Emmanuel Cerise nói muốn kể câu chuyện về căn biệt thự cổ ở Hà Nội qua cách phối màu sơn, vật liệu và áp dụng phương pháp thi công nguyên bản.
Sau gần hai năm trùng tu, sáng 26/1, biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo (46 Hàng Bài), quận Hoàn Kiếm mở cửa đón khách tham quan. Dự án trùng tu biệt thự trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội, vùng Ile de France, quận Hoàn Kiếm và Cơ quan hợp tác quốc tế vùng Ile de France.
Kiến trúc sư Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội, chịu trách nhiệm chính dự án, cho hay công trình 49 Trần Hưng Đạo là hình mẫu mang tính tiền đề cho việc trùng tu, tôn tạo các biệt thự cổ ở Hà Nội.
“Căn biệt thự không chỉ là dấu tích của lịch sử mà còn cho thấy sự giao thoa nhiều nền văn hóa, trong đó có Việt Nam và Pháp”, ông Emmanuel Cerise nói với VnExpress.
Năm 2007, cơ quan quản lý của Hà Nội cùng các chuyên gia Pháp bắt đầu nghiên cứu và lập danh sách di sản thời kỳ thuộc địa cần trùng tu. Mục tiêu là tái hiện kiến trúc Pháp cổ tại khu vực Đông Dương của công trình và cải tạo cảnh quan khu vực.
Hai năm sau, biệt thự 49 Trần Hưng Đạo được đưa vào trong danh sách trùng tu bởi tính chất kiểu mẫu như nằm tại ngã tư Hàng Bài – Trần Hưng Đạo, tổng thể diện tích 993 m2, trong đó mặt sàn 400 m2 và có hàng rào bao quanh. Công trình được xây từ những năm đầu thế kỷ 20 và đã xuống cấp, phù hợp để thử nghiệm dự án phục hồi di sản.
Ông Cerise cho hay khi bắt đầu kế hoạch triển khai dự án, các chuyên gia không nghĩ lại mất nhiều thời gian đến vậy. Nguyên nhân là các vấn đề liên quan thủ tục hành chính như phê duyệt dự án, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, thách thức lớn và tiêu tốn thời gian nhất trong việc cải tạo là tìm dữ liệu gốc về hình dáng, cấu trúc của công trình.
“Các bản vẽ, hồ sơ lưu trữ đã mất hết nên khó có thể đánh giá đầy đủ, chính xác thiết kế gốc của công trình. Các chuyên gia phải tham khảo nhiều tài liệu khác nhau để thực hiện bản vẽ mới”, vị kiến trúc sư từng tham gia nhiều dự án quy hoạch, chỉnh trang đô thị ở Hà Nội nói.
Ông Cerise cho biết công trình chỉ hoàn thiện hơn 90%, mục đích giúp người dân có cái nhìn trực quan nhất về cách thức xây dựng, vật liệu độc đáo mà người xưa sử dụng. “Tôi muốn truyền tải nhiều câu chuyện thú vị về kiến trúc thông qua từng chi tiết nhỏ trong căn nhà”, ông nói.
Trước khi tu bổ, trần phòng khách tầng một bị bong tróc nghiêm trọng, hở dầm sắt. Sau khi bàn bạc, các chuyên gia thống nhất gia cố bằng các tấm gỗ chịu lực và để hở chứ không trát lại. Khách tham quan nhìn vào sẽ hiểu được cấu tạo và quá trình lịch sử tác động đến căn nhà. Tương tự, toàn bộ trần tầng hai cũng để hở, người dân đi vào có thể quan sát các tấm xà gồ, mái nhà và phần cửa sổ tròn thông gió.
Trong nhà, một số gạch lát sàn bị vỡ và thất lạc. Đội ngũ thi công đã cố gắng thu thập, ráp các mảnh vỡ lại chứ không vứt bỏ hoặc thay thế toàn bộ. Như vậy, khách tham quan “vẫn được bước trên các loại gạch có tuổi đời cả trăm năm của căn biệt thự này”.
Kiến trúc sư người Pháp ấn tượng nhất với gạch tường của công trình. “Gạch này không xuất xứ từ Pháp và cũng không giống loại thường thấy ở Việt Nam. Dù chưa có bằng chứng xác thực, nhưng nó giống gạch được thu hồi khi phá dỡ một phần tường của Hoàng thành Thăng Long”, ông Cerise nói.
Với những bức tường và trần còn lại, các chuyên gia áp dụng phương pháp thi công kiểu cũ, sử dụng vôi sống trộn với rơm để làm vật liệu trát, thay vì dùng xi măng hoặc thạch cao. Sơn được sử dụng cũng có nguồn gốc tự nhiên để tránh tác động tiêu cực đến kết cấu gỗ và sắt trong ngôi nhà.
“Những cách thức thi công này khá phổ biến tại Đông Dương và một số nước châu Á giai đoạn từ năm 1850 đến đầu thế kỷ 20. Họ sử dụng rơm và vôi làm vật liệu trát tường, khi chúng tôi bóc dỡ để trùng tu mới phát hiện ra”, ông Cerise nói.
Trước lối vào ngôi nhà có một hố hình chữ nhật lớn, sâu khoảng nửa mét, vốn là hệ thống thoát nước mưa nhưng xuống cấp, không thể sử dụng. Các kỹ sư đã cố gắng giữ nguyên trạng để mô tả biện pháp thoát nước của ngôi nhà trước kia.
Tuy nhiên, ông Cerise cho biết không thể giữ mọi thứ nguyên vẹn. Một số hạng mục của ngôi nhà xuống cấp quá nặng, liên quan kết cấu và an toàn công trình thì bắt buộc phải thay thế. Kiến trúc sư cũng phải làm mới cầu thang gỗ, song sử dụng thiết kế phù hợp và không sơn để phù hợp màu gỗ cũ.
Để sử dụng cho mục đích không gian văn hóa, triển lãm của Hà Nội, căn bếp nhỏ của biệt thự được cải tạo thành phòng kính lớn giúp khách ngồi uống cà phê bên trong có thể ngắm nhìn toàn bộ ngôi nhà. Sân trước được rải sỏi thay vì làm bãi cỏ giúp khách tham quan đi lại thoải mái và phù hợp tổ chức sự kiện đông người.
“Tôi hy vọng biệt thự này là hình mẫu trong cải tạo, tái hiện các công trình di sản của Hà Nội, đặc biệt là di sản kiến trúc kiểu Pháp”, Trưởng đại diện Vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội nói.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, chi phí trùng tu biệt thự 59 Trần Hưng Đạo khoảng 15 tỷ đồng từ ngân sách quận. Công trình khi hoàn thành sẽ được đưa vào khai thác với chức năng Trung tâm giao lưu văn hóa phố Pháp của Hà Nội.
Hà Nội hiện có 1.216 biệt thự, gồm 367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau; 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân. Các biệt thự cũ chủ yếu được xây dựng trước năm 1954, có kiến trúc kiểu Pháp hoặc kết hợp kiến trúc phương Tây và Á Đông, nằm ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/biet-thu-49-tran-hung-dao-la-hinh-mau-phuc-hoi-di-san-ha-noi-4705098.html