việc A, việc B thay em vì “em còn nhỏ”, “em còn bé thế thì thì con làm giúp em luôn”,… Điều này không chỉ khiến đứa trẻ đó trở nên lười biếng mà còn khiến đứa con lớn cảm thấy bất công và thất vọng. Lâu dần, anh chị em sẽ nảy sinh mâu thuẫn.
– Gợi ý: Cha mẹ nên khuyến khích mỗi đứa trẻ cố gắng theo khả năng và sở thích của mình, thay vì thiên vị đứa con út. En nhỏ có thể làm việc nhỏ, tuỳ theo khả năng, sức lực, không thể đùn đẩy hết cho anh chị lớn hơn. Đây mới là cách dạy dỗ đúng đắn, giúp trẻ hình thành tính trách nhiệm.
Tình huống 3:
Cha mẹ thường so sánh giữa các con và hạ thấp những đứa trẻ kém cỏi hơn. Cách làm này sẽ làm tổn thương lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ. Những đứa trẻ bị hạ thấp sẽ cảm thấy tự ti và tức giận, trong khi những đứa trẻ xuất sắc cũng có thể nảy sinh sự tự cao và kiêu ngạo, từ đó phá vỡ mối quan hệ hòa thuận giữa anh chị em.
– Gợi ý: Cha mẹ nên tránh việc so sánh vô nghĩa giữa các con, thay vào đó, nên giáo dục và nuôi dưỡng cá nhân dựa trên đặc điểm và ưu điểm của mỗi đứa trẻ. Hãy chú ý đến nỗ lực và tiến bộ của trẻ, đưa ra những khẳng định và khuyến khích tích cực. Đồng thời, hướng dẫn trẻ học cách trân trọng và tôn trọng sự khác biệt của nhau, cùng tạo dựng một bầu không khí gia đình hòa thuận và bao dung.
Tóm lại, cha mẹ khi giáo dục con cái cần kiên trì nguyên tắc công bằng, công lý và tôn trọng, chú ý đến nhu cầu phát triển của từng đứa trẻ, tránh sử dụng những phương pháp giáo dục có thể gây ra thù hận giữa anh chị em. Chỉ có như vậy, mới có thể nuôi dưỡng những đứa trẻ khỏe mạnh, tự tin và giàu tình cảm, đồng thời thúc đẩy sự hòa thuận và hạnh phúc trong gia đình.
Nguồn tin: https://cafef.vn/giao-su-noi-tieng-chi-ra-3-kieu-giao-duc-tai-hai-cua-cha-me-khien-con-cai-mau-thuan-thu-han-nhau-188240727161515137.chn