Hoạt động thể chất vừa phải sẽ giúp cải thiện lượng đường trong máu cho những người trưởng thành có nguy cơ cao bị kháng insulin (thường là tiền thân của tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường tuýp 2).
Theo tác giả Antonio Clavero Jimeno, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Đại học Thể thao và Sức khỏe thuộc Đại học Granada ở Tây Ban Nha, nghiên cứu cho thấy rằng, không chỉ số lượng hoạt động thể chất mà thời gian cũng có liên quan trong việc cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Nghiên cứu bao gồm 186 người tham gia với độ tuổi trung bình là 46 và chỉ số BMI trung bình là 33. Các nhà điều tra đã theo dõi hoạt động thể chất và lượng đường huyết trong khoảng thời gian 14 ngày bằng cách sử dụng thiết bị theo dõi hoạt động đeo tay và thiết bị theo dõi lượng đường huyết liên tục.
Số lượng và thời gian của hoạt động thể chất từ trung bình đến mạnh hàng ngày đã được ghi lại, những người tham gia được phân nhóm theo thời điểm mọi người hoạt động tích cực nhất.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc thực hiện 50% hoạt động vừa phải đến mạnh mẽ hằng ngày vào buổi tối có liên quan đến việc giảm mức đường huyết cả ngày, đêm và tổng thể so với khi không hoạt động. Mối liên hệ này mạnh mẽ hơn ở những người bị suy giảm khả năng điều hòa glucose.
Kết quả cho thấy, mức đường huyết giảm nhiều hơn nếu tập thể dục vào buổi tối.