Tôm tươi nếu không biết cách bảo quản dễ bị khô bở, đen đầu, mất vị. Một số mẹo dưới đây giúp việc bảo quản tôm giữ được chất dinh dưỡng.
Chọn và sơ chế tôm
Nên chọn mua tôm (tôm biển, tôm nuôi, tôm đồng) tươi sống là ngon nhất với các dấu hiệu như: tôm còn bơi, vỏ trong, trơn bóng, ấn vào chắc thịt, phần đầu và thân dính chặt, râu càng nguyên vẹn. Tránh mua tôm mềm, đầu rụng ra khỏi thân, có mùi lạ là tôm chết hoặc ươn.
Tôm tươi mua về nên sơ chế luôn.
Cách làm như sau: Dùng kéo cắt vát chéo ở trên đầu bỏ hệ tiêu hóa, nhẹ nhàng ấn rồi kéo rút bỏ phần chỉ đen (ruột) dọc sống lưng. Hoặc có cách khác lấy chỉ đen ở lưng là cắt dọc đường nhỏ rồi dùng tăm gỡ kéo ra. Sở dĩ nên bỏ phần tiêu hóa và chỉ đen này vì phần đầu chứa chất thải, tích tụ nhiều kim loại nặng như asen và chỉ lưng (đường tiêu hóa) chứa nhiều vi khuẩn. Ngoài ra khi cho vào tủ đông làm lạnh từ ngoài vào trong, phần vỏ tôm khá cứng nên quá trình làm đông lâu hơn khiến cho quá trình tiêu hủy ezyme trong hệ tiêu hóa và đường ruột vẫn diễn ra khiến cho tôm bị đen đầu và dễ có mùi tanh hơn. Sau khi sơ chế, rửa tôm với nước đá sạch rồi vớt ra để ráo hoặc thấm khô.
Gia vị và nguyên liệu phụ trợ
Tôm sau khi sơ chế đem ướp với chút bia lạnh hoặc rượu trắng, thêm chút đường vào đảo đều. Bia hoặc rượu có nồng độ cồn giúp khử trùng, khử tanh hiệu quả. Đường trong khoa học ẩm thực có tính giữ nước nên giúp tôm để lâu vẫn ngọt thịt mà không bị khô bở. Hơn nữa đường không bị hòa tan trong môi trường lạnh, nên giúp tôm không bị dính, đóng cục vào nhau vì thế rã đông dễ dàng hơn.
Mẹo này có tác dụng khử khuẩn, khử mùi, giữ nước, giữ hương vị tươi ngon cho tôm.
Chia hộp và trữ đông
Căn lượng tôm tương đương mỗi bữa ăn rồi chia nhỏ cho vào các hộp nhỏ đậy kín lại cho vào ngăn đông. Nếu không có thì dùng túi đựng thực phẩm, hút chân không rồi trữ đông. Chú ý không dồn nhiều tôm vào một hộp lớn vì chậm làm lạnh, giảm chất lượng của tôm.
Với cách bảo quản này, tôm tươi có thể trữ đông quanh năm dùng dần vẫn không bị đen đầu, khô xác, kém vị.
Mỗi lần ăn lấy tôm từ ngăn đá để xuống ngăn mát rã đông tự nhiên, sau đó dùng luộc hoặc hấp các món tùy thích. Chú ý khi luộc tôm nên luộc thì khi nước sôi, thêm vài nhánh gừng, sả đập dập cho thơm, nêm chút muối thì tôm sẽ chắc giòn ngọt. Nếu lượng tôm nhiều thì chia nhỏ luộc, không nên dồn một lúc sẽ khiến nhiệt độ giảm lâu sôi, tôm lâu chín. Không nên luộc tôm từ khi nước lạnh làm tôm lâu chín, dễ bị bở nát, kém vị.
Bùi Thủy
Nguồn tin: https://vnexpress.net/meo-bao-quan-tom-tuoi-lau-ngay-tet-4703762.html