Nhiều trường hợp sau khi ăn một số loại thực phẩm dẫn đến cơ thể đau nhức, đỏ, sưng tấy ở một số bộ phận. Đó có thể là cách cơ thể báo cho bạn biết rằng có điều gì đó không ổn. Cho dù đó là tình trạng viêm kéo dài hay ngắn hạn, thì mọi người đều từng bị viêm nhiễm vào một thời điểm nhất định nào đó.
Mặc dù tình trạng viêm xảy ra là điều bình thường vì nó là một phần phản ứng của cơ chế bảo vệ bên trong cơ thể, nhưng việc trải qua cơn đau liên tục có thể là dấu hiệu nguy hiểm.
Tình trạng viêm mạn tính, có thể kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm, liên quan đến các vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch. Nguyên nhân chính đằng sau điều này có thể là do thói quen ăn uống của bạn và chúng làm xáo trộn các vi khuẩn bên trong đường ruột.
Ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn
Nếu chế độ ăn uống ít rau xanh và nhiều thịt chế biến sẵn, đồ uống có đường, kẹo, thịt nguội, xúc xích, khoai tây chiên… thì khả năng bạn bị viêm sẽ cao hơn so với những người có thói quen ăn uống lành mạnh.
Năm 2022, một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học American Journal of Clinical Nutrition đã phát hiện ra rằng, việc tăng cường tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn có mối liên quan chặt chẽ với khả năng gây viêm nhiễm trong cơ thể cao hơn.
Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa các thành phần tinh chế và phụ gia nhân tạo, có thể phá vỡ hoạt động của hệ tiêu hóa bằng cách làm mất cân bằng giữa các vi khuẩn lành mạnh và không lành mạnh trong ruột của bạn.
Ăn quá nhiều đường
Vì đường được tìm thấy trong hầu hết các bữa ăn, cả tự nhiên và chế biến sẵn, nên điều quan trọng bạn cần nhận ra là, nó có thể hiện diện với số lượng lớn trong bất cứ chế độ ăn uống nào nếu nó không được quan tâm và kiểm soát.
Theo một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí chuyên ngành Frontiers in Immunology, tiêu thụ nhiều đường có liên quan trực tiếp đến bệnh tim, tiểu đường, bệnh viêm ruột béo phì và viêm mạn tính mức độ thấp.
Thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến có chứa đường bổ sung, có thể gây viêm trong cơ thể bạn nếu tiêu thụ đủ nhiều.
Lười ăn rau và chất xơ
Năm 2018, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học American Journal of Clinical Nutrition đã kết luận, tiêu thụ lượng trái cây và rau quả nhiều hơn có thể làm giảm đáng kể các chất trung gian gây viêm và tăng cường tế bào miễn dịch.
Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng gồm protein và chất xơ để cung cấp thêm chất chống oxy hóa có thể là một chiến lược mạnh mẽ để chống lại chứng viêm trong cơ thể.
Tiêu thụ quá nhiều gluten
Gluten là một loại protein có trong lúa mì và ngũ cốc, bánh mì, pizza… Một số người có thể ăn gluten mà không gặp vấn đề gì, nhưng những người khác có thể nhạy cảm với nó. Sự nhạy cảm này có thể gây viêm, một dấu hiệu nhận biết như sưng tấy trong cơ thể, đặc biệt nếu ai đó có vấn đề về đường ruột.
Vì vậy, nếu bạn gặp vấn đề về dạ dày hoặc các triệu chứng mạn tính, hãy thử dùng thực phẩm không chứa gluten.
Uống quá nhiều rượu
Việc uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng viêm mạn tính. Trên thực tế, việc uống rượu thường xuyên có liên quan đến tình trạng viêm ruột cũng như những thay đổi bất lợi trong hệ vi sinh vật đường ruột.