Theo Chinadaily , các nhà sản xuất chip Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực sản xuất chip “trưởng thành” (mature chips) để chuẩn bị cho sự phục hồi dự kiến của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trong năm nay.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng mục tiêu khác của Bắc Kinh là giảm sự phụ thuộc vào chip nhập khẩu trong bối cảnh Mỹ kiểm soát xuất khẩu.
Hầu hết năng lực sản xuất mới của Trung Quốc sẽ tập trung vào các loại chip “trưởng thành”, chủ yếu từ 28 nanomet trở lên. Dù đây không phải loại chip dẫn đầu hiện nay, nhưng chúng được sử dụng rộng rãi trong nhiều ứng dụng phổ biến, từ các loại thiết bị gia dụng cho đến xe điện, theo các chuyên gia.
Dữ liệu Hải quan mới nhất cho thấy lượng nhập khẩu vi mạch tích hợp (gọi tắt là IC hay chip) của Trung Quốc đã giảm trong năm 2023 trong khi năng lực sản xuất trong nước tăng lên.
Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu 479,5 tỷ con chip với tổng trị giá 349,4 tỷ USD, giảm 11% về số lượng và 15% về giá trị so với năm 2022.
Ngược lại, theo báo cáo của công ty tư vấn chip toàn cầu SEMI, năng lực sản xuất chip của Trung Quốc có thể đã tăng 12% lên 7,6 triệu tấm wafer mỗi tháng trong năm 2023.
Wafer là một miếng silicon mỏng chừng 30mil (0,76 mm) được cắt ra từ thanh silicon hình trụ. Thiết bị này được sử dụng như là vật liệu nền để sản xuất vi mạch tích hợp.
Sheng Linghai, nhà phân tích từ công ty tư vấn thị trường Gartner, cho biết: “Mức giảm mạnh trong nhập khẩu chip của Trung Quốc chủ yếu là do nhu cầu thị trường toàn cầu suy yếu”.
Các chuyên gia trong ngành cho biết, trong bối cảnh những bất ổn địa chính trị toàn cầu, các nhà sản xuất chip Trung Quốc đang tăng cường năng lực sản xuất trong nước, không chỉ để đáp ứng nhu cầu chip “trưởng thành” đang tăng vọt nội địa mà còn tích lũy công nghệ để dần tiến tới sản xuất chip tiên tiến.
Guo Junli, Giám đốc nghiên cứu tại IDC Châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng Trung Quốc cần khẩn trương nâng cao năng lực cung cấp chất bán dẫn do nhu cầu trong nước “vô cùng lớn”. Nhu cầu này chủ yếu đến từ các lĩnh vực như xe điện, sản xuất công nghiệp và trí tuệ nhân tạo.
“Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro và hạn chế về chính sách quốc tế, do đó rất cần một chuỗi cung ứng không bị ảnh hưởng bởi những áp lực này” , ông Guo nói.
SEMI dự báo, trong năm nay, các nhà sản xuất chip Trung Quốc sẽ đưa 18 dự án vào hoạt động và được kỳ vọng sẽ dẫn đầu cuộc mở rộng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Sau khi xem xét kế hoạch của 48 nhà sản xuất chip Trung Quốc, các nhà phân tích tại ngân hàng Barclays của Anh cho biết Trung Quốc có thể mở rộng công suất sản xuất chip lên 60% trong 3 năm tới.
Các nhà phân tích Joseph Zhou và Simon Coles của Barclays cho biết: “Các nhà sản xuất địa phương vẫn đang bị đánh giá thấp. Thực tế có nhiều nhà sản xuất chip và fab (xưởng sản xuất hoặc cơ sở sản xuất chất bán dẫn) nội địa ở Trung Quốc hơn so với những gì các nguồn tin chính thống trong ngành công nghiệp công bố”.
Công ty nghiên cứu vi mạch Trend-Force cho biết trong một báo cáo gần đây rằng Trung Quốc có 44 nhà máy sản xuất tấm wafer đang hoạt động và 22 nhà máy khác đang được xây dựng. Đến cuối năm nay, có thể có 32 nhà máy mới của Trung Quốc sản xuất chip “trưởng thành”.
Việc mở rộng năng lực sản xuất chip của Trung Quốc khiến Mỹ và Liên minh Châu Âu lo ngại. TrendForce dự báo, động thái này sẽ giúp thị phần toàn cầu của Trung Quốc về năng lực sản xuất chip “trưởng thành” đạt 39% vào năm 2027, tăng từ 31% vào năm 2023, và còn dư địa để tăng trưởng hơn nữa nếu việc mua sắm thiết bị diễn ra suôn sẻ.
Nguồn tin: https://genk.vn/trung-quoc-day-manh-san-xuat-chip-28-nanomet-de-vuot-kho-20240119102210281.chn